Qua quá trình xác minh, Cục Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an) đã làm rõ thủ đoạn giăng bẫy lừa đảo của các đối tượng và khởi tố vụ án về tội "mua, bán người".
Xuất ngoại để thành... tù khổ sai
Theo đơn trình bày của chị Nguyễn Duy Thanh N. (trú tại phường Bùi Tự Toàn, quận Bình Tân, TP.HCM) thì ngày 3/5/2012, thông qua công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Hiền do ông Lương Đức Thái làm giám đốc, chị N. đã nộp 12 triệu đồng để được đi xuất khẩu lao động sang Nga, làm việc cho một công ty có địa chỉ tại Matxcơva. Trong hợp đồng lao động ký tại Việt Nam giữa chị và công ty Vinastar (địa chỉ tại Matxcơva, Liên bang Nga) thì chị N. sẽ được làm nghề may, mức lương thu nhập trung bình khoảng 700 USD/tháng, thời hạn lao động là 3 năm. Ngoài ra, phía công ty Vinastar sẽ lo ăn, ở và chịu trách nhiệm lo kinh phí, thủ tục để người lao động sang Nga làm việc được hợp pháp và hưởng mọi chế độ theo luật lao động của hai nước.
Tuy nhiên, khác hẳn với những gì mình đã đặt bút ký kết, khi lên máy bay, chị N. cũng như nhiều người khác mới biết mình bị các đối tượng "lập lờ" trong giấy tờ, thủ tục khi thấy Visa xuất cảnh sang Liên Bang Nga chỉ là dưới hình thức thăm thân với thời hạn 48 ngày. Lúc đó, các đối tượng lý giải rằng, việc làm thủ tục xuất cảnh như vậy nhưng mọi chế độ cho người lao động vẫn sẽ được thực hiện đúng như trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên.
Tuy nhiên, khi sang đến Liên Bang Nga, các đối tượng này đã thu hộ chiếu và yêu cầu chị N. ký lại hợp đồng lao động với nội dung hoàn toàn khác với hợp đồng đã ký tại Việt Nam. Trước sự việc trên, chị N. nhất định không chịu ký và yêu cầu được đưa trở về Việt Nam. Thấy gặp phải người "cứng cổ", đại diện công ty Vinastar phân tích, nếu chị N. không ký vào bản hợp đồng do họ soạn thảo sẵn để thay thế bản hợp đồng ký tại Việt Nam thì chị N. phải hoàn lại số tiền chi phí sang Nga là 2.500 USD và phải tự lo tiền vé máy bay về nước.
Đến lúc này, chị N. đã biết chắc chắn mình bị lừa. Hơn nữa, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Nga, nhưng chị cũng đã được tận mắt chứng kiến cảnh người lao động ở Việt Nam sang đó bị bóc lột, đối xử tồi tệ như tù nhân. Nghĩ đến thảm cảnh phía trước, chị N. nhất quyết yêu cầu công ty Vinastar phải đưa chị về nước vô điều kiện. Ngày 23/5/2012, công ty Vinastar đã phải làm thủ tục cho chị N. về nước.
Ngay khi trở về Việt Nam, chị N. nhanh chóng làm đơn kêu cứu có kèm theo chữ ký của 105 người lao động đang làm việc tại công ty Vinastar ở Liên bang Nga đến các cơ quan chức năng. Ngày 11/8, chị N. cũng làm đơn gửi lên Cơ quan CSĐT Bộ Công an, tố cáo hành vi của một số tổ chức, cá nhân trong nước đã môi giới, tuyển dụng đưa người sang Liên Bang Nga cho công ty Vinastar bóc lột sức lao động. Ngay sau khi nhận được đơn, Cục C45 đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan chức năng tại Liên Bang Nga tổ chức đưa 81 người lao động Việt Nam từ Nga trở về nước. Được giải thoát khỏi trốn địa ngục, những người này đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Người lao động từ Nga được giải cứu trở về.
