Hành xử lạ lùng
Điều tra viên Nguyễn Đức Phong nhớ lại: "Quá trình điều tra vụ án Vũ Xuân Trường, nguyên đại úy công an, phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tôi được phân công "tìm hiểu", theo dõi mảng nhân thân, đó là những người thân trong gia đình Trường. Quả thật, 2 đứa con của Trường, ngày ấy còn nhỏ và đáng thương. Chúng rất khác với những bạn cùng trang lứa. Chúng sướng hơn các bạn về mặt vật chất như được chăm sóc về ăn, mặc, được đi du lịch, được có người đưa đón lúc đi học.
Tóm lại, chúng được chăm sóc, bảo vệ từ đầu đến chân khi ra khỏi nhà nên không được thoải mái lắm khi tiếp xúc với bạn bè và người lạ. Qua theo dõi, tôi thấy, khi đến lớp học, 2 đứa trẻ này cũng ít tiếp xúc, giao lưu với các bạn xung quanh. Chúng chỉ học (học khá giỏi) sau đó thì ngồi một mình, đọc hay vẽ gì đó vào tờ giấy, khi thì hình con vật, lúc lại hình ông tượng thiện - ác… Cái cách hành xử này rất lạ lùng, khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa".
Cũng theo đúc kết của điều tra viên Phong thì, những đứa trẻ con "ông, bà trùm" ma tuý đã bộc lộ độ "lỳ" trong tính cách ngay từ lúc còn nhỏ, chúng luôn có hành xử khác trẻ em bình thường. Cùng một việc như va chạm nhỏ với bạn hoặc không đồng ý với bạn chuyện gì đó, trẻ em bình thường hay cãi nhau, đòi lại đồ, vật lộn, đánh nhau, tranh giành... Nhưng con "ông, bà trùm" ma tuý đã "lỳ" thì không hành động như thế. Chúng cứ bực tức, nói gì đó trong miệng, không phát ra tiếng, mà chỉ thể hiện sự giận dữ… Sau đó, có thể ngay hôm sau hoặc hôm sau nữa, chúng sẽ có đồ dùng học tập, đồ chơi "trội", "khủng" hơn bạn cùng lớp để "trả thù", vì "bạn đã lấy của tôi đồ cũ".
Con của "ông trùm" ma túy Trịnh Nguyên Thủy cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" tội lỗi của cha. Vì Nguyên Thủy hoạt động phạm tội kín kẽ nên con không biết cha mình là "ông trùm" ma túy, chỉ biết, cha là một doanh nhân thành đạt. Tất nhiên, con của một doanh nhân thành đạt khác con của gia đình bình thường là chuyện không mới. 2 đứa con của "ông trùm" ma tuý này lớn lên dưới sự nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt của bố. Vì thế, cái biểu hiện ra ngoài của chúng không nhiều lắm sự vị tha của người mẹ.
Các cụ xưa dạy "phúc đức tại mẫu", không được mẹ chăm sóc thường xuyên, ở với cha là doanh nhân, cuộc sống sung túc, chúng có những suy nghĩ và hành động khác thường là tất nhiên. Tuy 2 đứa con trai của "ông trùm" này không "phá", không "quậy" nhưng đã thể hiện phong cách sống của con doanh nhân ngay từ những ngày đầu đến trường học chữ.
Ảnh minh họa
"Hiếu động" và khinh thường tất cả
Với những đứa con "ông, bà trùm" ma tuý thể hiện tính "hiếu động" ngay từ nhỏ thì... khủng khiếp. Đến đâu, dù là trường học, nơi công cộng, địa điểm lạ hay quen, chúng cũng "quậy tới bến", chẳng biết sợ ai. Câu nói cửa miệng ứng với từng tình huống của chúng thường là "sợ đ. gì; làm gì phải sợ ai; bố tao xử lý hết chúng mày; mày thích chết à; tao đang chán sống đây…". Đặc điểm của bọn trẻ "hiếu động" này là thích trêu người khác, thích hạ bạn bè xuống để nâng mình lên. Con trai "ông trùm" ma tuý xứ Nghệ tên Tuấn, lúc nhỏ "hiếu động" tới mức người lớn còn phải tránh xa. Sau này, cả "ông trùm" Tuấn và con đều bị phải nhận hình phạt cao nhất của pháp luật là tử hình về tội mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma tuý.
"Ông trùm" Tuấn có 4 người con, 3 con trai, 1 cô con gái. 4 người con của "ông trùm" ma tuý này đều "lớn trước tuổi". Biết cha vì phạm pháp mới có nhiều tiền nên 3 thằng con trai thi nhau "vặt" tiền cha, mẹ để chơi bời. Những năm 90 của thế kỷ trước, con "ông trùm" này đã biết dùng tiền do cha phạm tội mà có để "đút lót" bạn bè, nhờ bạn ghi, chép bài giúp; lúc kiểm tra, bảo bạn cho xem bài. Bạn nào "cứng đầu", không chịu nghe là chúng bày ra trò chơi, rồi cứ thế lợi dụng trò chơi để đánh bạn.
