Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.
Biểu hiện bị ngộ độc:
Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu giả pha Methanol rất nguy hiểm. Bởi nhìn bằng mắt thường, không thể phân biệt được rượu nấu thông thường và rượu pha Methanol. Thậm chí, kể cả khi uống phải, người uống cũng khó phân biệt được đâu là rượu giả, đâu là rượu thật. Còn khi uống phải rượu pha Methanol (để tăng độ nặng của rượu), người uống cũng có những biểu hiện say rượu như: loạng choạng, hoa mắt...
Do đó, nhiều người lầm tưởng, nghĩ mình bị say rượu, chỉ nằm nghỉ ngơi vài tiếng là hết say, điều này rất nguy hiểm. Bởi khi ngộ độc rượu pha Methanol để lâu sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm do chuyển hóa nặng, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp và có thể tử vong. Vì thế, mọi người cần chú ý sau khi uống rượu vài tiếng, nếu có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt, chóng mặt, đặc biệt mờ mắt như nhìn bóng mây, phải khẩn trương đến viện để kịp thời điều trị. Nếu để càng lâu, tình trạng ngộ độc Methanol càng nặng nề, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Cách phòng ngừa ngộ độc rượu:
-Không uống quá nhiều rượu.
-Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao.
Không uống rượu khi:
-Không biết đó là nước gì.
-Rượu không rõ nguồn gốc.
-Khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng.
-Rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
-Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo theo kinh nghiệm các nhân.
-Cấm trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia, cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.
Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Xử lí khi ngộ độc rượu:
Khi gặp trường hợp ngộ độc rượu, bạn cần biết cách xử lý khôn khéo, nhanh chóng và kịp thời. Tuyệt đối không uống rượu khi đói. Khi say rượu, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa).
Cho người bị ngộ độc nằm trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Đưa bệnh nhân tới bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra các thông số sinh tồn. Cho bệnh nhân nằm tư thế an toàn, làm thông thoáng đường hô hấp, cho thở ôxy nếu cần, chống hạ đường huyết, chống toan chuyển hóa.
Rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm. Hỗ trợ tim mạch, ổn định huyết động. Chú ý phát hiện các biến chứng do say rượu.
Kiêng kị gì để không đột tử khi uống rượu:
Vừa uống rượu vừa hút thuốc:
Các nhà khoa học chỉ ra rằng hút thuốc trong lúc uống rượu rất có hại cho cơ thể. Bản chất của việc hút thuốc đã có hại nhưng khi nó kết hợp với việc uống rượu thì lại càng có hại hơn.
Cồn trong rượu sẽ khiến cho mạch máu giãn nở mạnh hơn, khi đó nicotine trong khói thuốc sẽ dễ dàng hòa cùng nước.
Bởi vậy hút thuốc trong lúc uống rượu sẽ khiến cho nicotine trong khói thuốc bám vào cơ thể nhanh hơn nhiều lần.
Tránh uống lẫn bia với rượu:
Một số người có thói quen vừa uống rượu lại uống bia, cách uống như vậy thật không hay chút nào. Mặc dù nồng độ cồn trong bia tuy có thấp nhưng thành phần nước và carbonic lại nhiều.
Nếu uống bia rượu cùng một lúc sẽ làm cho lượng cồn thẩm thấu vào người nhanh hơn, gây kích thích mạnh, có hại cho gan, dạ dày và thận... ảnh hưởng tới việc tạo men tiêu hóa, làm giảm dịch vị, gây ra các triệu chứng như co thắt dạ dày, viêm dạ dày, hành tá tràng cấp... Chính vì vậy mà mọi người chớ nên uống lẫn bia với rượu.
Để tránh đột tử các quý ông nên "thuộc" những kiêng kị cần thiết khi uống rượu
Tránh uống rượu lúc đói:
Đường glucose (đường huyết) trong máu được gan dự trữ và cung cấp cho cơ thể, nhưng thời gian duy trì không lâu, mà chủ yếu là nhờ gan chuyển hóa thực phẩm phi đường thành glucose để đưa vào máu liên tục. Nếu chức năng tạo đường như vậy không thực hiện được, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng đường huyết thấp và rượu cồn chính là chất ức chế mạnh đối với công dụng tạo ra loại đường đặc biệt này.
Khi đường huyết thấp, do tổ chức não bị thiếu đường glucose nên sinh đau đầu, tim đập mạnh, đổ mồ hôi lạnh và có cảm giác đói cồn cào, có trường hợp bị hôn mê thậm chí gây tử vong do đường huyết tụt thấp. Chính vì vậy, uống rượu lúc đang đói dễ xảy ra những trường hợp nguy hiểm. Do đó khi uống rượu cần phải ăn một chút chất bột chứa đường như cơm, bánh mì, bún...
