Người dân xót xa vì rừng bị “phá”
Sau những sai phạm nghiêm trọng ở dự án cắt tỉa rừng phòng hộ Long Thành (rừng ngặp mặn nằm trên sông Thị Vải, Đồng Kho thuộc tỉnh Đồng Nai) gây bức xúc cho người dân địa phương, chúng tôi đã có mặt tại khu rừng này.
Video: Rừng phòng hộ bị tỉa thưa "quá tay".
Giữa cái nắng gắt, chúng tôi chạy dọc theo quốc lộ 51 để tìm về huyện Nhơn Trạch.
Điểm đến của chúng tôi là bến ghe nằm trên sông Đồng Kho đoạn thuộc xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Tại đây chúng tôi trong vai là khách du lịch từ nơi xa đến tìm thuê vỏ lãi đi tham quan rừng phòng hộ. May mắn chỉ sau 5 phút thương thảo, chúng tôi được một ngư dân địa phương dùng vỏ lãi chở đi khắp nơi trong rừng phòng hộ.
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, tại khu vực xã Phước An rừng vẫn khá dày và tuổi đời cây đước vẫn còn “bé”. Tại đây, ban Quản lý rừng phòng hộ cũng tiến hành trồng rừng và có những cây con đang vươn mình lên giữa những dòng nước.
Tuy nhiên, khi chúng tôi xuôi dòng theo sông Đồng Kho để tìm về khu vực thuộc xã Long Thọ thì nhận ra đây đúng là khu vực rừng bị cắt tỉa thưa quá mức.
Chiếc vỏ lãi đi tới đâu, chúng tôi đều không khỏi đau lòng khi nhìn thấy những khoảng trống xa xa, bởi cây rừng dường như đã tan tác. Chiếc vỏ lãi di chuyển gần bờ. Chúng tôi làm quen được với một ngư dân bản địa. Trong câu chuyện, ngư dân này cho biết anh tên M.V.M., người dân xã Long Thọ làm nghề đánh bắt hải sản. Anh M. cho biết, trước đây rừng ngập mặn này rất dày, cây đước mọc san sát nhau và có nhiều cây tuổi đời rất lớn, đường kính từ 25 - 35cm. Nhưng cách đây khoảng 1 năm, người dân địa phương bất ngờ khi nhìn thấy nhiều người về khu rừng này, đốn hạ cây một cách vô tội vạ. Người dân có hỏi thì được biết, đó chính là dự án cắt tỉa rừng phòng hộ. Nghĩ đó là chủ trương Nhà nước cho phép, nên người dân im lặng chứng kiến “rừng chảy máu”.
Nhưng việc cắt tỉa rừng diễn ra trong thời gian dài, những cây to bị đốn hạ hết khiến người dân bức xúc, lên tiếng. “Chúng tôi cũng là người ít học hành cũng không biết họ được quyền đốn hạ như thế nào, làm việc ra sao, nhưng mà bức xúc lắm. Sau này có nhiều người có số điện thoại của nhà báo nên mới gọi cho nhà báo rồi mọi việc lòi ra dần. Hóa ra cho tỉa 1 phần, mà lại tỉa lố đến gấp mấy lần như vậy thì hỏi sao rừng không bị thưa đi. Giờ rừng cũng bị chặt mất rồi, nên mong ban Quản lý sớm trồng thêm rừng để phủ trống những phần bị chặt. Bên cạnh đó, cũng mong cơ quan chức năng xử lý vụ việc này thật nghiêm không là sau này họ còn vậy nữa”, anh M. bộc bạch.
Những cây gỗ đước hơn 30 năm tuổi trơ gốc
Chia tay anh M. chúng tôi tiếp tục thẳng tiến tìm đến nơi tập kết gỗ đước bị cưa ngay gần phân trường Long Thọ. Tại đây trước mắt chúng tôi hiện ra là những thân gỗ đước được cưa thành khúc dài khoảng 1 - 1,2m nằm ngay ngắn gần một đủng tôm, cá đã bỏ hoang. Dường như những khúc gỗ đước này đã bị “lãng quên” một thời gian khá lâu. Đưa mắt nhìn quanh, chúng tôi nhận ra đây là khu vực trống nhất từ đầu cuộc hành trình đến giờ. Lặng lẽ bước đến rìa đủng tôm, chúng tôi gặp vợ chồng chị T.L.H. đang câu tôm ở đây.