Khi bị cô giáo, nhà trường nhắc nhở, chúng "lý luận" rằng, học sinh phải hiếu động thì mới thông minh. Tất cả tham gia trò chơi tập thể, sao chỉ mỗi bạn ấy đau? Cái kiểu "lý luận" của con "ông trùm" đã "qua mặt" được chính "ông trùm" và các thầy cô trong một thời gian dài. Khi chúng "hiếu động" đã bộc lộ rõ bản chất của con "ông trùm" ma tuý là liều lĩnh, manh động, mưu mô...
Con "ông trùm" Tuấn đã làm cho rất nhiều học sinh trong trường trung học ấy tự phải biết "nể", "sợ" y đến mức, bị đánh, bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm... vẫn phải im lặng. Chúng "thu phục" bạn bè xung quanh theo mình bằng tiền, bằng doạ dẫm, bằng những cú thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chính vì thế, đám bạn của con "ông trùm" ma tuý không có trẻ thông minh, lanh lợi, ngoan ngoãn.
"Gồng" mình lên để hoà nhập
Vì được "nhồi nhét" vào đầu quá nhiều thứ của người lớn trong đời sống xã hội nên nhiều đứa trẻ, con "ông trùm" ma tuý tự cho mình đứng trên hoặc hơn các bạn cùng lứa. Chính cái "tư tưởng" ấy mà nhiều đứa phải "gồng" mình lên mới hoà nhập được cuộc sống xung quanh. Vô hình trung, những cái thứ vật chất lớn lao mà "ông trùm" trang bị cho con trở thành tầm thường.
Cấn Thị Lay, người dân tộc Mông, ở Sơn La, tâm sự: "Xung quanh nhà em ngày ấy, lúc nào cũng có người canh gác cẩn mật. Bạn em ở xóm cuối của bản sang chơi còn không được cho vào nhà. Em không được đi học đúng tuổi. Lúc nhà sung túc khi bố bán mua ma tuý, em luôn được mẹ dạy là, đi ra ngoài phải ngó trước, nhìn sau, phải cẩn thận, phán đoán tình hình...
Mẹ thì luôn nói, ra ngoài nguy hiểm lắm. Em ra ngoài chơi cùng bạn, có thấy nguy hiểm đâu. 8 tuổi em mới được đi học và học hết tiểu học thì nghỉ. Lý do nghỉ học được mẹ giải thích là vì bố bận, mẹ không đủ sức mạnh để bảo vệ em trên quãng đường từ nhà đến trường. Không được đi học, con đường phía trước của em bị chặn lại. Em nhớ bạn lắm. Bố chết vì ma tuý đã là động lực để em đi học, tự lo cho cuộc sống của mình".
Thật ra Lay là cô bé đáng thương. Lay sống trong một gia đình "ông trùm" ma tuý khép kín với những tội lỗi chất chồng nên "thèm" người trò chuyện, bầu bạn là đúng. Bản thân Lay cũng không muốn nghỉ học và rất thích kết bạn, chơi cùng trẻ trong bản nhưng bị cấm. Cha mẹ Lay đều "nhồi sọ" con rằng, đó là những người xấu, không nên gặp, chơi. Chưa phân biệt được tốt - xấu, Lay ở nhà với mẹ và những con chó to. Khi Lay được đi học lại thì cô gái này xác định, đó là cơ hội sống khác của mình.
Hành trang "ông trùm" tạo ra cho con gái là những vết cứa, rớm máu, đau âm ỉ, có để lại sẹo... Lay có bạn mới, được học hành để biết quên đi đau buồn, hướng tới hiện tại tốt và tương lai ổn định. Giờ Lay đã là cán bộ nhưng Lay chưa bao giờ chạnh lòng khi các phương tiện truyền thông nhắc đến tên cha gắn với cụm từ "ông trùm" ma tuý. Qua tâm sự, Lay thừa nhận, để hoà nhập được với cuộc sống, không đơn giản chút nào.
Sau khi cha đi thi hành án tử hình được 3 tháng, Lay đi học ở trường nội trú của xã, rồi lên huyện và tỉnh. Tự Lay phải vượt qua nhiều "rào cản" để hoà nhập với các bạn. Lúc đầu, muốn chơi cùng, nói chuyện với ai đó nhưng trong suy nghĩ của mình, Lay cứ sợ họ biết mình là con "ông trùm" ma tuý, thì sao? Thế rồi, mẹ qua đời, các anh chị có người cũng phải đi tù vì tội giống cha, Lay càng tự kỷ. Cảm giác thường trực xâm chiếm tâm hồn là mọi người biết gia đình Lay xấu nên không quan hệ, nếu chơi cùng, chẳng qua là thương hại. Cứ "gồng" mình lên để tự thấy bình thường nhưng thực chất, Lay đã phải mò mẫm với cuộc đời của mình.
Lay cũng giống nhiều đứa con của các "ông, bà trùm" ma tuý khác, sống lặng lẽ, rự kỷ, buồn tủi... Vì thế, để con mình phát triển bình thường, cha mẹ đừng phạm pháp, những đứa trẻ sẽ thoả sức hoà nhập, nô đùa, cười nói ríu rít...
Nhóm phóng viên
(Còn nữa)