Đạp xe hơn 100km để tìm con
Ở cái tuổi gần 70, cái tuổi lẽ ra được an nhàn tuổi già và vui vẻ sum vầy bên con cháu nhưng hai vợ chồng ông Đoàn Xuân Út (68 tuổi) và bà Ngô Thị Thanh (65 tuổi) ở thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn mang trong mình nỗi canh cánh trong hành trình đi tìm cô con gái Đoàn Thị Thu Hiền (SN 1978) bị thất lạc 36 năm trước tại ga Si (Nghệ An).
Người bố vẫn còn nhớ như in thời điểm cuối năm 1981, khi đó con gái ông mới hơn 3 tuổi, cùng mẹ và em trai 11 tháng tuổi đi chuyến tầu từ Vinh về Hà Nội. Đó cũng là chuyến tầu định mệnh chia cách con gái ông với gia đình suốt 36 năm qua.
“Trong lúc chờ tầu có một phụ nữ trạc từ 26-30 tuổi đến gần vợ tôi và ngỏ ý bế giúp một đứa. Vợ tôi chỉ nghĩ họ làm phúc nên cũng đưa con gái cho người phụ nữ ấy bế. Tuy nhiên, tới khi lên toa tầu thì không nhìn thấy người đó đâu. Vợ tôi đi tìm khắp các toa nhưng không thấy".
"Lúc ấy, trên tay vợ tôi là đứa con mới hơn 11 tháng tuổi. Trời lại khuya, giá lạnh. Mọi người cũng khuyên đêm lạnh rồi đưa con về. Khi tôi nhận được thông tin lạc mất con ở ga Si, tôi lập tức quay trở lại ga Si để tìm thông tin”, nói tới đây ông Út im lặng rồi khẽ cúi đầu xuống.
Ông bảo rằng, cũng có những đứa trẻ ở xung quanh ga bảo có nhìn thấy 1 đứa trẻ đúng với hình dáng, quần áo con tôi mặc khi đó vào chiều hôm trước. Và đứa trẻ đó đã được 1 người đàn ông lớn tuổi bế đi khi bé khóc đòi về mẹ và liên tục giẫy giụa. Người đàn ông đó cũng cho đứa trẻ lên chiếc xe chở gạch đi ngang qua để đưa bé… về với mẹ.
Tuy nhiên, 36 năm đã trôi qua nhưng đứa trẻ ấy vẫn không được về với mẹ, còn người mẹ thì hễ nghe ai mách ở đâu có tung tích của con lại tất bật ngược xuôi đi tìm.
Thậm chí, thời gian đầu khi con mất tích, nhiều người đã quen với hình ảnh một người đàn ông đạp xe đạp, trước ngực có treo tấm biển đi tìm con ở rất nhiều tỉnh, thành. Đó là ông Đoàn Xuân Út. Có những lúc, ông đạp trên chặng đường hơn 100km để lùng tìm manh mối về con.
“Quá trình tìm con, đi thì đi rất nhiều, kể cả việc đi xem bói chúng tôi cũng từng thử nhưng đều chưa có kết quả. Có khi đi cả hai vợ chồng nhưng chồng đang đi tìm chỗ này, vợ lại đi tìm chỗ khác. Nhiều khi tìm con không được tôi lại phải đi tìm vợ".
"Thời gian sau mọi người cũng động viên, rồi sau này con sẽ tìm về với gia đình chứ mình không tìm được nó đâu nên cứ bình tĩnh. Biết đâu bây giờ con đang có cuộc sống sung sướng, yên ổn", ông nói.
Ám ảnh tiếng còi tầu
Trong 36 năm đó, rất nhiều lần khi những thông tin về con đã “chắc như đinh đóng cột”, chúng tôi lại yên tâm, chắc mẩm đó là con. Rồi chúng tôi háo hức. Nhưng khi tới nơi lại là sự hụt hẫng, rã rời, buồn chán vì đó không phải con mình.
Đúng là hành trình chúng tôi đi tìm con như “mò kim đáy biển”. Ngày nào còn chưa tìm được con chúng tôi còn day dứt lương tâm”, ông Út tâm sự.
Chia sẻ về việc có hay không sẽ dừng hành trình tìm kiếm con gái bị thất lạc, ông Út khẽ cười. Trong thâm tâm người làm bố ấy, chưa một giây phút nào ông từ bỏ ý định. Dù chỉ còn một tia hi vọng nhỏ, ông vẫn phải đi tìm.
“Người ta không nuôi con vì lí do hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gặp nhiều uẩn khúc lại là chuyện khác nhưng… Tôi không bao giờ quên con…”, nói xong ông Út im lặng. Ông khóc.
Sau khi trấn tĩnh lại ông Út cho biết thêm, cũng có những người từ đất nước Đài Loan, Mỹ… gọi điện về xác nhận là con của ông. Nhưng để chắc chắn và không mất công của họ, ông cũng đề nghị họ thử ADN rồi gửi kết quả về để kiểm tra.
Cách đây 2 tuần, ông biết có 1 trường hợp ở Vinh khi bị lạc cũng tầm tuổi con gái ông… nhưng sau đó xét nghiệm ADN lại cho ra kết quả không cùng huyết thống với gia đình ông.
“Khi có kết quả giám định ADN giữa cô gái ở Vinh với gia đình tôi, tôi bị hụt hẫng. 1 tuần sau khi có kết quả, tôi không trả lời và cô gái ấy liên tục gọi điện ra hỏi. Tôi nấn ná mất vài ngày nhưng sau đó vẫn buộc phải trả lời...”, nói tới đây ông Út lại quay đi hướng khác để giấu những giọt nước mắt đang rơi trên gương mặt đã in hằn dấu vết của thời gian.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Ngô Thị Thanh cũng kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về đứa con gái đã thất lạc của mình. Bà nhớ rất rõ, con của bà đã biết đọc tên bố mẹ, địa chỉ nhà và cả tên của mình.
“Nó còn biết trông em, biết hát những bài hát của lứa tuổi thiếu nhi, khi lạc bố mẹ con khóc liên tục… Tôi chắc chắn, trong ký ức của con vẫn còn những hoài niệm về chúng tôi.
Khi lạc con, chúng tôi đi khắp nơi để tìm. Đi tới đâu người dân họ cũng thương hoàn cảnh, họ còn hỏi ăn gì chưa rồi cho ăn, cho ngủ nhờ. Nhưng tôi nào có tâm trạng để ăn.
Trước đây, nhà tôi ở gần đường tầu, từ vườn nhà có thể nhìn thấy tầu chạy, cứ mỗi đêm nghe tiếng đoàn tầu, tôi lại thao thức không ngủ được…”.
Và hai vợ chồng ông Út, bà Thanh cùng các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm con của mình trong những giọt nước mắt, trong nỗi khắc khoải xen lẫn niềm mong ngóng.
Nguyễn Huệ