Không chỉ nổi tiếng là vị vua năng động với nhiều cải cách tiến bộ, vua Minh Mạng (1791-1841) tức Nguyễn Thánh Tổ, là vị Hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Nguyễn (trị vì năm 1820 – 1840) còn là một người rất mạnh tay với nạn tham ô, tham nhũng.
Theo Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, ghi chép: Với nguyên tắc “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người sợ mà tránh), vua Minh Mạng trị tội quan lại tham của công, ăn hối lộ và biển thủ công quỹ rất nặng, có khi vượt khung hình phạt. Nhiều vụ việc đã cho thấy thái độ kiên quyết của vị vua này, đó là những bài học mà đến hôm nay không phải không còn giá trị.
Điển hình vào tháng 5/1823, sau khi một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ, tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác, Bộ Hình đã đưa ông Diệm ra xét xử. Thay bằng tuyên án chém đầu, Bộ Hình thấy đây là một ông quan đã ít nhiều có công trạng nên giảm xuống thành tội bắt đi đày viễn xứ.
Tuy nhiên, khi sự việc được tâu lên, vua Minh Mạng đã không đồng ý với cách xử của Bộ Hình. Vua quyết định đưa nghi phạm ra chợ Đông Ba xử trảm, để mọi người trông thấy mà tự răn mình.
Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên "ăn" bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Sự gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho như vụ ăn cắp sơn ở Vũ khố xảy ra trước đó không lâu, nhưng thấy chưa đủ độ răn đe và muốn thủ phạm phải ăn năn, hối lỗi.
Vua Minh Mạng đã quyết định không trói Nguyễn Đức Tuyên, đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, mà "tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa”.
Tiếp đó vào năm 1834, mặc dù không có công trình nào lớn xây dựng, nhưng vua Minh Mạng thấy gỗ trong Bộ Công sao nhanh hết. Thấy vậy, ngài liền sai Bộ Hộ và Viện Đô sát tra xét kỹ xem có chi lạm, ăn bớt.
Kết quả điều tra cho thấy, Quản mộc thương Hồ Văn Hạ thông đồng với thợ thuyền để tham ô đến hơn 300 lạng. Để răn đe, vua lập tức đưa ra xử chém. Không chỉ có vậy, liên đới trách nhiệm, Đốc công Trần Văn Hiệu không để ý quản lý sát sao cũng bị nhà vua cách chức, bắt làm việc chuộc tội…
Cũng trong năm 1834, trước tình trạng thuyền công ở tỉnh Quảng Yên mục nát, hư hỏng, vua Minh Mạng liền cho người tra xét. Kết quả, tuần phủ Lê Đạo Quảng đã để của công bị hủy hoại, tuy nhiên, Hộ phủ Vũ Tuấn bưng bít việc này, còn Án sát Doãn Văn Xuân thì không can ngăn.
Vua Minh Mạng liền cách chức Vũ Tuấn và đưa về kinh nghị tội, Án sát Doãn Văn Xuân bị cách chức, Tuần phủ Lê Đạo Quảng bị giáng 2 cấp.
Vua truyền dụ Nội các rằng: “Vũ Tuấn vốn là một chức quan nhỏ, được thăng chức lớn quá mau thế mà không lo cố gắng báo đáp, trong sạch giữ mình, lại mượn việc công để mưu lợi riêng..., không còn một chút tư cách quan tư. Lập tức cách chức, giao Bộ Hình nghị tội”.
Với những hình phạt nghiêm khắc dành cho quan tham, vua Minh Mạng còn có ý răn đe những kẻ khác đang có ý đồ "xà xẻo" của công. Đó là một trong những cách, để vị vua này làm trong sạch bộ máy và an dân. Lý tưởng ấy cũng đáng để người đời sau luận cổ suy kim.
Lê Kông