Sự việc vợ chồng cô giáo cắm bản Mai Thị Yến và Nguyễn Đại Đình Nam bị nạn trong chuyến trở lại trường sau những ngày nghỉ lễ đã chấn động dư luận, chấn động lương tâm những người tốt.
Cô Yến tốt nghiệp đại học và lên “cắm bản” ở trường mầm non Đường Thượng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), trong khi đó thầy Nam chồng cô cũng dạy tiểu học ở Đường Thượng, cùng đã ở đấy 13 năm trong khi quê thầy ở Thanh Sơn, Phú Thọ.
Đọc chi tiết khi xe lao xuống vực, thầy Nam thì ghì xe để giảm tốc độ còn cô Yến ôm chặt con trai, che chở cho cháu, nên cô thì tử vong, thầy Nam vỡ thận nhưng cháu trai 5 tuổi đã không việc gì, chỉ xây xát nhẹ, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Trong lễ tang cô, cháu bé cứ khóc đòi mẹ. Mẹ còn đâu nữa mà đòi hả con? Tất nhiên, nếu có một chỗ để an ủi thì mong rằng, trên cao xanh kia, cô Yến tiếp tục phù hộ cho con trai và cả chồng, phù hộ cho cả học sinh của cô, như cô đã từng 13 năm nay và 5 năm qua với đứa con trai bé bỏng cô đã ôm nó những giây phút cuối đời, bảo vệ nó an toàn trong cú tai nạn khủng khiếp ấy. Cũng như cô sẽ phù hộ cho cháu trai con đầu của cô năm nay 10 tuổi...
Vừa qua công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đề nghị ngành giáo dục Hà Giang và Phú Thọ, sau khi thầy Nam điều trị ở bệnh viện Việt Đức được xuất viện thì sẽ thuyên chuyển thầy về gần nhà là huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Đề nghị này đã được ngành giáo dục và cả chính quyền Hà Giang và Phú Thọ đồng ý.
Đấy là nghĩa cử rất đúng, rất phù hợp. Thực ra với 13 năm công tác vùng sâu vùng xa, đối chiếu với quy định, thì nếu không gặp tai nạn này, vợ chồng thầy cô cũng đã đủ tiêu chuẩn để “chuyển vùng”. Là chính sách nói thế, chủ trương nói thế, nhưng trong thực tế, để chuyển vùng được hoàn toàn không dễ dàng gì. Tôi từng gặp những cô giáo ở Tây Nguyên đi dạy cách nhà mấy chục cây số vài chục năm, sáng đi chiều về, “thừa” tiêu chuẩn chuyển vùng, nhưng chuyển về đâu khi nơi nào cũng không còn chỗ.
Trên trang Facebook của mình, nhà báo Lưu Trọng Văn thông báo, anh đã liên hệ với thầy Nguyễn Đức Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Minh, và qua thầy xin được điện thoại và tài khoản của thầy Nam, và anh kêu gọi bạn bè giúp đỡ gia đình thầy Nam cô Yến. Nhiều bạn bè "phây búc" của anh đã hưởng ứng.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhiều trường treo biển như thế. Tôi thì còn mong, mỗi ngày đến trường là một ngày an toàn. Vâng, trước hết mong được an toàn. Tất nhiên trường hợp như của thầy Nam cô Yến không phải là phổ biến, nhưng rõ ràng là cũng không phải là không có.
Cũng đã nhiều cô giáo tử vong khi tới trường. Sáng nay ngồi với một anh cán bộ từng ở huyện K’bang, Gia Lai anh kể lại chuyện chứng kiến hai cô giáo bị lũ cuốn trôi khi qua một con suối trên đường tới lớp.
Và khi tôi đang viết bài này, một bạn gửi cho cái ảnh một cô giáo dạy ở trường vùng cao tỉnh Quảng Trị vừa địu con nhỏ lái xe, sau xe là đồ đạc lỉnh kỉnh chất đầy xe trở lại trường sau kỳ nghỉ vừa rồi. Nhìn tấm ảnh mà rưng rưng xúc động. Cháu bé có khi vừa qua tuổi thôi nôi...
Cái biển xe 74 thì chính xác Quảng Trị. Và điều nữa, với cách điều khiển xe như thế này chắc chắn nếu gặp cảnh sát giao thông sẽ bị phạt?
Liệu có ai có thể phạt cô không nhỉ?
Bao giờ chúng ta có thể hết những cảnh như thế, cả cô Yến và cô giáo Quảng Trị chở theo con tới trường kia?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả