Là giáo viên, cha mẹ cũng là bạn bè với học sinh
Đại uý Dương Quang Tuấn trầm ngâm: “Các cháu đưa vào đây đều đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như cướp của, giết người, trộm cắp, gây rối, hiếp dâm…”.
Thầy Tuấn trở thành giáo viên ở trường Giáo Dưỡng số 3 đến nay tròn 10 năm. Rất nhiều học sinh đã được anh rèn dũa. Anh hiện là giáo viên chủ nhiệm đội 3, có 3 học sinh, trong đó, 2 em phạm lỗi trộm cắp và 1 em phạm lỗi hiếp dâm. Mỗi em nhập trường là một hoàn cảnh khác nhau.
Trong đó, em S.D, người dân tộc Jrai chỉ hơn 14 tuổi. Hàng ngày, cha mẹ bận lên rẫy. Ở nhà, em tiếp xúc với điện thoại, vào mạng internet, xem phim đen. Rồi, em học theo những thước phim ấy.
Một ngày, em có hành vi sai trái với một bé gái. Chuyện vỡ lở, em nhận quyết định đưa vào trường giáo dưỡng 24 tháng.
Em nhập trường lúc dịch Covid-19 căng thẳng. Em lầm lì, ít nói. Do khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, nếp sống, thầy Tuấn gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp, tạo mối quan hệ, gần gũi với em.
Mong muốn thấu hiểu học sinh, thầy kiên trì trò chuyện. Sau một thời gian, nhận thấy được tấm lòng của người thầy, D. đã chấp nhận anh. Đến nay, cậu xem thầy Tuấn như là người bạn, người anh, người cha của mình.
Tại trường, D. được học tiếp chương trình văn hoá lớp 6. Do tuổi còn nhỏ, em không phải lao động, thay vào đó, thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, hội thi lành mạnh...
“Sau khoảng thời gian dài, em tiến bộ nhiều. Dự kiến, vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ đề nghị xem xét giảm thời hạn chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng đối với D.”, thầy Tuấn cười tươi.
Theo lời nam đại uý, ở ngôi trường này, mỗi học sinh đều có một số phận đặc biệt. Bên cạnh việc dạy văn hoá, mỗi giáo viên phải có sự kiên nhẫn, yêu thương, biết chia sẻ.
Có không ít các em lúc ở bên ngoài xã hội sống buông thả, chơi game, không biết làm gì... Do đó, giáo viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn nghiệp vụ giáo dục, sư phạm và nghiệp vụ công an. Hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho học sinh.
“Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm phải thường trực, ăn, ngủ, sinh hoạt bên cạnh học sinh. Điều phấn khởi là các em chịu mở lòng, đón nhận tình cảm của các thầy cô, xem như là bạn bè, cha mẹ, người thân”, nam giáo viên tâm sự.
Giúp trẻ đứng vững trước những sóng gió cuộc đời
Ngồi bên cạnh, thiếu tá Dương Thị Thuý Mai, chia sẻ: “Những đứa trẻ sống thiếu tình cảm, khi vào trường, được thầy cô gần gũi thì tiến bộ nhanh. Đó là lý do vì sao giáo viên chủ nhiệm phải ngủ lại trường cùng học sinh. Một phần để chăm non, một phần gần gũi, nắm bắt nguyện vọng, tâm tư của các em”.
Theo nữ công an, một trong những điều quan trọng khi dạy các em học sinh lầm lỡ là phải biết thông cảm, không được phán xét. Bởi, tất cả các em ở đây đều từng vi phạm pháp luật, nếu phán xét sẽ khiến các em càng thêm chán nản, khó thoát khỏi quá khứ.
“Dạy dỗ một con người đã khó, rèn dũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. Để làm được điều này, giáo viên nhẫn nại, dùng tình yêu thương của mình cảm hoá những đứa trẻ, đang chông chênh giữa những ngã rẻ cuộc đời. Bên cạnh dạy trẻ con chữ, phải uốn nắn, cho trẻ học kỹ năng sống, chỉ bảo nếp sống, từ đó khơi gợi để trẻ biết yêu thương mọi người, nhận ra những lỗi lầm, tránh xa thói hư, tật xấu”, cô Mai tâm sự.
Tất cả các em vào Trường Giáo dưỡng số 3, tuổi còn nhỏ, nhận thức chưa thấu đáo. Quan niệm của cô Mai, mỗi học sinh là một mầm non, giáo viên phải biết gieo mầm, chăm bẵm để mầm non ấy tươi tốt.
Giáo viên ở trường giáo dưỡng không quản ngại vất vả, khó khăn mà phải sống tận tuỵ bằng cái tâm, tình yêu thương học trò, giúp các em dần trưởng thành, có thể đứng vững trước những sóng gió cuộc đời.
Trong cuộc trò chuyện, cô Mai cho hay, thi thoảng, nhận được tin của các em từng vào trường đã trưởng thành, trở thành giáo viên, thạc sĩ, kết hôn… là niềm vui vỡ oà.
“Khi ra trường, cộng đồng tiếp nhận, hỗ trợ làm sao để trẻ không quay lại con đường cũ là trăn trở chung của tất cả thầy cô giáo ở đây. Và, khi biết được một em nào đó thành đạt thì niềm tin, trường giáo dưỡng là nơi gieo mầm điều tốt càng giúp những giáo viên như chúng tôi phấn khởi, cảm thấy động lực, thêm yêu nghề”, cô Mai tâm tư.