Sau khi uống rượu không nên uống trà ngay:
Mặc dù uống trà sau bữa rượu có tác dụng nhuận táo giải rượu, nhưng bên cạnh đó cũng gây nhiều bất lợi cho cơ thể. Rượu cồn và nước chè đặc đều gây kích thích mạnh đối với tim, do đó uống rượu xong lại uống trà khiến tim bị kích thích song trùng, làm gia tăng hưng phấn, khiến cho tim làm việc nặng hơn.
Đồng thời, còn gây bất lợi cho cả thận, bởi lẽ uống rượu xong uống trà, chất theophylline có tác dụng lợi tiểu, trong khi đó chất ethylaldehyde trong rượu cồn chưa bị phân giải hết, nhưng do tác dụng lợi tiểu của theophylline nên đã đi vào thận. Ethylaldehyde có tác dụng kích thích khá mạnh đối với thận, nên dễ dàng làm cho thận tổn thương. Vì vậy uống rượu xong chỉ nên uống chút ít trà.
Kiêng uống cà phê sau khi uống rượu:
Sau khi uống rượu lại uống cà phê sẽ làm tăng tác hại của rượu cồn đối với cơ thể. Nguyên do là sau khi uống rượu, lượng cồn sẽ nhanh chóng bị hấp thu qua đường tiêu hóa để vào hệ thống tuần hoàn máu và đưa đi khắp cơ thể, ảnh hưởng tới dạ dày, tim, gan, thận, đại não và hệ thống nội tiết, trong đó đại não là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất.
Còn caffeine là thành phần chính thức trong cà phê, nó gây kích thích thần kinh não, gây ra các triệu chứng như đau đầu dữ dội, tình cảm thất thường lúc vui lúc buồn hoặc u uất... Ngoài ra cà phê và rượu còn kích thích làm căng mạch máu, tăng lượng tuần hoàn, khiến cho tim làm việc quá tải. Do đó tác hại sẽ gấp nhiều lần so với uống rượu riêng.
Tránh uống rượu xong tắm ngay:
Sau khi uống rượu, tim đập nhanh, trao đổi chất gia tăng. Nếu đi tắm ngay nhất là tắm nước nóng, sẽ làm cho lượng đường glucose dự trữ trong cơ thể bị tiêu hao nhiều, dẫn đến hàm lượng đường huyết giảm đột ngột, thân nhiệt cũng hạ nhanh.
Đồng thời, rượu cồn còn ức chế hoạt động bình thường của gan, gây trở ngại đến việc dự trữ đường glucose trong cơ thể, dẫn đến hư thoát hoặc đường huyết thấp, rất nguy hiểm đến tính mệnh. Vì vậy, uống rượu xong tuyệt đối không nên tắm ngay, mà phải nghỉ ngơi một thời gian, chờ khi nhịp tim trở lại bình thường hãy tắm.
Xem tivi ngay sau khi uống rượu:
Khoa học hiện đại chứng mính rằng methanol có trong rượu sẽ làm cho dây thần kinh mắt bị hao mòn, trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến bị mù.
Xem ti vi sẽ làm cho thị lực yếu đi, còn uống rượu sẽ tổn hại cho dây thần kinh mắt. Thị lực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta làm cùng lúc hai việc này. Bởi vậy không nên xem ngay ti vi sau khi uống rượu.
Uống rượu trước khi đi ngủ:
Nếu uống rượu trước khi ngủ chúng ta sẽ rất dễ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Thông thường đối với những người uống rượu thời gian ngưng thở là 10 giây, nó sẽ lâu hơn những người không uống ba lần. Số lần ngưng thở lập đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến chứng cao huyết áp, thậm chí là suy tim.
Các chuyên gia còn đưa ra lời cảnh báo rằng những người thường xuyên uống rượu trước khi ngủ sẽ rất dễ đột tử.
Cách giải say:
Nước Mía: Khi say rượu, bạn chỉ cần cho nạn nhân uống một cốc nước mía ép. Nó sẽ có tác dụng giải rượu nhanh chóng nhất.
Gừng tươi: Thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng (có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Đậu đen: Khi ngộ độc rượu ta có thể uống nước sắc đậu đen để giải say. Ninh đậu đen cho nhừ rồi uống liên tục từng chén một sẽ có tác dụng giải ngộ độc rượu.
Đậu xanh: Đậu xanh hạt cũng giải được ngộ độc rượu bằng cách sau: Nghiền nát khoảng nửa lon đậu xanh hạt, sau đó hòa vào nước sôi để nguội rồi cho người ngộ độc rượu uống để nôn mọi chất trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Sau đó có thể cho người ngộ độc ăn cháo gạo nấu với 30g cam thảo.
Rau muống: Uống nước ép rau muống cũng chữa được ngộ độc rượu. Rửa sạch 500g rau muống tươi (loại rau sạch) giã nát, vắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày sẽ giải được ngộ độc và khỏi say rượu.
Ngọc Phạm (Tổng hợp)