Những hồi ức còn ám ảnh quanh án tử

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Luật thi hành án hình sự vừa được Quốc hội thông qua đã có sửa đổi, thay thế hình thức thi hành án tử hình từ bắn sang tiêm thuốc độc. Việc thay thế này cũng được áp dụng ở nhiều nước, được cho là hình thức tiên tiến và cũng không gây hủy hoại thể xác tử tội như xử bắn.

Nhưng dẫu có thay đổi thì có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận được, đó là cùng với việc hàng chục năm qua đã áp dụng hình thức xử bắn, thì cũng đã có hàng trăm cảnh sát thi hành án tử đã phải thực thi nhiệm vụ này.

Những ký ức vụn…không nguôi

Họ là những người cảnh sát đảm nhiệm công việc đặc biệt: thi hành án tử hình. Lẽ ra, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, họ phải tự hào vì đã giúp xã hội loại bỏ bớt một phần tử xấu, thế nhưng, ít ai biết rằng cũng có lúc, họ phải trốn chạy chính bản thân mình. Thậm chí, cứ sau mỗi lần xử một phạm nhân, những người thi hành án tử lại phải tìm đến rượu để quên đi nỗi ám ảnh khủng khiếp. Tuy nhiên, những cảm giác đó rồi cũng nhanh chóng thích nghi, duy chỉ có những giây phút, khoảnh khắc bất ngờ đến khi tử tội đối diện với cái chết, mới nhận ra giá trị chân thực của sự sống.

Sau khi thi hành án tử hình

Có những tình huống khiến những người thực thi pháp luật cũng rất khó xử và cảm thấy đau lòng, nhưng nhiệm vụ chẳng thể khác, bởi tử tội cần phải loại bỏ khỏi xã hội, vì cuộc sống bình yên. Khi luật sửa đổi về việc thi hành án được Quốc hội thông qua, họ có thể sẽ được chuyển sang bộ phận khác công tác, đảm nhiệm những công việc ít ám ảnh hơn nhưng liệu những ký ức vụn về những ngày cầm súng loại bỏ bớt một phần tử xấu trong xã hội có nhạt nhòa trong họ? Hầu như câu trả lời của các anh, các bác đều là: Rất khó để quên. Với những chiến sỹ cảnh sát đã “sống lâu lên lão làng” trong công việc thi hành án tử, những câu chuyện bên lề lúc ra trường bắn luôn là những kỷ niệm đeo đẳng họ suốt đời.

Là người có cả chục năm trời thâm niên công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, Thượng tá Hồ Bá Võ nhớ lại, trước đây, ở trại tạm giam luôn duy trì con số trên dưới ba mươi án tử tù đã có hiệu lực pháp luật, tần suất thi hành án tử cũng nhiều hơn so với bây giờ. Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng ông lại là người luôn theo sát tử tù từ khi họ bị bắt giam đến lúc được nói tiếng nói cuối cùng. Chính bởi vậy, hơn ai hết anh là người còn lưu giữ khá nhiều kỷ niệm với tử tù trước khoảnh khắc về với cát bụi. Mỗi con người một cái tên, trước giờ ra trường bắn là một câu chuyện xót lòng, đôi khi là sửng sốt bởi một thời ngang dọc, tung hoành, cướp đi sinh mạng của người khác nhưng đến khi biết chắc cái chết cận kề, nhiều đại ca giang hồ tứ chiếng đã không kìm được sự sợ hãi.

Ký ức của người thi hành án tử

Trầm ngâm một lúc, anh kể tiếp chúng tôi nghe câu chuyện về một lần xử bắn đối tượng, mà đến giờ ký ức của nó vẫn như in trong anh. Lần ấy, anh nhận được giấy mời dự họp của tòa án để chuẩn bị thi hành án tử đối với Trần Văn Tân, phạm tội cướp của, giết người rồi giấu xác phi tang, bị TAND tỉnh Nghệ Tĩnh kết án tử hình.