Bên cạnh đó, nữ thiếu tá nhiều lần nhắc: “Để nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách một đứa trẻ, vai trò của gia đình rất lớn. Dù cuộc sống bộn bề, lo toan, các bậc cha mẹ vẫn cần dành chút thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái. Đừng để công việc, tiền bạc cuốn trôi, rồi bỏ bê gia đình, để một ngày phải rơi nước mắt khi con cái lầm lỡ”.
“Vào trường giáo dưỡng là bước ngoặt cuộc đời”
Trong cuộc trò chuyện, các giáo viên trường Giáo Dưỡng số 3 không ít lần nhắc về cựu học sinh Nguyễn Mạnh Linh. Gần đây nhất, anh Linh trở về phát biểu trong hội nghị Gia đình học sinh năm 2022 với tư cách là tấm gương sáng để các học sinh khác noi theo.
Anh Linh chia sẻ, từng là một trẻ vị thành niên nông nổi, vi phạm pháp luật và phải tham gia giáo dục bắt buộc tại trường giáo dưỡng, để trả giá cho những sai lầm bồng bột như một biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Hiện, anh là Giám đốc chiến lược, Phó chủ tịch một công ty lớn ở Hà Nội.
Anh từng là một trẻ vị thành niên khó bảo, nghiện game, đua đòi theo bạn bè mặc dù gia đình không khá giả. Anh bỏ nhà đi rất nhiều lẫn vì cãi nhau với cha mẹ rồi thực hiện hành vi trộm cắp, đánh nhau.
Quá trình học tập tại trường, Linh may mắn được các thầy cô giáo quan tâm, động viên, tạo điều kiện phát triển bản thân, phát triển những điểm mạnh như làm MC.
Linh nhớ, cô Trần Thị Bích Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3, từng nói chuyện với gia đình mình: “Em có năng lực nhưng lại không có lập trường, dễ bị dao động bởi bạn bè xấu”. Đó chính là câu nói khắc cốt ghi tâm được anh áp dụng để thay đổi, trưởng thành con người mới.
Bên cạnh đó, anh được các thầy cô giáo trong trường trau dồi, đồng hành và tạo điều kiện nhất bằng các hoạt động như Đài phát thanh hàng tuần, MC những hội nghị của trường, phát triển thư viện nhà trường.
“Nếu trường phổ thông dạy cho tôi con chữ, thì trường giáo dưỡng dạy cho tôi cách làm người, và tôi biết ơn thầy cô giáo ở đây rất nhiều”, Linh nói.
Anh Linh chia sẻ, kinh nghiệm sau khi ra trường, việc đầu tiên mang yếu tố quyết định là phải rời xa môi trường cũ, đó chính là những người bạn xấu, những người mà mình xem như là huynh đệ, bạn đồng hành.
Qua biến cố, anh nhận thấy, những người bên mình khi vấp ngã không phải là bạn bè mà đó là gia đình. Người thân vẫn luôn chìa tay để giúp đỡ mặc dù nhiều bất đồng bởi chênh lệch về độ tuổi giữa hai thế hệ dẫn đến việc không hiểu nhau.
“Rất nhiều bạn đã cảm nhận được sự khắc nghiệt tại môi trường giáo dục, đã quyết tâm thay đổi nhưng vì bạn bè mà một lần nữa lại lầm đường lỡ bước. Đây là yếu tố quyết định để bạn thay đổi bản thân mình”, Linh dứt khoát.
Bước tiếp theo phải xây cho mình một lộ trình cụ thể, chi tiết nhất, bắt đầu từ việc đi học trở lại. Việc tham gia giáo dục bắt buộc tại trường giáo dưỡng không đồng nghĩa với việc không được theo học ở trường phổ thông.
Ngay Linh, khi mới ra trường vào tháng 1/2015, đã đi làm, kiếm những tháng lương đầu tiên, nhưng nhờ sự định hướng của gia đình, anh tiếp tục theo học tại trường giáo dục thường xuyên dù đã quá tuổi. Khi nhập học, anh nhận ra, tuổi tác hay quá khứ không ảnh hưởng gì quá trình theo học phổ thông, bổ túc, mà quá trình học tập, phấn đấu của bản thân mới quan trọng.
Hoàn thành xong chương trình bổ túc, Linh tiếp tục thi đậu đại học chính quy và hơn nữa, còn trau dồi để đi du học trong 4 năm và lấy được bằng thạc sĩ ngành kinh tế.
“Việc vào trường giáo dưỡng không phải là một kết thúc mà là một sự khởi đầu, một bước ngoặt cuộc đời”, vị Giám đốc chia sẻ.
Trung tá Huỳnh Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo Dưỡng số 3 thông tin, trường hiện có 61 học sinh, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Ngoài việc dạy văn hoá, nhà trường còn dạy nghề như xây dựng, hàn, chăn nuôi, trồng trọt… phù hợp với điều kiện, trình độ văn hoá và độ tuổi của các em.
Năm qua, Trường được Giấy khen vì đã có thành tích trong thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Giấy khen vì đã có thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trường cũng có 11 lượt tập thể và 26 lượt cá nhân được Cục C10 tặng giấy khen. Ngoài ra còn có 9 lượt tập thể và 28 lượt cá nhân đang đề nghị Bộ Công an, Cục C10 tặng Bằng khen và Giấy khen.
Dịp kỉ niệm 45 năm thành lập trường, đơn vị đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; đề nghị UBND Tp.Đà Nẵng tặng bằng khen trong công tác giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão số 4 và số 5…