"Giăng bẫy" bằng hợp đồng hậu hĩnh
Theo những nạn nhân này trình bày, trước khi sang Nga, họ cũng được công ty Vinastar đưa cho bản hợp đồng soạn thảo sẵn với những điều khoản rất hậu hĩnh cho người lao động, mọi chế độ đều được hưởng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và của Nga. Để được đi lao động xuất khẩu, mỗi người phải chi trả cho cá nhân hoặc công ty môi giới từ 10 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, những gì họ phải chịu đựng ở bên Nga lại hoàn toàn khắc nghiệt, không giống trong hợp đồng. Họ bị thu hết hộ chiếu, trở thành lao động chui, nếu đi ra ngoài sẽ bị cảnh sát Nga bắt giữ vì không có giấy tờ tùy thân. Do đó, họ bị giam lỏng trong một khu ổ chuột, hàng ngày phải làm quần quật trong các xưởng may từ 12-18 tiếng đồng hồ. Nếu ai đó mệt mỏi, chỉ muốn dừng tay nghỉ ngơi đôi chút sẽ bị đám bảo vệ đánh cho thậm tệ, một bước ra ngoài cũng phải có người đi theo giám sát. Khốn khổ hơn, mỗi tuần một người lao động chỉ được cấp cho một bình chứa khoảng 9 lít nước để sinh hoạt cá nhân, vì thế ai cũng bị viêm da, ngứa ngáy khắp người.
Mức lương mà công ty Vinastar bắt người lao động ký lại khi sang Nga là 500 USD/tháng, nhưng họ lại bị trừ đủ loại chi phí như tiền ăn, ở, sinh hoạt, tính lại mỗi tháng tiền lương chẳng còn là bao. Có những người, hết hợp đồng lao động 3 năm, khi trở về nước chỉ nhận được vẻn vẹn 700.000 đồng. Hơn nữa, công ty Vinastar còn lấy lý do trừ 2.500 USD chi phí đi sang và 1.400 USD tiền đóng khẩu cho người lao động, để giữ lại tiền lương của họ. Thế nhưng, trên thực tế, công ty này không hề đóng khẩu cho người lao động, bởi theo người lao động cung cấp, trong một đợt cơ quan di trú của Nga đi kiểm tra xưởng may của công ty Vinastar đã bắt giữ được 20 người lao động Việt Nam không có hộ chiếu và đăng ký khẩu tại Nga.
Qua quá trình xác minh, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định được 81 lao động trên đã làm việc ở các công ty Vinastar và Garizon Open tại Matxcơva. Các công ty này thường sử dụng các hợp đồng mẫu, ký sẵn với nội dung hết sức hấp dẫn để cho đám môi giới căn cứ vào đó để tuyển dụng, lừa lao động sang Nga, rồi bóc lột sức lao động.
Theo tài liệu thu thập được, từ năm 2010, công ty Vinastar đã tuyển hơn 100 lao động từ Việt Nam sang, nhưng chỉ có 45 người có danh sách đăng ký tại Cục quản lý lao động ngoài nước. Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được 3 đối tượng trú tại Việt Nam, có hành vi đứng ra tuyển dụng và tổ chức cho nhiều người lao động xuất cảnh sang làm việc tại công ty Vinastar. Các đối tượng này dùng bản hợp đồng ký sẵn của công ty Vinastar để dụ người lao động trong nước, rồi đưa họ sang Nga theo diện thăm thân hoặc du lịch ngắn ngày. Số tiền môi giới mà chúng thu của mỗi trường hợp là từ 10-15 triệu đồng. Thế nhưng, khi cơ quan điều tra tiến hành xác minh danh sách người lao động do doanh nghiệp môi giới đưa đi làm việc tại công ty Vinastar thì không có tên những người đã bị 3 đối tượng trên "giăng bẫy" đưa sang Nga làm việc.
Đây được đánh giá là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hiện, cơ quan CSĐT đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đề nghị những ai còn là bị hại của các công ty trên, liên hệ với Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự để được giải quyết, theo số ĐT 06944037.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận, sau khi nhận được tiền hoa hồng môi giới và đưa người lao động ra nước ngoài, chúng không hề quan tâm đến sự sinh tồn của họ, bỏ mặc họ bị ép làm việc khổ sai, bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản. |
Chí Công