“Râu ông này cắm cằm bà kia”
Báo điện tử
Người Đưa Tin nhận được đơn thư của ông Huỳnh Văn Đưa (SN 1940, ngụ ấp Gò Cao, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cầu cứu về việc ông bị chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa, Long An, tổ chức thi hành án kê biên tài sản sai quy định, lấy toàn bộ tài sản khiến cả gia đình rơi vào cảnh điêu đứng.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đưa cho biết, vợ ông là bà Trần Thị Dân (SN 1946) có vay tiền bà Phùng Thị Kim Xuyến (SN 1960) số tiền hơn 18 triệu đồng và hơn 5 chỉ vàng. Ngoài ra, vợ ông còn vay bà Nguyễn Thị Rồi (SN 1936) hơn 35 triệu đồng.
Khi vợ vay, ông Đưa đang đi làm thuê nên không biết sự việc trên. Sau khi vợ ông không trả được tiền vay lẫn lãi cho bên vay, họ kiện ra tòa đòi nợ. Tòa hai cấp sơ và phúc thẩm tuyên (năm 2002) buộc vợ ông Đưa phải trả số nợ đã vay.
Hai vợ chồng ông sau đó nhận được quyết định THA căn nhà thuộc thửa số 307, tờ bản đồ số 14, diện tích 69m2 thuộc ấp Gò Cao, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An.
Song, tài sản nói trên không thuộc quyền sở hữu của vợ ông mà là của riêng ông theo chứng nhận “sổ đỏ” của UBND huyện Đức Hòa cấp.
“Vợ tôi là người vay nợ và tôi không liên quan, trong tất cả các bản án của tòa tuyên, không hề ghi nhận về việc tôi có bất cứ nghĩa vụ gì để thanh toán số nợ trên. Phía THA đã thực hiện quyết định cưỡng chế căn nhà theo kiểu ‘râu ông này cắm cằm bà kia’ đã khiến cả gia đình tôi điêu đứng, phải ra đường thuê phòng trọ ở”, ông Đưa bức xúc nói.
Sau khi cưỡng chế căn nhà hoàn tất, ngày 11/7 vừa qua, chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa tiếp tục ra thông báo 341, giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Tịch thu luôn tài sản trong nhà
Theo ông Đưa, có sự bất thường từ THA huyện Đức Hòa. Bởi tài sản của ông chưa được xác định quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung. Trong khi đó, chưa hết 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (ngày 11/7) thì chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa đã tiến hành cưỡng chế căn nhà của ông là sai quy định.
Điều gây nhức nhối hơn, trong lúc cưỡng chế, lượng lượng THA đã thu giữ hết tất cả số tài sản bên trong căn nhà bị THA và đưa đi. Cụ thể là máy móc, trang thiết bị, vật dụng gia đình… và có một tủ bên trong đựng số tiền hơn 35 triệu đồng.
“Chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa ra quyết định cưỡng chế THA đối với căn nhà của ba tôi đứng tên, cụ thể trong quyết định ghi cưỡng chế và giao lại cho bà Trương Thị Thanh V. (người mua được tài sản đấu giá) là quyền sử dụng dất, công trình xây dựng trên đất… Song, phía THA đã thu luôn tất cả những tài sản trong nhà của chúng tôi, thậm chí cả bàn thờ tổ tiên.
Ngày bị cưỡng chế, gia đình chúng tôi đã vào xin lại tài sản không nằm trong kê biên cưỡng chế nhưng bị lực lượng đuổi ra, họ cứ thế mang đồ đạc trong gia đình tôi đi và không có bất cứ một giấy tờ bàn giao, hay thông báo rằng họ mang số tài sản đó đi đâu, làm gì và có trả lại cho chúng tôi hay không.
Trong số tài sản đó có tiền làm ăn của tôi và anh trai. Thế nhưng, họ quyết tịch thu hết mà không hề có bất cứ biên bản, niêm phong, thống kê về các đồ vật trong nhà. Vây mất mát, hư hỏng ai sẽ chịu trách nhiệm?”, chị Huỳnh Kim Ánh (SN 1975, con gái ông Đưa) nói trong nước mắt.
Ngày 26/8, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến tận trụ sở chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa để nắm thông tin 2 chiều về vụ việc.
Phía chi cục này yêu cầu PV để lại câu hỏi và sẽ trả lời sau. Tới ngày 30/8, chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa chỉ gửi văn bản trả lời báo điện tử Người Đưa Tin rằng, đang tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của ông Đưa và không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào mà chi cục này yêu cầu PV gửi lại trước đó.
Có dấu hiệu hình sự?
Tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định, một trong những biện pháp cưỡng chế THA, đó là “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ”.
Điều kiện để cơ quan THA áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải THA là hết thời gian tự nguyện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự (15 ngày) và người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế (khoản 1 Điều 46).
Về nguyên tắc, cơ quan THA chỉ được quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo các nghĩa vụ thi hành án của họ theo bản án, quyết định của tòa án. Do đó, cơ quan thi hành án không thể kê biên tài sản của người khác để đảm bảo các nghĩa vụ của người phải thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hành vi thu giữ hết tất cả số tài sản bên trong căn nhà là máy móc, trang thiết bị, vật dụng gia đình… và có một tủ bên trong đựng số tiền hơn 35 triệu đồng và đưa đi của các cá nhân trong lực lượng cưỡng chế THA còn có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) và tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (Điều 282 BLHS).
Do đó, ông Đưa có quyền khiếu nại tới Chi cục trưởng chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa, Long An; cục THA dân sự tỉnh Long An; Tổng cục THA dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng (Đoàn luật sư TP. HCM)
|