Ngày định đoạt số mệnh của Tân đã được nêu cụ thể, mấy cán bộ trong nhóm đi tìm pháp trường là lính của Trại tạm giam, cảnh sát bảo vệ cơ động và người của TAND tỉnh, họ lặng lẽ lên đường. Trường bắn được lựa chọn ở huyện Quỳnh Lưu, đó là địa điểm ở mé sau rú eo gần truông Thọ, thuộc quốc lộ 48B thị trấn Cầu Giát đi ngã ba Tuần. Cửa buồng giam mở, cả 8 tử tù nhà giam T1 thức dậy nhớn nhác, rồi chúng thở phào khi thấy chỉ mỗi cửa buồng giam số 6 được mở để dẫn giải tù nhân ra khỏi phòng biệt giam.

Người bị dựng dậy để thi hành án rung bần bật, miệng cứng nói không ra lời, tay chân bất động, cán bộ trại giam phải mặc hộ quần áo cho, vệ sinh xong thì bị xiềng tay dẫn giải đến nơi làm thủ tục. Khi trời đang nhá nhem, chưa nhìn rõ mặt người, thì các thủ tục cho tử tù đã được thực hiện xong xuôi. Mấy năm trước, khi ra tay sát hại một cán bộ ngân hàng đi thu nợ, thu giấu xác nạn nhân trong chuồng trâu, rồi sau đó vứt xuống sông để phi tang.

Manh động, tàn ác là thế, mà trước cái chết được định đoạt, tử tù không cầm nổi miếng trứng rán và nắm xôi để đưa vào miệng. Đoàn xe đến pháp trường đã 6 giờ sáng, quan tài, giá bắn đã chuẩn bị sẵn. Tử tù được đưa xuống xe để chuẩn bị cột vào cọc. Lúc này, Trần Văn Tân mới lý nhí, phải đứng thật gần, người cán bộ giám hộ mới có thể nghe được: “xin ban cho con một nguyện vọng cuối cùng, xin cho con một điếu thuốc lá”.

Nguyện vọng được đáp ứng, một điếu vinataba đang cháy được đưa vào miệng tử tù. Hắn rít một hơi dài, rồi đẩy điếu thuốc đang cháy dở ra khỏi miệng “Cảm ơn cán bộ, bây giờ cán bộ làm phần việc của mình cho xong để về Vinh kẻo nắng”. Sau phút ngạc nhiên của những người thi hành án tử về thái độ của tử tù, hai loạt súng vang lên, Trần Văn Tân đã về với cát bụi.

Lại một lần khác, tại pháp trường ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, những người thi hành án tử hình tiến hành tử hình một lúc hai người. Khi hai cọc buộc tử tù đã được dựng lên, hai chiếc hòm gỗ bên cạnh đã được mở sẵn, thì tên Nguyễn Văn Dũng (phạm tội mua bán trái phép chất ma túy), trước khi đưa lên buộc cọc, anh ta xin một nguyện vọng, mà nghe xong ai nấy đều bất ngờ: xin được hôn các cán bộ thay lời vĩnh biệt. Nhưng rồi những người thực thi nhiệm vụ đã nhanh chóng bình tĩnh và khéo léo từ chối tâm nguyện của y, bởi chẳng ai dám cho tử tù hôn mình trước khi chết, đây là việc không được làm bởi chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Chưa hết, tên này còn xin cán bộ mấy chục ngàn đồng bỏ sẵn trong hòm để xuống chi tiêu nơi chín suối. Phút hội ý chớp nhoáng được đưa ra, việc này không trái luật định, không trái đạo đức xã hội, vì đối với người chết hay làm thủ tục bỏ gạo, tiền kim loại vào miệng, với quan niệm phí qua sông. Tuy nhiên, lúc đó lại có mặt hàng ngàn người dân xung quanh, nếu làm không khéo sẽ bị bàn tán, dị nghị, thêu dệt lắm chuyện. Một chiến sỹ cảnh sát trẻ cầm tờ 20.000 đồng cho tử tù thấy và giả bộ kiểm tra trong lòng quan tài để không ai nghi ngờ rồi nhanh tay bỏ số tiền này dưới chiếc gối kê đầu.

Khoảnh khắc đó, người tử tù nhoẻn miệng cười mãn nguyện, cảm ơn cán bộ, chúc cán bộ khỏe và vĩnh biệt. Hắn đứng im để bị bịt mắt, nhét vải vào miệng theo quy định. Hai tử tù gục xuống trước các làn đạn, kết thúc việc đền tội.

