Từ một vụ tai nạn thảm khốc
Ngay từ sáng sớm 14/11, khoảng sân rộng của TAND huyện Đông Anh (Hà Nội) đã có đông đảo người dân kéo đến, đứng ngồi nhốn nháo để chờ đợi phiên tòa được thông báo sẽ xét xử vào 8h sáng cùng ngày. Theo tìm hiểu của PV, vì số người trực tiếp liên quan đến vụ việc là khá đông, cộng với 2 lần trước đã hoãn tòa vì các lý do khác nhau, nên càng khiến người dân có động lực để kéo đến nhằm chứng kiến công lý được thực thi trong phiên tòa xét xử Trần Huy Thư (SN 1974) và Vũ Thị Kim Oanh (SN 1976, đều trú tại Khu tập thể cung đường sắt Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).
Hai bị cáo trên là nhân viên gác chắn, trực tại trạm chắn đường ngang Bắc Hồng, bị cáo buộc đã không làm tròn nhiệm vụ dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc giữa tàu hỏa hiệu SP4 và một chiếc ô tô 16 chỗ khiến lái xe chết thảm tại chỗ và nhiều hành khách thương vong.
Theo cáo trạng, vào khoảng rạng sáng 3/2/2012, anh Nguyễn Văn Th (SN 1968, trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) điều khiển ô tô chở một nhóm người đi lễ sớm. Đến khoảng 4h20' sáng, khi đưa xe đến điểm giao cắt đường ngang tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (thuộc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội), chiếc xe của anh Th đã bị đoàn tàu SP4 đâm phải khiến anh Th tử vong, 5 người khác bị thương nặng.
Theo kết quả giám định thương tật, trong 5 nạn nhân may mắn còn toàn mạng sau vụ tai nạn kinh hoàng, người bị nặng nhất tổn hại tới 85% sức khỏe, người nhẹ nhất cũng 25% sức khỏe.
Theo tài liệu điều tra, trước đó, Thư và Oanh được phân công trực từ 17h ngày 2/2 đến 7h ngày 3/2/2012. Trong quá trình làm việc, 2 người đã nảy ra ý định tự phân công ca trực theo cách mỗi người trực một nửa thời gian. Cụ thể, Thư trực từ 17h đến 24h ngày 2/2, còn Oanh sẽ trực nốt thời gian còn lại. Hết phần thời gian của mình, Thư gọi điện cho Oanh ra thay rồi về nhà nghỉ ngơi.
Đến khoảng 4h20' cùng ngày, thấy có điện báo tàu đến, Oanh đã chủ động ra đóng chắn 2 trước, nhưng vì chỉ có một mình nên chưa kịp đóng chắn 1. Lúc này, vì nhận thấy chắn 1 còn mở, anh Th cho xe ô tô đi cắt qua đường tàu nên đã dẫn tới vụ tai nạn nói trên. Sau tai nạn, Oanh điện thoại cho Thư thông báo tình hình và thống nhất nhanh với đồng nghiệp rằng tại thời điểm xảy ra tai nạn, Thư có mặt và đang làm nhiệm vụ tại chắn 2. Thư đã đến hiện trường, đứng ở vị trí chắn 2 và ký vào tường trình do Oanh viết sẵn.
Chị Bé khóc ngất và liên tục đòi một sự công bằng trong phiên tòa xử chồng mình.
Ở vụ án hy hữu này, cơ quan điều tra kết luận, Oanh, Thư vi phạm kỷ luật lao động, tự ý sắp xếp trực gác chắn tàu. Thư tự ý bỏ vị trí trực gác chắn tàu, còn Oanh không thực hiện đúng quy định phải đóng chắn đường bộ trước 90 giây khi tàu đến đường ngang; làm tín hiệu báo an toàn không đúng, vi phạm về quy định tổ chức phòng vệ đường ngang. VKSND huyện Đông Anh đã truy tố 2 nhân viên này về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt". Lỗi cũng ở anh Th là thiếu chú ý quan sát, vi phạm khoản 3 Điều 25 Luật Giao thông đường bộ.
Đến những giọt chát đắng
Sau nhiều tiếng chờ đợi, khoảng 9h sáng 14/11, Thư được đưa đến phòng xử án trong bộ dạng thảm hại với cả chục cảnh sát áp tải cùng chiếc còng siết cứng trên tay. Chân bị phù nề khiến mỗi bước đi của anh ta đều trở nên khó khăn và nặng nhọc. Oanh thì "dễ thở" hơn nhiều, vì được tại ngoại trong phần lớn thời gian điều tra, chị ta đến tòa với gia đình cùng chiếc bụng lùm lùm giấu sau chiếc áo khoác đen rộng thùng thình.
