Những kiến thức Toán cần ghi nhớ khi thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2024

Những kiến thức Toán cần ghi nhớ khi thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2024

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 28/05/2024 19:41

Để đạt điểm cao bài thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội, thí sinh cần lưu ý những nội dung cần nắm vững và những lỗi cần tránh.

Những kiến thức quan trọng cần ghi nhớ

Trước kỳ thi vào lớp 10 đầy căng thẳng, trao đổi với Dân Việt, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã có những tư vấn giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất kiến thức, tâm lý để bước vào kỳ thi lớp 10 trong giai đoạn nước rút. Cô Phương Dung từng giành HCV Olympic Toán toàn quốc và có kinh nghiệm ôn thi lớp 10 nhiều năm.

Trước hết, nhận xét đề minh họa môn toán 2024, cô Dung cho hay: Cấu trúc định dạng đề môn Toán với 72,5% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu; 27,5% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao. Cấu trúc đề thi minh họa đảm bảo kiểm tra được các kiến thức cơ bản cũng như để phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 120 phút.

Từ đề minh họa năm nay và những đề thi năm trước, học sinh lưu ý những nội dung trọng tâm cần nằm vững như sau:

- Biểu thức đại số:

+ Tính giá trị biểu thức đại số;

+ Rút gọn biểu thức đại số;

+ Tìm Giá trị lớn nhất - Giá trị nhỏ nhất, tìm x thỏa mãn điều kiện cho trước ( thỏa mãn 1 phương trình, bất phương trình). Tìm x , tìm x nguyên để biểu thức nhận giá trị nguyên.

- Ứng dụng toán học vào thực tế

+ Giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình.

+ Các khối hình trong không gian: Hình trụ, hình nón, hình cầu

- Hệ phương trình bậc nhất hai ẩn

- Hàm số bậc nhất, hàm số bậc hai: Phương trình bậc hai, tương giao của đường thẳng và parabol, hệ thức Viet và ứng dụng.

- Phần hình học: Tam giác đồng dạng, hệ thức lượng trong tam giác vuông, đường tròn, vị trí tương đối của đường thẳng với đường tròn, góc với đường tròn, tứ giác nội tiếp.

- Bất đẳng thức, phương trình vô tỉ: Giải phương trình vô tỉ, bài toán chứng minh bất đẳng thức, tìm Giá trị lớn nhất, Giá trị nhỏ nhất.

Thí sinh lưu ý: Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao (ứng dụng hệ thức Vi-et, ý cuối bài hình, bất đẳng thức; phương trình vô tỉ,..) học sinh nên sưu tầm các dạng câu hỏi lạ ở các nguồn tài liệu: Trong các kỳ thi thử của các trường, các sở để làm, tránh bỡ ngỡ.

Một số lỗi cần tránh khi làm bài thi môn Toán vào lớp 10

Bên cạnh những kiến thức cần ghi nhớ, cô Nguyễn Thị Kim Oanh - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ ra một số lỗi sai mà thí sinh dễ mắc phải về kiến thức cơ bản trong phần giải hệ phương trình. Cụ thể, học sinh hay nhầm về điều kiện của bài toán giải hệ phương trình.

Giáo dục - Những kiến thức Toán cần ghi nhớ khi thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2024

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội năm 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 8 - 9/6. Ảnh minh họa.

Thí sinh gặp lỗi vẽ sai hình (cho điều kiện AB nhỏ hơn AC nhưng học sinh vẽ ngược lại), vẽ tia đối tia AB nhưng vẽ ngược lại... Học sinh không cẩn thận, lỗi kiến thức, đọc không kỹ đề bài, chép sai đề bài), chuyển vế quên không đổi dấu...

Ở bài toán thực tế, học sinh đọc không kỹ đề bài là làm sai. Ví dụ, đường kính nhưng thí sinh thay vào là bán kính hoặc không đổi đơn vị; Làm tròn sai, không nhớ công thức…

Theo cô Oanh, cách khắc phục đầu tiên là phải nắm chắc kiến thức. Đặc biệt, hình học không gian là phần nhận biết, các em không được để mất điểm. Các em cũng phải luôn nhắc bản thân bình tĩnh, cẩn thận. Nữ giáo viên cũng nhấn mạnh, tâm lý trong phòng thi quan trọng. Vào phòng run sẽ ảnh hưởng bài thi nên thí sinh phải tự tin, tinh thần tỉnh táo, vững vàng, để làm bài thi được tốt nhất.

