Trong những năm qua, quy mô đào tạo sau đại học của các trường đại học tăng nhanh chóng. Sự mở rộng quy mô đào tạo sau đại học khiến việc học thạc sĩ đang là một trào lưu trong xã hội.
Những người đi học thường đang đi làm, có người chưa lập gia đình, người đã có con. Nhiều người vì không thu xếp được công việc, đành phải mang theo con đến giảng đường, vừa học, vừa trông con.
Những học viên... bất đắc dĩ
Học viên bất đắc dĩ đa phần là các em khoảng từ 3 đến 5 tuổi, được gửi ở các nhà trẻ hoặc các trường mầm non. Đối với những học viên không có điều kiện thuê người giúp việc, cũng không có người trông nom trẻ (như ông, bà...) thì việc dẫn con đến trường là không thể tránh khỏi. Thế nên mới có chuyện, hai mẹ con cùng đi học và các em bị biến thành những học viên… bất đắc dĩ.
Dạo quanh những trường đại học lớn, nhất là các trường đại học khối khoa học xã hội (vì có nhiều các học viên nữ theo học) vào buổi tối, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa bé lon ton chạy theo sau mẹ lên giảng đường.
Chị Nguyễn Phương N., học viên cao học trường ĐHKHXH&NV (đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng và con gái 4 tuổi. Hai vợ chồng đi làm cả ngày, tối mới về nhà, con gái gửi ở trường mầm non Đống Đa. Chồng tôi là kỹ sư cầu đường nên đi suốt ngày. Không có ai trông cháu, đi làm về, tôi đón cháu tới trường luôn, vừa tiện cho việc trông nom, vừa có thể học tập".
Chị N. cho biết thêm, đưa con đến lớp học là điều không ai muốn, nhất là đối với trẻ con lại càng bất tiện. Ban đầu, chị rất ngại với bạn bè, với thầy cô nhưng vì không còn cách nào khác nên đành phải đưa cháu đến lớp. Cũng may, bạn bè và thầy cô đều rất thông cảm.
Thế nhưng, bản tính của trẻ con rất hiếu động, không chịu ngồi im một chỗ, nhất là ngồi liên tục hàng tiếng đồng hồ. Bởi vậy, giữ cho trẻ không quậy phá trong giờ học là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều tâm sức.
Chị Trần Thảo Ph., học viên cao học trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: "Hàng ngày, tôi đón con về để cho ông bà nội trông nom và cho ăn uống giúp. Thế nhưng, vào dịp đặc biệt vẫn phải đưa cháu đi học cùng. Mỗi lần như vậy, tôi lại được một phen khốn khổ. Vì cháu là con trai nên hiếu động. Phải tìm mọi cách mới khiến cháu ngồi im được một lúc, đôi khi cũng ảnh hưởng đến lớp học".
Để tiện công việc sau khi tan sở nhiều người đã chở con thẳng đến giảng đường.
Chị Ph. cho biết thêm: "Tôi có cô bạn tên V. học cùng lớp. Hôm đó, vì gia đình có việc nên V. dẫn con đến lớp. Trong giờ học, thầy giáo đang giảng bài, cả lớp im phăng phắc, bỗng nhiên nghe thấy tiếng trẻ véo von hát vang ở dưới lớp.
Tất cả lớp quay lại nhìn, thấy cảnh đó liền cười ồ lên. Chị V. vừa ngại, vừa ngượng nên quát con, ai dè con càng quậy, rồi mếu máo khóc. Dỗ không được, cuối cùng hai mẹ con phải đưa nhau ra ngoài hành lang để tránh làm ảnh hưởng đến lớp".
Tuy nhiên, việc đưa con đến lớp không phải lúc nào cũng nhận được sự thông cảm của các học viên. Chị Trương Thị Th., học viên cùng lớp với chị Trần Thảo Ph. cho hay: "Trong lớp có trẻ nhỏ rất bất tiện.
Dẫu mọi người có thông cảm cho hoàn cảnh không mong muốn này nhưng việc trẻ quấy trên lớp, rồi khóc nhè, quậy phá là điều nên tránh. Nếu gặp những đứa trẻ ngoan thì không sao, còn với trẻ hiếu động quá, tốt nhất nên tìm chỗ gửi bé để tránh làm phiền tới mọi người".
Chuyện hai mẹ con cùng đi học cao học nhiều khi dẫn đến những câu chuyện "dở khóc, dở cười" và những tính huống khó xử cho cả thầy và trò. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ đến những giải pháp khác thay thế mà vẫn cố gắng để "vẹn cả đôi đường". Điều này vừa ảnh hưởng không tốt đến việc học hành của mẹ và quan trọng hơn, đứa trẻ cũng không thấy thú vị gì.
Hai mẹ con "đánh vật" với nhau trong lớp
Việc cho con cùng đến lớp học, nhìn bề ngoài tưởng như là một "nước cờ cao tay" của những bà mẹ trẻ. Thế nhưng, xét kĩ thì mọi chuyện không chỉ là "tiện cả đôi đường" mà là "lợi bất cập hại". Bản tính của trẻ nhỏ vốn rất hiếu động, nghịch ngợm.
