Trong căn nhà đơn sơ nép mình sâu trong phố Bưởi, luật gia Nguyễn Văn Hoan vẫn cặm cụi bên chồng bản thảo. Anh rất vui khi có khách đến chơi nhưng anh bảo: Dù đã nghỉ hưu nhưng nghề viết hình như đã vận vào thân nên tôi vẫn đau đáu từng nhân vật trong các tác phẩm dù đã xuất bản hay đang thai nghén.
Tâm hồn đồng quê
Anh sinh ra trong một gia đình trung nông lớp trên. Trong nhà, bố, mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất tới việc hình thành tính cách và tâm hồn của anh. Người bố là một nhà giáo vừa theo Nho học, vừa theo Tây học. Sau khi cách mạng thành công, cụ làm chủ tịch lâm thời xã rồi theo kháng chiến ra chiến khu.
Những năm cấp ba, hai cha con sống với nhau ở cơ quan của cha. Có lẽ vì thế mà trên những trang giấy trắng của tâm hồn cậu học sinh đang tuổi trưởng thành mang nhiều dấu ấn về phẩm chất của một ông giáo quê theo cách mạng. Những phẩm chất ấy là hành trang của cả đời anh. Bây giờ những bạn bè vong niên vẫn vừa khen, vừa chê rằng anh là con người hiếm hoi của thế hệ trước còn sót lại. Nghe bạn bè nói thế, anh chỉ cười.
Luật gia Nguyễn Văn Hoan.
Anh bảo, người mẹ lại ảnh hưởng tới anh theo một cách khác. Nhà có hai con trai, anh cả thì đi bộ đội, anh là út, anh được mẹ chiều chuộng, cho ăn học tử tế. Ngoài việc phải thay chồng gánh vác công việc đồng áng, tu bổ nhà cửa, cụ còn hoạt động bí mật ủng hộ kháng chiến.
Trong cuộc sống tất bật như thế, nhưng vốn là một phụ nữ sắc sảo nên cụ vẫn giữ được một phong thái thư thái. Đến bây giờ, trong tâm hồn anh vẫn đọng lại những khúc hát dân ca của mẹ. Anh tâm sự rằng, khi viết truyện ngắn Giấc mơ kinh hoàng, anh tôn thờ cả phẩm chất cần cù và nhớ tới cả giọng hát xẩm lâm ly của mẹ. Những lúc ấy, anh không cầm được nước mắt.
Nói đến quê hương, anh tự hào khoe với chúng tôi: Đó là một địa danh lịch sử, nơi hai Bà Trưng hội quân, phất cờ, đọc lời thề khởi nghĩa và cũng là nơi hai Bà gieo mình xuống dòng sông Hát tuẫn tiết. Niềm tự hào ấy trong anh không bao giờ phai mờ. Còn để lại trong tâm hồn luôn xanh tươi của anh lại là cánh đồng với những dải thửa mang những tên huyền thoại như trong chuyện cổ tích.
Sau này, khi chuẩn bị bước vào đời, lòng anh trải qua nhiều xáo trộn, dằn vặt giữa tiếng gọi của một cuộc sống mới ở nơi xa và sự níu kéo của cuộc sống bình dị, thân thiết nơi quê nhà. Sau bao nhiêu năm trăn trở, anh đã viết truyện Đêm tối trời. Cái vạt xanh trùng điệp của dãy núi Ba Vì ở nơi chân trời xa vời ấy, trong tâm hồn tuổi thơ của anh, là một cuộc sống thần tiên. Và thêm nữa, có lẽ vì cầm tinh con khỉ, khi bước vào đại học, anh đã thi vào ngành lâm nghiệp, khoa cơ khí.
Lối rẽ cuộc đời...