Thực tế, nhiều học sinh học tốt nhưng đi thi điểm không cao do mất tinh thần, làm sai 1 câu dẫn đến mất tâm lý khi làm những câu sau. Cô Oanh khuyên thí sinh gặp câu khó nên để lại, bình tĩnh làm câu dễ trước. Sau khi làm hết, các em gạch chân từng ý của đề bài xem bỏ sót dữ kiện gì trong bài chưa sử dụng, từ đó phân tích bài toán và xử lý.

Cuối cùng, cô Oanh nhắn nhủ học sinh trên VietNamNet, với môn Toán, thí sinh đi thi nhớ mang dụng thước kẻ, compa, đặc biệt máy tính cần kiểm tra pin trước khi thi, tránh trường hợp máy hết pin làm ảnh hưởng tâm lý.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm - Giáo viên dạy Toán trường THCS Mỹ Đình 1, cho biết, một số những thí sinh đặt mục tiêu vào trường top có lực học tốt nhưng điểm lại chưa cao do các em “coi thường” những bài Toán cơ bản và sa đà vào làm 15% câu khó có tính phân loại.

Thế nhưng, các em không làm được câu khó và lại bị mất điểm ngay ở những câu hỏi dễ là điều rất đáng tiếc. “Tôi vẫn hay dặn học sinh vào phòng thi cứ câu nào dễ làm trước và khó làm sau. Trước khi làm câu hỏi khó có tính phân loại, các em cần phải rà soát lại những câu đã làm được.

Một số lỗi sai mà học sinh hay mắc phải là quên không đặt điều kiện ở bài giải hệ phương trình, không đối chiếu điều kiện trước khi kết luận, không viết đơn vị ở bài giải Toán, làm tròn số sai, dạng bài tập hệ thức Vi-et quên không đặt điều kiện phát sinh, vẽ hình chưa đúng với yêu cầu đề bài…

Chiến lược ôn thi trong giai đoạn nước rút

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa các thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm 2024, cô Phương Dung nhắn nhủ: Các em cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt, luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.

- Có kế hoạch học tập khoa học, rõ ràng: Lập kế hoạch học tập từng ngày, từng giờ, từng môn, từng chủ đề, nội dung môn học.

- Xác định rõ nội dung trọng tâm của từng môn học. Lên kế hoạch ôn tập cho từng nội dung.

- Luyện đề thi vào 10 rất quan trọng và cần thiết, có thể hệ thống lại các kiến thức đã học, làm quen với các dạng toán khác nhau, rèn luyện trình bày, tránh mắc các sai lầm. Từ đó tìm cách làm bài thi hiệu quả nhất cho mình.Tìm ra những ý nào làm được chăc chắn, các ý hay bị sai thì luyện thêm nhiều lần. Phân bố thời gian hợp lý là bí quyết để có một bài làm tốt, không nên quá sa đà vào một câu nào đó, dành nhiều thời gian hơn cho những câu chiếm trọng số điểm lớn.

- Một điều rất quan trọng nữa là cần xác định mục tiêu về điểm số từ đó đưa ra các chiến lược học tập cho các nội dung phù hợp. Không nên quá tập trung vào các câu khó, chủ quan không ôn chắc các kiến thức cơ bản, rất dễ mất điểm do trình bày cẩu thả, sai lầm.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội năm 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 8 - 9/6, với 3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Theo VietNamNet, so với năm ngoái, “cuộc đua” vào lớp 10 năm nay có phần căng thẳng hơn khi dự kiến khoảng 133.000 thí sinh tham gia "tìm tấm vé" vào cánh cổng trường công lập, tăng khoảng 4.000 em so với năm trước. Năm học 2024-2025, các trường THPT công lập tuyển khoảng 81.000 học sinh vào lớp 10 còn 51.000 học sinh phải có lựa chọn khác.

Chậm nhất ngày 2/7, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi. Điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường dự kiến được công bố trong khoảng từ ngày 10 đến 12/7. Học sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học trong khoảng thời gian này.

Trong trường hợp chưa đủ điều kiện trúng tuyển, học sinh có thể chờ đợt tuyển sinh bổ sung của các trường. Theo kế hoạch dự kiến, ngày 17/7, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 các trường công lập và công bố công khai. Học sinh trúng tuyển bổ sung làm thủ tục xác nhận nhập học từ ngày 19 đến 22/7.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.