Bởi thế, muốn chúng ngồi yên một chỗ, đòi hỏi rất nhiều công phu của các bà mẹ. Chiêu phổ biến nhất hay được các bà mẹ sử dụng là chiều con. Trước khi vào lớp, họ phải chuẩn bị đủ các thứ từ sữa, đồ ăn, khăn giấy lau tay, lau miệng... để phòng trẻ đòi lúc nào là có lúc ấy. Bằng cách này, trẻ sẽ ngoan ngoãn ngồi im để "nghe giảng" cùng mẹ mà không quậy phá nữa.
Thế nhưng, đôi khi dùng chiêu đó cũng không có tác dụng. Trẻ ăn chán, chơi chán, tất nhiên sẽ "phá bĩnh" hoặc đòi về nhà. Lúc này cần một người có vẻ mặt dữ tợn, nếu là nam thì càng tốt để "dọa" cho trẻ sợ.
Chị Nguyễn Phương N. chia sẻ: "Trong lớp, tôi bao giờ cũng nhờ một anh bạn ngồi gần. Nếu cháu quấy, anh bạn đó sẽ dọa khiến cho cháu phải ngồi im. như vậy mới có thể yên tâm học tiếp. Nhưng cũng có lần, cháu sợ quá khóc thét lên. Thế là hai mẹ con chỉ còn cách bế nhau ra ngoài, đợi khi bé hết khóc mới dám vào lớp".
Bên cạnh đó, các bà mẹ còn nghĩ ra đủ các chiêu khác nhau để dỗ trẻ: Từ an ủi, vỗ về cho đến dọa nạt, roi vọt, từ quà bánh, đồ chơi cho đến hứa này, hứa nọ. Công phu bỏ ra không kém gì một bà mẹ dỗ ăn cho một trẻ biếng ăn. Ấy thế nhưng, hiệu quả vẫn không đáng là bao, thậm chí còn có tác dụng ngược.
Điều dễ nhận thấy là việc học của những học viên mang con nhỏ đi theo bị ảnh hưởng. Trong suốt buổi học, do lúc nào cũng phải để mắt đến con nên thời gian tập trung vào việc học là rất ít.
Chị N. tâm sự: "Mặc dù đến lớp nghe giảng nhưng hôm nào cũng vậy, cứ tan lớp là tôi phải mượn vở bạn để về nhà chép bài. Ngồi trên lớp nghe giảng bập bõm, không ghi chép đầy đủ được.
Nhiều khi mình đang chép bài, cháu nó nghịch, không cho học cũng đành phải chịu, vì nếu cháu khóc ầm lên thì còn khổ nữa". Đấy là chưa kể đến những ánh mắt khó chịu của bạn bè cùng lớp vì bị làm phiền: "Tuy không ai nói ra, nhưng tôi biết mọi người không hài lòng lắm. Thầy giáo cũng thông cảm mà cho qua mọi chuyện. Nhiều khi ngượng không biết chui vào đâu" - chị N. thật thà nói.
Điều đáng lo hơn nữa chính là ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Thay vì được ăn đúng giờ, những đứa trẻ này phải thay đổi thói quen ăn uống của mình. Thông thường, hai mẹ con chị Trần Thảo Ph. ăn qua quýt trước khi lên lớp, sau đó, 20h, 21h về nhà mới ăn bữa chính. Chính điều này đã tạo thành thói quen xấu cho trẻ.
Chưa kể đến thói quen ăn vặt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ biếng ăn và các bệnh về răng miệng. Hơn nữa, việc thay đổi giờ ăn uống cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của trẻ.
Chị Ph. cho biết: "Những buổi không phải đi học như thứ bảy và chủ nhật, gia đình tôi nấu ăn sớm nhưng bé ăn rất ít, thường bỏ bữa hoặc ăn qua loa, nhưng đến đêm cháu lại đòi ăn, vì thế giờ đi ngủ cũng muộn hơn bình thường".
Chính chị Ph. cũng thừa nhận điều này xuất phát từ việc chị dẫn con đến các lớp học buổi tối. Dẫu biết thay đổi giờ ăn, giờ ngủ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và thói quen sinh hoạt của bé nhưng vì hoàn cảnh nên hai mẹ con vẫn phải chấp nhận.
Nên tập cho trẻ ăn uống đúng giờ, đúng cách Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Thảo (trung tâm Tư vấn sức khỏe Alobacsi.vn) cho biết: "Cách tốt nhất là các bà mẹ nên tập cho bé ăn uống đúng giờ, đúng cách. Tập được thói quen như vậy sẽ giúp cho bé có chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ thích hợp; hệ tiêu hóa nói riêng và các cơ quan khác như hô hấp, tim mạch, tiết niệu, cơ xương, khớp... sẽ hoạt động và hấp thu tốt. Do đó, bé mới tăng cân đều và phát triển chiều cao tốt". |
Phạm Thiệu