Trong một lần tiến hành thi hành án tử hình hai tử tù ở một vạt rừng mới trồng thuộc địa bàn Trại giam số 6 Thanh Chương thuộc Bộ Công an quản lí. Tên Lô Văn Tuấn và Phạm Tuấn Đông là 2 đối tượng ngoài tỉnh, phạm tội buôn bán tàng trữ trái phép chất ma túy, bị bắn cùng một lúc ở một pháp trường. Khi tử tù Đông đã được buộc vào cọc, ngồi trên xe chờ làm thủ tục, thì tên Tuấn bất ngờ hướng về Đông mà hét lên “Đông ơi, cố gắng lên nhé”, mấy đồng chí cán bộ lúc đó ai nấy đều rất cảm động nhưng vẫn phải nhắc nhở y giữ trật tự. Phải nhắc nhở nhiều lần y mới chịu im, vậy mà khi được cho nói lời cuối cùng, cả hai tên đều im lặng. Đây cũng là lần duy nhất trong cuộc đời thi hành án của mình, anh Võ mới chứng kiến cảnh tử tù có cạy miệng cũng không muốn hưởng ân huệ cuối cùng. Hai loạt súng vang lên. Hai nấm mồ tha hương bên nhau lẫn trong màu đất đỏ tươi.

Cũng là người luôn có mặt trên các pháp trường, trung tá Nguyễn Doãn Phác, cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh, người có thâm niêm trên 10 năm khoác áo lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với gần chục lần vác súng ra pháp trường thi hành tử tội, lại có những kỷ niệm rất riêng mỗi lần thi hành án tử của mình. Trung tá Phác hổi tưởng lại, năm 1993, anh được lệnh cùng một số chiến sỹ trong đơn vị thi hành án tử hình tên Nguyễn Văn Kiên (người này từng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND” trong thời kỳ chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ -Vĩnh Linh), mang quân hàm thiếu tá, trung đoàn phó đang đóng quân tại đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nhưng lại tỏ ra là một tay ăn chơi có hạng.Trong lúc túng quẫn, bị chủ nợ đốc thúc, để giải thoát, Kiên nghĩ ra một kế độc. Trong đợt về nghỉ phép ở quê (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh), Kiên biết nhiều tàu thuyền đánh cá ở quê mình đang cần dầu điêzen nên hắn gặp chủ nhiệm HTX đánh cá Cẩm Lĩnh và “tiết lộ”, ngoài Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có đơn vị bộ đội bán thanh lý loại dầu này với giá cực rẻ. Nghe thế, đích thân chủ nhiệm HTX và kế toán đèo nhau trên một chiếc xe đạp và gói tiền vào ba lô theo Kiên ra Nghi Lộc.

Chiều hôm đó, Nguyễn Trung Kiên dẫn hai người vòng vèo qua Nghi Văn rồi sang Diễn Phú. Đến cuối ngày mà vẫn chưa thấy Kiên chỉ đến nơi, hai người đàn ông kia cảm thấy bất an. Khi đến một quả đồi vắng thì hắn bất ngờ quay người lại và rút ra một khẩu súng ngắn. Không kịp ngạc nhiên, chủ nhiệm đang dắt xe bị gã thiếu tá biến chất dí súng vào người bắn chết tại chỗ. Quá hoảng loạn, anh kế toán quỳ lạy kẻ giết người xin tha mạng. Nhưng Nguyễn Trung Kiên vẫn lạnh lùng ấn cò. Hai mạng người gục xuống trên vũng máu sau những tiếng nổ khô khốc. Chỉ hơn tuần sau, kẻ thủ ác phải tra tay vào còng. Sau khi Công an Nghệ Tĩnh di lý sang Quân khu IV, với hành vi giết người cướp của một cách dã man, Nguyễn Trung Kiên bị Tòa án Quân khu IV kết án tử hình. Máu của Kiên cũng đã nhuộm đỏ cọc buộc. Sau loạt đạt dồn dập, đội trưởng đội thi hành án tiến về phía trước, chặt dây trói…

Hắc Vân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.