Tốt nghiệp đại học, anh xung phong đi Tây Bắc vì ở đấy cần xây dựng một xưởng chế biến gỗ lấy gỗ thay những cầu bị giặc Mỹ bắn phá, dựng những khu sơ tán, lập xưởng cơ khí. Anh được tỉnh thưởng huy hiệu lập công chống Mỹ. Và khi Mỹ ngừng bắn phá miền Bắc, anh cùng các đồng nghiệp xây dựng trạm phát điện để chấm dứt thời kì sơ tán ăn hang, ở hốc, để cuộc sống của cán bộ, nhân dân thôn bản đàng hoàng hơn. Khi Nhà nước lập lại bộ Tư pháp, tuyển nhân viên ở các ngành về đào tạo luật để dần dần thực hiện quản lý bằng pháp luật, anh đã "phá giới" ra khỏi ngành lâm nghiệp, chuyển sang ngành tư pháp. Anh khiêm tốn nói vui: Mình là hòn gạch thứ mười bảy trong phần móng của bộ Tư pháp ngày nay.
Là cán bộ tư pháp nhưng anh vẫn đắm đuối với những trang viết đậm chất văn chương. Cả cuộc đời làm cán bộ Nhà nước, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thấy điều gì ngang tai trái mắt là anh viết ra bằng đủ các thể loại.
Khi nghỉ hưu, anh tâm niệm, còn làm được việc gì có ích cho xã hội thì làm. Đến lúc này, anh làm sao còn cầm được cày, được cuốc, làm sao vi tính với robot như cánh trẻ bây giờ. Thôi thì cứ cầm bút.
Vị luật gia nay tóc đã điểm bạc, vẫn đăm đắm từng số phận trong những trang bản thảo. Anh chia sẻ: May mà từ thời đi học, cũng mang cái bệnh lãng mạn của sinh viên thuở trước, và cả cả cái thời còn sung sức, anh thường xuyên viết nhật ký. Nhật ký của anh chỉ là những trang sống đời thường. Vài chục nghìn trang giấy bổi đủ loại, đủ cỡ, mực nhòe nhoẹt vì mực xấu, vì thời gian.
Mắt cũ, giấy mực cũ gặp nhau, thật là ngán ngẩm. "Và càng ngán ngẩm hơn là đem những cảm nghĩ, tư duy đáng được xếp kĩ vào kho từ lâu, nay lại lôi ra, ai mà chấp nhận được. Nhưng rồi tôi tự an ủi: Cào cào, châu chấu, ốc, ếch ngày xưa như vậy, nay còn trở thành đặc sản, vậy thì tư duy cũ của mình đã đến nỗi nào? Miễn là bạn đọc thấy mình trong lĩnh vực này đã hòa được nhịp đập của trái tim với cuộc đời", anh nói với tôi như tự an ủi lòng mình.
Những tác phẩm của luật gia Nguyễn Văn Hoan.
Những trang viết và sự đồng cảm nhân văn
Trầm ngâm bên tách trà, luật gia Nguyễn Văn Hoan kể: "Cách đây dăm bảy năm, một lần tôi đi trên đường Liễu Giai, gặp một thiếu phụ đèo một cháu nhỏ trên xe Honda 82, chân chống chưa gạt lên. Tôi giật mình nghĩ đến một trường hợp vì không gạt chân chống, vướng vào một xe khác đã xảy ra tai nạn. Tôi nhắc thiếu phụ. Cô ta ngoảnh lại. Rõ ràng cô định cảm ơn nhưng lại chẳng nói được lời nào.
Về nhà, tôi cảm hứng viết nên chuyện Người cùng ngõ mới đến. Truyện kể về một thiếu phụ bị người yêu phản bội. Nàng sinh ra ác cảm với nam giới. Có một chàng thanh niên mới chuyển về cùng ngõ với thiếu phụ. Chàng vốn là một kĩ sư cơ khí, vào thời buổi máy móc nhập ngoại nhiều, anh bị thất nghiệp, bị mất giá dưới con mắt của vợ, hai người li dị nhau và anh phải chuyển về cái ngõ này. Như một kẻ vô tích sự, anh đứng vẩn vơ ở ngõ nhìn kẻ qua người lại và nhắc thiếu phụ gạt chân chống lên khi thiếu phụ đèo con đi qua. Anh không thoát khỏi con mắt ác cảm của thiếu phụ. Nhưng cuối cùng thì thiếu phụ cũng thông cảm với hoàn cảnh của chàng trai.
