Hội chùa Yên Tử đã chính thức khai hội vào ngày 18/2, tức mùng 9 âm lịch vừa qua. Đến nay, hội thu hút hàng chục nghìn lượt khách lui tới thăm quan và cầu cho một năm mới an lành hạnh phúc.
Mùa lễ hội cũng là “mùa” để các tiểu thương và người dân địa phương “chặt chém” du khách với nhiều loại hình dịch vụ và hàng hóa khác nhau.
Măng trúc giá “cắt cổ”
Măng trúc ăn ngọt, có thể luộc, xào tỏi hoặc xào với thịt dê, thịt bò, thịt lợn... đều ngon cả. Năm nay, ở hội chùa Yên Tử không có thịt thú rừng được giết mổ và bày bán tràn lan như ở chùa Hương nên măng trúc được coi là món đặc sản duy nhất. Chính vì thế mà dù được bán với giá đắt "cắt cổ" nhưng loại măng rừng này vẫn khá đắt hàng.
Măng trúc được bày bán ở khu vực chợ xuân duới chân núi Yên Tử.
Theo quan sát của PV, măng trúc được người dân bày bán rất nhiều từ khu vực chợ xuân dưới chân núi cho tới dọc đường lên đỉnh chùa Đồng.
Anh Minh, một người dân sống gần núi Yên Tử cho biết, vào những những ngày thường măng trúc chỉ có giá 30.000 đ/kg. Nhưng cứ vào mỗi dịp lễ hội thì nó lại được người bán đẩy giá “lên trời”.
Ở khu vực chợ xuân dưới chân núi, măng trúc được rao bán với giá 50.000đ/kg. Càng lên gần đỉnh chùa Đồng thì những người bán măng dọc đường càng hét giá lên cao, tới 80.000đ, thậm chí là 100.000đ đến 120.000đ/kg.
Không cần cân đo đong đếm, túi măng trúc này được người bán (phải) hét giá 300.000đ.
Tiếp cận một người phụ nữ bán măng trúc gần điểm cáp treo An Kỳ Sinh chúng tôi được biết, kể từ ngày mùng 5 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 20kg măng. Như vậy, với giá giao động từ 80.000đ - 120.000 đ/ kg thì người phụ nữ này đã thu về hơn 2 triệu đồng mỗi ngày.
Gậy trúc đắt hàng
Cùng với măng thì việc chặt trúc làm gậy đem bán cũng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho những người bán hàng rong ở núi Yên Tử.
Để lên tới đỉnh chùa Đồng, du khách phải trải qua khoảng 6 giờ đi bộ với đường núi dốc cheo leo. Nếu đi cáp treo thì du khách cũng phải đi bộ vài km mới có thể lên tới đỉnh núi. Bởi vậy, nhiều du khách cần đến một chiếc gậy để chống tránh trơn chượt trong quá trình leo núi.
Dịch vụ bán gậy trúc cũng vì vậy mà nở rộ và “hốt bạc” trong những ngày lễ hội. Trung bình mỗi chiếc gậy trúc được bán với giá từ 3.000đ đến 5.000 đ. Anh Thành, một người bán gậy trúc tại đây tiết lộ thật thà tiết lộ: “Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 chiếc gậy trúc. Phần lớn khách hàng sau khi hành hương thì họ lại vứt bỏ gậy dưới chân núi trước khi lên xe trở về quê. Khi đó, chúng tôi lượm lại rồi đem bán tiếp cho những khách hàng khác.”
Nhu cầu mua gậy của khách leo núi tăng cao khiến dịch vụ bán gậy trúc được mùa "hốt bạc".
Theo tính toàn của chúng tôi thì anh Thành cũng kiếm ngót nghét cả triệu đồng mỗi ngày. Với một mùa lễ hội kéo dài 3 tháng thì việc anh Thành có thể bỏ túi vài chục triệu từ việc bán gậy trúc.
Việc buôn bán măng, gậy trúc một phần cũng là do nhu cầu của du khách thập phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là số măng và gậy trúc nói trên đều được khai thác trái phép ở núi rừng Yên Tử. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì những cánh rừng trúc xanh mướt tôn lên vẻ đẹp của danh thắng Yên Tử chẳng mấy chốc mà biến mất.
Thêm vào đó, việc bày bán và chèo kéo khách hàng của một số người bán hàng rong dọc đường lên đỉnh chùa Đồng tạo nên một hình ảnh hết sức phản cảm và gây khó chịu cho không ít du khách.
Dịch vụ gửi đồ, cho thuê giày dép “lên ngôi”
Tới Yên Tử, dù đi cáp treo hay đi bộ thì du khách đều không muốn mang trên mình những túi ba lô nặng chĩu đồ dùng cá nhân. Vì thế, họ thường tìm tới dịch vụ gửi đồ dưới chân núi. Bên cạnh đó, do không chuẩn bị từ trước nên nhiều du khách còn có nhu cầu thuê giày dép để leo núi được thuận tiện. Nhờ vậy, dịch vụ gửi đồ và cho thuê giày dép đã được mùa “lên ngôi” ở hội chùa Yên Tử.
Những hàng quán dưới chân núi thường kiêm luôn dịch vụ gửi đồ và cho thuê giày dép.
Theo quan sát của PV, hầu hết những quán bán đồ lưu niệm, hàng tạp hóa ở khu vực dưới cân núi Yên Tử đều kiêm luôn dịch vụ gửi đồ và cho thuê giày dép. Tùy vào kích cỡ và trọng lượng mà mỗi một ba lô hay túi đồ đạc của du khách được trông với giá từ 5.000đ đến 10.000đ từ sáng tới chiều.
Giày cho thuê dưới chân núi có nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến nhất vãn là những đôi giày ba ta mỏng. Loại giày này nếu mua mới chỉ khoảng 40.000đ/ đôi nhưng được cho thuê với giá 20.000đ, tức giá cho thuê bằng một nửa giá trị của đôi giày mới. Tương tự, một đôi dép nhựa giá mới chỉ khoảng 15.000đ nhưng nếu thuê tại chân Yên Tử thì có khi khách hàng phải trả tới 10.000đ/ đôi.
Với lượng khách hàng nghìn người đổ về Yên Tử mỗi ngày thì dịch vụ gửi đồ và cho thuê giày nói trên đem lại nguồn thu không hề nhỏ đối với các tiểu thương nơi đây.
Quyết Nguyễn