Những kiêng kỵ lạ lùng
Trong chuyến công tác tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, chúng tôi đã chứng kiến nhiều phong tục tập quán liên quan đến đời sống sinh hoạt cũng như quan niệm về tâm linh của người Châu Mạ và K'Ho. Đối với hai cộng đồng dân tộc này, họ luôn tâm niệm sinh đẻ được xem là dấu mốc quan trong, thiêng liêng trong cuộc đời một con người. Bởi nó gắn liền với sự phát triển của bản thân và quan hệ cộng đồng.
Vì thế, để quá trình sinh đẻ được "mẹ tròn con vuông", người chồng phải đích thân đi mời và đón bà mụ về đỡ đẻ cho vợ. Mặt khác, người chồng phải tự tay hái, cắm xung quanh nhà một số loại lá cây rừng có tác dụng trừ tà ma ở hai bên cửa chính cấm người lạ đến nhà trong khoảng thời gian này.
Được biết, cộng đồng người Châu Mạ, K'Ho cho rằng, nếu người lạ đến nhà trong ngày vợ sinh nở sẽ mang theo ma quỷ đến quấy phá, đứa trẻ sẽ bị ốm đau triền miên. Đứa bé sau khi chào đời cũng được bà mụ cắt rốn bằng con dao làm bằng nứa, tắm nước ấm, quấn tã rồi mới được đặt nằm cạnh người mẹ.
Sau khi hoàn thành các công đoạn cho em bé, bà mụ tiếp tục làm nhiệm vụ tắm rửa cho sản phụ bằng một loại lá có tên gọi là đài bi. Công việc tắm cho sản phụ được bà mụ làm trong vòng ba ngày, mỗi ngày ba lần. Sản phụ sinh được một tuần phải nhón chân xuống giường để bế đứa con ra sông, suối gần nhà tắm. Việc làm này thể hiện sự tin tưởng "bệnh tật sẽ trôi hết theo dòng nước, đứa bé khi lớn lên sẽ khỏe mạnh, bụ bẫm".
Những đứa trẻ lớn lên được sự bảo bọc của thiên nhiên.
Con dao cắt rốn cho đứa trẻ chỉ được dùng một lần duy nhất, sau đó sẽ được bà mụ vứt đi ở một nơi kín đáo. Nhau của đứa trẻ vừa sinh ra cũng được bố, hoặc ông ngoại đem đi chôn ngay đường đi lại của buôn, làng. Tuy nhiên, nơi đó không có kiến và côn trùng làm tổ.
Theo lý giải của những người uy tín của cộng đồng Châu Mạ, K'Ho, sở dĩ phải chôn nhau của đứa trẻ theo phương pháp trên là giúp cơ thể đứa trẻ luôn ấm áp, bụng sẽ không bị đầy hơi, ợ chua. Đặc biệt hơn nữa, người đi chôn nhau không được ngoái đầu lại khi có người hỏi. Nếu làm trái, đứa trẻ lớn lên sẽ bị dị tật về mắt. Cũng chính quan niệm sinh đẻ là lẽ thường tình của tự nhiên nên trong cuộc sống hằng ngày, các sản phụ thường không áp dụng các biện pháp tránh thai, sự can thiệp của y khoa trong quá trình sinh nở.
Thậm chí, có nhiều người còn cho rằng, đẻ ở nhà an toàn hơn trạm xá, bệnh viện. Một khi đã đẻ được đứa đầu an toàn thì những đứa con tiếp theo cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Chỉ thích "lâm bồn" ở nhà!
Nguy hiểm khi nhờ bà đỡ Anh K'Hoàn (cán bộ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) tâm sự: "Có thể nói, có rất nhiều đứa trẻ người Châu Mạ, K'Ho chào đời khỏe mạnh hầu hết nhờ vào bàn tay đỡ đẻ khéo léo của các bà mụ. Những dòng sông, dòng suối cũng trở thành nơi gắn kết cộng đồng và rất thiêng liêng đối với đồng bào. Dẫu vậy, do không được can thiệp của y khoa trong vấn đề sinh nở nên nhiều sản phụ khó sinh hoặc áp dụng các phương pháp phản khoa học đã tử vong…". |
Nói về phong tục tập quán của dân tộc mình, ông Tô Rông Cường (người Châu Mạ, Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân xã P'Ró, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) chia sẻ: "Phần đông đồng bào Châu Mạ, K'Ho sống ở vùng sâu xa, cuộc sống lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên trong cách suy nghĩ cũng như trình độ nhận thức về y tế, khoa học còn hạn chế. Phải thừa nhận rằng, hầu hết người K'Ho đều áp dụng các phương pháp sinh đẻ tại nhà.
Họ cho rằng, đến trạm y tế sinh đẻ rất ngại ngùng vì có nhiều người chứng kiến và còn mất nhiều thời gian, tiền của. Do vậy, cứ đến ngày sinh nở là nhất nhất đi tìm bà mụ. Nếu trong làng không có người đỡ đẻ, người chồng sẵn sàng băng rừng vượt suối sang làng khác để mời bà đỡ về cho vợ".
"Bản thân tôi được sinh ra cũng trông cậy hết vào bàn tay của bà mụ. Chính bà mụ cắt dây rốn và tắm rửa cho tôi. Sau này lớn lên, gia đình còn làm lễ để tôi nhận bà mụ là mẹ đỡ đầu đấy. Giờ đây, xã hội đang trên đà phát triển, có đầy đủ dụng cụ, thuốc thang, trạm xá cho người sản phụ nhưng người đồng bào vẫn chưa thể rời bỏ được hủ tục của mình.
Có nhiều gia đình cứ trong nhà có người sinh nở còn mời cả thầy cúng, thầy mo đến nhà làm phép với ý nghĩa cầu chúc cho hai con khỏe mạnh. Cũng vì lẽ đó, thầy cúng được người đồng bào kính trọng và tôn sùng lắm", ông Tô Rông Cường nói.
Nói về vấn đề này, bà K'Húi (43 tuổi, người K'Ho) ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai bộc bạch: "Ngày trước, kinh tế còn khó khăn, nhà làm gì có tiền mua xà bông tắm cho con. Sau khi đẻ xong, cả mẹ lẫn con đều ra cây số, đường xá đi lại khó khăn, phương tiện để chở sản phụ đến những nơi đó cũng không có nên cứ bệnh tật hay đến ngày phụ nữ hạ sinh đều dựa vào các phương pháp truyền thống thôi.
Nhiều người còn đồn ra trạm xá đẻ, sản phụ sẽ bị bỏ rơi, người đỡ đẻ sẽ tiêm thuốc để lần sau không đẻ được nữa sẽ bị thần linh bắt tội, thuốc ở trạm y tế không linh bằng lá cây rừng do người dân tự hái về. Vì thế, trong các buôn làng của người đồng bào có nhiều chị em biết đỡ đẻ lắm. Chính những lý do đó mà từ bao đời nay, người K'Ho mình vẫn trung thành với phương pháp đỡ đẻ tại nhà".
Quyên Triệu