Nhiều người có mặt tại tòa nói với tôi, ở phiên tòa lần này Thư đã "cứng cáp" hơn nhiều. Ở 2 phiên tòa trước (đều bị hoãn), người đàn ông 38 tuổi cũng đã khóc như mưa, liên tục kêu oan cho mình. Thậm chí, chủ tọa phiên tòa còn phải đề nghị Thư dừng khóc bằng lời động viên: "Đề nghị bị cáo trật tự để phiên tòa được tiếp tục. Đúng sai thế nào rồi pháp luật sẽ làm rõ". Với những gì đã gây ra, cả Oanh và Thư đều bị VKSND huyện Đông Anh đề nghị áp dụng khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Mức hình phạt này đã khiến cả vợ chồng Thư gục xuống đau đớn.
Theo những gì PV được chứng kiến tại phiên tòa hôm ấy, có vẻ như tranh cãi lớn nhất là giữa các bên chính là tình tiết Oanh có thực sự có đóng chắn 2 hay không. Theo lời Oanh khai, lỗi của chị ta là đã đóng được chắn 2 nhưng vì chỉ có một mình nên không thể đóng tiếp chắn 1. Tuy nhiên, cả 4, 5 nhân chứng tại tòa (đều là những nạn nhân trên xe và không có quan hệ thân quen với gia đình anh Th - PV) đều khẳng định lúc trước và sau khi xảy ra tai nạn, họ thấy cả 2 chắn tàu đều không được đóng.
Thậm chí phiên tòa còn xuất hiện một người phụ nữ có tên Tô Thị Thắm, khẳng định mình là người ngoài đầu tiên có mặt tại hiện trường, chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng không hiểu tại sao cơ quan điều tra lại không hề tìm gặp chị lấy lời khai (?). Nhân chứng này cũng khẳng định, cả 2 chắn đều không đóng, và cũng chẳng có chiếc đèn cảnh báo nào được treo lên.
Những gì nhân chứng nói tại tòa khiến khán phòng xôn xao, cho rằng Oanh thực sự đã ngủ quên, cố khai sai sự thật để bớt tội của mình, đồng thời kéo thêm Thư vào để "chia sẻ tội lỗi". Sự khác biệt trong lời khai của nhân chứng và bị cáo cũng như sự xuất hiện bất ngờ của người phụ nữ tên Thắm khiến chủ tọa phiên tòa lúng túng. Sau phút giây thảo luận, chủ tọa tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thư lại bị xích tay, kéo ra chiếc xe đỗ sẵn ngoài cửa.
Tìm đến người vợ khốn khổ Tô Thị Bé (SN 1984, vợ Thư), tai tôi đã nghe mắt tôi đã thấy và tim cũng rỉ máu với những tâm tư cay đắng của chị. Trong vài phút ngồi nói chuyện với tôi, người phụ nữä 2 con cứ khóc lặng, kêu rằng mức án 7-15 năm tù cho một người không có mặt là quá nặng. Trong cách hiểu ngây ngô của người phụ nữ chỉ vừa học hết lớp 3, việc anh Thư báo cáo với Oanh (là tổ trưởng) cũng được coi là xin phép hợp lệ.
"Chồng tôi quê ở tận Nam Định lên đây lập nghiệp, mấy chục năm làm công nhân gác chắn đến giờ thu nhập một tháng cũng chưa đầy 2 triệu đồng. Chị Oanh là tổ trưởng của chồng tôi, đã đồng ý cho chồng tôi về tại sao lại quy trách nhiệm cho chồng tôi nặng như vậy? Trong suốt quãng thời gian chồng tôi làm 1 mình (từ 17h đến 24h), tại sao anh ấy vẫn hoàn thành được nhiệm vụ còn chị Oanh lại kêu là một mình không thể làm được nhiệm vụ?", chị Bé khóc lặng cho biết.
Chị Bé cũng cho biết thêm, sự bất bình thường xuất hiện ngay trong quá trình điều tra, khi chồng chị là người hoàn toàn vắng mặt lại bị giam giữ suốt 10 tháng qua, còn Oanh lại được vui vầy ở nhà với chồng con vì lý do... có thai. Đáng chú ý, thời gian thụ thai được xác định vào thời điểm gần 2 tháng sau khi sự cố xảy ra.
Được biết, vợ chồng chị Bé có 2 con, cháu gái lớn mới 2 tuổi còn cháu trai cũng chỉ vừa sinh được 2 tháng. Trong suốt thời gian vừa qua, phần vì bụng mang dạ chửa không thể tiếp tục công việc đồng áng nặng nhọc, lại vừa phải nuôi chồng trong trại tạm giam, chị Bé đành phải nương tựa vào người thân và vay tiền lãi sống qua ngày.
Theo điều 36 của "Điều lệ đường ngang" (căn cứ theo Luật Đường sắt), thì hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến ít nhất 90 giây với gác chắn thủ công. Trong trường hợp bài viết đã nêu, trong ca trực của mình, Oanh và Thư đã không đóng hết 2 chắn và để gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chiếu theo khoản 3, điều 208 bộ luật hình sự, VKSND huyện Đông Anh đã đề nghị mức phạt tù từ 7 đến 15 năm. |
Long Nguyễn