Khi tỉnh dậy, Saunders bàng hoàng trước việc người mẹ bị chết ngạt và liên tục nói rằng cô không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Khi điều tra, tòa án xác nhận Saunders là một bệnh nhân bị mắc chứng mộng du trong khi ngủ nên đã tuyên bố trắng án cho cô. Song sự việc này đã gây ra không ít hoang mang trong dư luận về hiện tượng mộng du kì lạ.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu về chứng bệnh mộng du vẫn tiếp tục được giới khoa học tiến hành nhằm làm rõ hơn những yếu tố liên quan và cách ngăn chặn những tác hại mà nó có thể gây ra cho xã hội.
Mộng du là một hiện tượng khá kì bí và kích thích trí tò mò của nhân loại từ bấy lâu nay. Trong trạng thái không có ý thức, người bị mộng du vẫn có thể nói chuyện, điều khiển tay chân để thực hiện một số hành động kỳ quặc hoặc thậm chí phức tạp mà trong lúc tỉnh táo chưa chắc họ đã làm được.
Như trường hợp của Lee Hadwin, là một y tá vào ban ngày, nhưng ban đêm anh lại trở thành một “nghệ sỹ mộng du” - người đã tạo ra hàng loạt tác phẩm nghệ thuật lạ mắt và hấp dẫn nhưng lại không hề nhớ gì về chúng khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Được biết, Hadwin bị chứng mộng du từ khi lên 4 tuổi và bắt đầu sáng tác khi bước vào tuổi thiếu niên. Những tác phẩm của anh được vẽ trong lúc ngủ trên tất cả những đồ vật xung quanh như khăn trải bàn, báo chí, quần áo và tường nhà.
Hadwin cảm thấy khó hiểu về khả năng vẽ tranh tranh trong đêm, vì ngay khi tỉnh giấc thì anh hoàn toàn không có một chút sở thích hay khả năng nào đối với nghệ thuật. Rút kinh nghiệm từ việc vẽ lên các đồ vật trong gia đình, Hadwin luôn chuẩn bị các vật liệu vẽ tranh trước khi đi ngủ, giấy vẽ và bút chì được để rải rác quanh nhà, đặc biệt là dưới cầu thang - nơi sáng tác yêu thích của anh.
Theo các nhà khoa học, mộng du được coi là một biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ (hay còn được gọi là parasomnias), là những hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ. Bên cạnh đó cũng có một số rối loạn phổ biến liên quan đến giấc ngủ là đái dầm, nói mớ và nghiến răng.
Những người mắc bệnh mộng du thường đột nhiên vùng dậy, vừa đi đi lại lại, vừa nhắm mắt và lảm nhảm thành lời những điều gì đó. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này là do một dây thần kinh thực vật nào đó bị kích động, thức dậy trước cả hệ thần kinh điều khiển ý thức của con người. Do vậy, chân tay con người có thể cử động được một cách vô thức trong một khoảng thời gian nhất định khi ngủ.
Trường hợp của một cô gái mộng du đi luôn qua cửa sổ phòng ngủ của mình ở tầng 2. Rơi từ độ cao 7 mét rưỡi xuống đất, rất may cô gái còn đủ tỉnh táo để gọi người giúp trước khi lịm hẳn. Chưa hết sốc sau màn mộng du ngoạn mục, các bác sỹ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn phim chụp, qua tấm phim cho thấy cô gái không bị gãy một cái xương nào. Ngày hôm sau, cô gái này tỉnh dậy một cách khỏe mạnh như không có chuyện gì xảy ra.
Kenneth Parks, 23 tuổi, sống tại Toronto, mắc chứng mất ngủ do dính dáng tới nhiều khoản nợ lớn. Một ngày nọ năm 1987, Parks mộng du, đứng dậy khỏi giường, lái xe một quãng đường 23 km và tới nhà mẹ vợ. Trong cơn vô thức, Parks đánh mẹ vợ đến chết và tấn công luôn bố vợ. Rất may ông bố vợ đã sống sót. Khi bị cảnh sát bắt, Parks còn không nhớ mình đã làm những gì. Căn cứ vào lời khai, tiền sử bệnh mộng du và các yếu tố khác, Parks thoát tội giết người.
Theo công trình nghiên cứu của các nhà khoa học và những quan sát đối với người mộng du vừa đi vừa ngủ, các nhà khoa học đã phát hiện ra những hoạt động này là cơ chế và bản năng chuyển động cổ xưa mà tổ tiên ta là loài vượn người đã truyền lại. Chẳng hạn, những người mộng du có thể bẻ quặp được các ngón tay hay gập bàn chân vào phía trong.
Hiện nay, chưa có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể điều trị được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng stress là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quảng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu họ nói trong khi ngủ.
Duyên Trần