Vừa thong dong câu tôm với đống mồi, chị H. kể cho chúng tôi về những kỷ niệm gắn bó với rừng ngập mặn này. Chị H. cho biết gia đình chị bao đời nay đều sống bám vào sông và gắn liền với rừng đước này, nên xót xa khi rừng đước bị phá trống.
“Tôi nghe nói họ được tỉnh cho tỉa, nhưng không biết được tỉa bao nhiêu mà họ tỉa nhiều vậy. Thấy nhiều người nói tỉnh cho tỉa mấy cây cong, xấu,… nhưng tôi thấy họ cưa toàn cây thẳng đẹp thôi. Nhiều cây to lắm chắc cũng trồng được hơn 30 năm rồi ấy vẫn bị chặt. Theo như tôi biết, thì rừng này để bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, hạn chế xâm nhập mặn,… nên cũng khá lo lắng vì hiện tại rừng đã bị thưa đi rất nhiều. Hiện tại thì việc đánh bắt cua, tôm,… ở rừng đước vẫn diễn ra bình thường nhưng chưa biết về lâu về dài ra sao nữa”, chị H. cho biết.
Ngoài ra chị H. cũng kể thêm cho chúng tôi, khi người ta đến cắt tỉa cây thì chị có lân la hỏi chuyện thì được biết thêm nhiều điều thú vị về loại cây này. Theo đó, đước có thể làm củi để đốt hoặc làm than từ gỗ đước để xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, những cây đước lớn, đẹp có thể xẻ ván đóng bàn, ghế, giường, tủ,… còn vỏ đước dùng cho thuộc da, nhuộm lưới, công nghệ in,…
Khi chiếc vỏ lãi của chúng tôi xuất hiện ở khu vực Long Thọ, các nhân viên thuộc ban quản lý rừng phòng hộ nhanh chóng dùng một vỏ lãi khác đuổi theo để “hỏi chuyện”. Và bởi vì được đón tiếp đặc biệt như vậy, nên chúng tôi đã đặt chân lên một vài phân trường, gặp gỡ những người “gác rừng” phòng hộ.
Bên mâm cơm chiều đạm bạc ăn vội vàng giữa rừng, những nhân viên này trải lòng với chúng tôi về cuộc sống của họ. Họ nói rằng, rừng chính là cuộc sống của họ, và việc để đơn vị thi công dự án cắt tỉa rừng tỉa quá số lượng cây cho phép là cái sai của họ.
Họ ân hận về điều đó và luôn tự nhủ bản thân phải nghiêm túc, tỉ mỉ hơn trong công việc, không để những sai trái như vậy tái diễn. Và khi nhắc đến rừng, nhiều người trong số họ ngồi trầm ngâm suy nghĩ, rồi bất chợt thốt lên với chúng tôi: “Rừng đước này có từ cách đây nhiều thập kỷ và người có công làm nên nó chính là những cán bộ cũ của ban quản lý rừng phòng hộ năm xưa. Hồi ấy, phải xuống tận Cà Mau để mua giống đước xịn nhất dưới ấy mang về gây giống ở xứ này, và nhờ đó nay mới có một rừng đước bạt ngàn như vậy. Chúng tôi biết trách nhiệm bảo vệ rừng là của rất nhiều người, nhưng quan trọng nhất vẫn là những người ăn ngủ cùng rừng như chúng tôi. Cái sai của chúng tôi ở đây là do quá tin tưởng đơn vị thi công, nên không biết họ cắt “lố” quá nhiều”.
Sau bữa cơm ấy chúng tôi chia tay rừng ngập mặn, chia tay những người gác rừng để trở về đất liền. Trong lòng vẫn trăn trở về những gì đang diễn ra tại rừng phòng hộ này. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức, hướng xử lý để lấy đó làm bài học cho công cuộc bảo vệ rừng.