Nghị quyết về chất vấn sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp. Trong quá trình điều hành từng phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội dành khá nhiều thời gian để chốt lại vấn đề, nhắc việc bộ trưởng. Tuy nhiên, theo dõi 5 buổi chất vấn, ghi nhận của phóng viên về việc chấm điểm các bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, trong một số tình huống, cách ứng xử nước đôi hoặc khất nợ của các thành viên Chính phủ thể hiện sự né tránh, chưa dám nhìn thẳng sự thật.
Lựa chọn thông thường nhất là trả lời dạng nước đôi như: "Chúng tôi đang nghiên cứu", "đang sửa đổi", "sẽ tiếp thu"... Dù đại biểu đã đặt ra một vấn đề cụ thể, muốn truy trách nhiệm rõ ràng, có thời gian, địa chỉ, song cách lựa chọn phổ biến nhất vẫn là những lời nói chung chung như "mọi việc vẫn đang được nghiên cứu, đang được thực hiện, chưa thống kê, chưa có kết quả cụ thể". Thậm chí, nhiều bộ trưởng chọn cách đưa thông tin chung chung. Ví dụ, khi bị truy về con số thất thoát hơn 10.000 tỷ đồng ở tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trả lời theo kiểu ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, rằng "số tiền này không phải mất đi mà là tiền vi phạm nguyên tắc?!".
TS.Trần Du Lịch.
Dạng ứng phó thứ hai với câu hỏi khó là phương án "để quên câu trả lời". Chẳng hạn, khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng "xin mời đại biểu sang chỗ chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo". Thậm chí Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn khẳng định, nếu thấy ai đưa phong bì "lót tay" bác sỹ thì nên chụp ảnh làm bằng chứng mang đến. Phiên chất vấn các kỳ sau có lẽ nên bố trí thêm màn hình để phát các hình ảnh minh họa?
Điều đáng suy ngẫm, những câu hỏi bị "khất nợ" chính là hỏi về tiêu cực. Với vai trò giám sát, đại biểu sẽ có nhiều cách để lấy thông tin chứ đâu cần đợi đến khi bộ trưởng đăng đàn giải trình mới hỏi. Điều họ trông đợi là bản lĩnh dám đối diện với những câu hỏi "hóc búa" của các thành viên Chính phủ. Bởi thế,ë trước những "lời mời" ghé thăm trụ sở, có lẽ đại biểu cũng chỉ biết cười trừ mà thôi.
Nhiều bộ trưởng khi vấp câu hỏi xoáy lại chọn giải pháp phủ định, cho rằng, thông tin đại biểu cung cấp "lần đầu được nghe", hoặc "mới chỉ nghe qua báo chí, dư luận". Ngoài những cách tránh né như trên, thì phổ biến nhất vẫn là xin khất đến lúc khác, kỳ sau trả lời, hoặc, nhờ tới sự phối hợp của bộ này, ngành kia. Đặc biệt là tranh thủ "đá" quả bóng trách nhiệm về phía Thủ tướng.
Sau phiên chất vấn, nhiều ý kiến e ngại, không phải ai cũng biết cách chọn tâm thế để thẳng thắn đối diện với những câu hỏi khó tại nghị trường. Mỗi kỳ chất vấn chỉ như một cuộc "sát hạch" tín nhiệm. Nhiều vấn đề đã được chỉ đạo rốt ráo, giải quyết có kết quả, nhưng không ít chuyện vẫn còn dai dẳng, bức xúc trong lòng cử tri. Và, tiếc rằng, không phải bộ trưởng nào cũng biết tận dụng cơ hội lấy tín nhiệm ở diễn đàn Quốc hội.
"Tất nhiên thời gian có hạn nên còn một số việc bộ trưởng sẽ xem xét lại để trả lời. Ngay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng còn có tới 16 đại biểu đăng ký mà chưa được hỏi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Song Giang