Lần theo kỷ niệm ra đời của những tác phẩm dung dị, anh nhớ lại: Một lần, đi tàu từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi nằm cùng toa với một người đàn bà đáo để có con lấy chồng Hàn Quốc và một cậu bố trẻ ngờ nghệch mang con bốn tháng tuổi ra Quảng Ngãi gửi mẹ nuôi hộ. Nỗi chua chát của bà mẹ, nỗi vất vả, khổ sở, nhọc nhằn của gia đình cậu bố trẻ khiến tôi xúc động viết nên truyện Trên một chuyến tàu. Được đọc nhiều bài viết, truyện ngắn của luật gia Nguyễn Văn Hoan, tôi cảm nhận được nét rất riêng ở anh. Truyện của anh không có tính chất mơ theo trăng và ngơ ngẩn cùng mây mà thực sự là vị nhân sinh, đều đề cập đến những trắc ẩn trong cuộc sống đời thường.
Ngày đầu xuân, hỏi luật gia Hoan về những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời làm việc mẫn cán, anh cười rất hiền: Tôi không mong có niềm hãnh diện của những người siêu quần xuất chúng, có những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp. Tôi chỉ mong có những niềm vui nho nhỏ như niềm vui của một người nông dân khi bán được mớ khoai, cân sắn có thể làm ấm bụng người nghèo và thật sự hạnh phúc khi có người đồng cảm với mình.
Một lần, đang làm việc ở cơ quan thì con trai anh gọi điện đến. Nó báo tin cho anh là Đài truyền hình Hà Nội đang chiếu một bộ phim về truyện ngắn của anh. Phim Cuộc họp gia đình chuyển thể từ truyện ngắn Bản di chúc bỏ dở.
Sau đó, anh gọi điện đến Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Đài bảo anh gặp đạo diễn A mà lấy nhuận bút. Anh ta mua tập truyện Bản di chúc bỏ dở ở đâu đó rồi hứng lên dựng thành phim. Nhưng rồi anh chẳng quan tâm đến chuyện đó nữa và chỉ thầm cảm ơn đạo diễn A đã đồng cảm với mình.
Lại một lần khác, một người bạn bảo anh: "Tớ vừa đọc bài báo của một ông già ở tận Cần Thơ gì đó viết về Phiên chợ tình cuối cùng của cậu đấy". Lần ngược thời gian theo số ấn hành trên Văn nghệ Quân đội, anh đã tìm được bài báo. Bài Bi kịch từ chợ tình của Lê Xuân Trường chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ. Anh vui vì lời khen của tác giả thì ít mà hạnh phúc vì sự đồng cảm của tác giả thì nhiều.
Một người đã sống ở Tây Bắc hơn mười lăm năm, đã xa Tây Bắc hai mươi hai năm mà nói về những phong tục tập quán của người dân tộc, nói về những bi kịch trong đời sống con người ở những làng bản hẻo lánh, nói về nét đẹp nhân văn của chợ tình Sa Pa hết sức tinh tế thì đủ biết, ông yêu mảnh đất ấy, yêu những con người ở chốn ấy thế nào. Ông cũng thể hiện nỗi băn khoăn trước nguy cơ những nét đẹp nhân văn của Chợ tình đang mai một như chính anh đang băn khoăn. Thật không gì hạnh phúc hơn, nhất là với người xa cách nghìn trùng mà có sự đồng cảm như vậy. Anh bảo, anh muốn viết thư cảm ơn tác giả bài báo nhưng lại thôi vì anh muốn giữ niềm hạnh phúc ấy như giữ giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ lúc ban mai.
Luật gia, nhà văn Nguyễn Văn Hoan, sinh năm 1944, nguyên cán bộ bộ Tư pháp. Những tác phẩm đã xuất bản: Mưa trên tán lá, Đêm tối trời, Phiên chợ tình cuối cùng, Bản di tích bỏ dở... |
Minh Hương