Vào dịp cuối tuần vừa qua, những người đi bộ trên con phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một người đàn ông với bộ quần áo xanh da trời, tay cầm đục, tay cầm búa, say mê đục đẽo bên cạnh gian hàng bán gốc tre của mình. Đó là nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (SN 1973), từ thành phố Hội An (Quảng Nam) ra Hà Nội tham dự hội chợ quảng bá sản phẩm của tỉnh.
Ông Đỏ say mê đục đẽo những gốc tre thành sản phẩm độc lạ trước mặt du khách tại Hà Nội.
Sau những tiếng lạch cạch và những nhát đục sắc bén của ông Đỏ, khuôn mặt ông Thọ với nụ cười rạng rỡ dần dần hình thành. Từ người già đến trẻ nhỏ túm tụm xung quanh, ai cũng tỏ ra thích thú với màn “biến hoá” kỳ diệu này.
Vừa làm, ông Đỏ vừa trò chuyện, nói cười cùng mọi người rất thân thiện, để lộ hàm răng “vắng đi” vài chiếc trước cửa ấn tượng. Ông Đỏ cho hay, mọi người vẫn gọi ông là “Đỏ tre”, bởi 25 năm qua, cuộc đời của ông đã gắn với những gốc tre tưởng chừng vô giá trị, biến chúng thành sản phẩm độc đáo, phục vụ khách du lịch.
Với nụ cười thân thiện và sự khéo léo, tài hoa của mình, ông Đỏ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách thăm quan.
Ông Đỏ cho biết, bản thân ông trước đây từng đi học nghề chạm khắc gỗ từ năm 16 tuổi. Gần 10 năm học và làm nghề chạm khắc, dưới bàn tay tài khoa của ông Đỏ, hàng nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường nhưng ông vẫn chỉ là người làm thuê, cuối tháng nhận lương như bao người khác.
Tuy nhiên, năm 1999, trận lũ lịch sử đã thật sự thay đổi cuộc đời ông. “Ngày đó, thành phố Hội An mưa kéo dài gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nước nhấn chìm gần hết ngôi nhà tôi đang ở. Ngồi trên mái nhà, nhìn thấy nhiều gốc tre trôi qua, tôi vớt lên rồi đục thử”, ông Đỏ nói.
Tác phẩm được làm từ gốc tre có giá 4 triệu đồng vừa được ông hoàn thiện.
Từ các gốc tre tua tủa rễ, thô ráp, ông Đỏ đã đục đẽo thành những bức tượng chân dung độc nhất vô nhị, chưa từng xuất hiện ở đâu. Sau khi nước rút, ông liền mang 8 sản phẩm chạm khắc từ gốc tre với đủ hình thù đi gửi bán ở quầy hàng lưu niệm.
Không ngờ, chỉ sau một ngày, 8 gốc tre có người mua hết với giá 40 nghìn đồng/gốc và đặt thêm hàng, trả giá lên tới 80 nghìn đồng/gốc tre tiếp theo, tạo nên động lực lớn để ông tiếp tục công việc mới lạ này.
Sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng đón nhận, mua hết đến đó, ông Đỏ quyết định ra làm riêng để phát huy tối đa kỹ năng nghề của mình vào năm 2004.
Chân dung các vĩ nhân và nhân vật lịch sử của Việt Nam và trên thế giới được ông khắc hoạ hết sức khéo léo và tài tình.
“Tôi nhận ra, cây tre đã gắn bó với đời sống văn hoá của người Việt, thể hiện sự kiên cường, bất khuất và sự vươn lên mãnh liệt, tượng trưng cho con người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Vì vậy, tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm gốc tre về, tiến hành chạm khắc chân dung của các bậc vĩ nhân, danh nhân, anh hùng của Việt Nam và trên thế giới để phục vụ khách du lịch”, ông Đỏ kể.
Bức tượng Bác Hồ bằng tre đang được bán với giá 400 nghìn đồng tại hội chợ.
Những gốc tre vứt thành đống, bỏ đi sau những dự án bê tông hoá nông thôn hoặc mở đường, được ông Đỏ thu mua từ khắp nơi về, mang đi ngâm bùn từ 7-9 tháng rồi đục đẽo. Từ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, những gốc tre vô tri đã được ông Đỏ “biến hoá” thành chân dung các bậc vĩ nhân, các nhân vật lịch sử, tượng phật hay tượng Phúc-Lộc-Thọ, Quan Công… hết sức độc đáo.
Sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng được làm hoàn toàn bằng gốc tre.
Sau gần 30 năm làm nghề, ông Đỏ đã xây dựng được cho mình một cửa hàng bày bán sản phẩm chạm khắc, điêu khắc gỗ và gốc tre cùng một xưởng sản xuất riêng rộng 50m2 tại thành phố Hội An, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương.
Các sản phẩm từ gốc tre của ông Đỏ không chỉ được bán ở Hội An mà nhiều tỉnh thành khác cũng đặt hàng về bán. Trên cả nước, có khoảng 10 đại lý bán sản phẩm gốc tre này. Trung bình mỗi tháng, ông Đỏ bán được từ 300-400 tượng gốc tre với giá từ 120 nghìn đồng đến 4 triệu đồng/sản phẩm.
Không chỉ "biến hoá" những gốc tre thành sản phẩm độc đáo, ông Đỏ còn truyền tải tình yêu quê hương đất nước qua mỗi tác phẩm.
Không những tạo ra sản phẩm mang nhiều ý nghĩa, ông Đỏ còn tự mình học thêm 5-6 ngôn ngữ khác để có thể giao tiếp được với khách nước ngoài, tổ chức các buổi workshop dành cho khách du lịch muốn tận tay thử nghiệm bộ môn chạm khắc gốc tre.
Đặc biệt, ông còn chuẩn bị riêng một bài thuyết trình về cây tre Việt Nam cho khách hàng, giúp mọi người hiểu được ý nghia lịch sử, văn hoá và tinh thần của con người Việt Nam qua hình tượng cây tre. Từ đó, sản phẩm tượng gốc tre và hình ảnh cây tre, con người Việt Nam ngày càng đến gần hơn với khách hàng bạn bè trên khắp thế giới.
Hồng Cảnh