Vụ việc thứ nhất: TAND tỉnh Lâm Đồng đã xử phúc thẩm vụ án hy hữu đòi chồng trả tiền “hao mòn thân thể” vì 11 năm “phục vụ tình dục” miễn phí.
Theo đó, sau bản án sơ thẩm ly hôn giữa bà Đặng Thị Xem, trú tại thôn 1, xã Đạmri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, với ông Lê Văn Tạo, bà Xem kháng cáo vì cho rằng tòa án huyện xử ép bà. Trong đơn kháng cáo, bà không kiềm chế được cơn giận khi bị người chồng chung sống cả chục năm thản nhiên buông giọng vô tình, chỉ coi bà là người ở nhờ và trông vườn hộ. “Tôi đâu có điên khùng gì mà trông coi vườn đất cho ông Tạo suốt 14 năm? Người xin ở nhờ mà xây nhà ở chung, tối lại ngủ chung? Sao ở nhờ mà nhập được hộ khẩu hợp pháp vào gia đình?”, bà Xem bức xúc cho biết. Ngoài ra còn một điểm hết sức đặc biệt nữa là bà còn yêu cầu ông Tạo trả tiền “hao mòn thân thể” vì phục vụ tình dục cho người đàn ông này trong suốt 11 năm.
Khi tòa hỏi: “Vậy lúc đầu ở nhờ, mà sau đó ông đã chung sống, đúng không?”. “Tôi là đàn ông mà, xa vợ con, bà Xem tới thì chung sống thôi”, ông Tạo trả lời thành khẩn. Cả bà Xem lẫn ông Tạo đều nửa chừng gãy gánh nên mới đi bước nữa với nhau song không đăng ký kết hôn do cả hai bên vẫn chưa ai chấm dứt cuộc hôn nhân trước. Phiên xử kết thúc, tòa tuyên không công nhận quan hệ giữa bà Xem với ông Tạo là vợ chồng vì chưa đăng ký kết hôn. Nhưng về tài sản, tòa công nhận căn nhà là tài sản chung nên chia đôi, cây cối cũng được chia đôi. Tổng cộng ông Tạo phải trả lại cho bà Xem hơn 146 triệu đồng (án sơ thẩm buộc ông Tạo trả cho bà Xem gần 132 triệu đồng). Còn phần đất của riêng bà Xem mua cho con trai hơn 6.500 m2 mà bà và ông Tạo đứng tên sổ đỏ, một phần đất khác rộng 1m, dài 200m bà mua làm đường đi… tòa không giải quyết vì ở cấp sơ thẩm bà Xem quên gửi văn bản yêu cầu tòa chia các tài sản này. Nếu muốn phân định là của ai thì bà Xem lại phải kiện ông Tạo trong một vụ kiện dân sự khác. Bà cho biết sẽ khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm lại hai bản án trên vì bà không tâm phục, khẩu phục.
Vụ việc thứ hai: Ông Đ ở thị trấn Thứa, Bắc Ninh, làm thủ tục ly hôn với vợ, “thèm phở” nên thường xuyên qua lại với bà V. Đến năm 2011, ông Đ cần tiền để mua xe máy và xây nhà nên đã hai lần vay tiền của bà V, tổng cộng 170 triệu đồng. Trong cả hai lần vay, ông Đ đều tự tay viết giấy biên nhận, không thỏa thuận lãi suất và hẹn một năm sau sẽ trả cho bà V. Đến hẹn, bà V đòi nhiều lần nhưng ông Đ không thực hiện. Hai bên lời qua tiếng lại và mất luôn tình cảm. Xót của, bà V làm đơn khởi kiện ra TAND huyện. Căn cứ vào tài liệu do hai bên cung cấp, TAND huyện tuyên buộc ông Đ phải trả cả gốc và lãi cho bà V là 180 triệu đồng.
Không đồng tình với bản án vì ông Đ cho rằng, ông và bà V có quan hệ như vợ chồng từ năm 2010. Lúc đó, ông dành dụm được 170 triệu đồng và dùng số tiền này mua xe ôtô và xây nhà. Nhưng, sau đó do vợ chồng ông sống không hạnh phúc, đang chờ làm thủ tục ly hôn. Ông lo sợ khi Tòa án xử ly hôn sẽ coi nhà và xe đó là tài sản chung phải chia cho vợ nên ông và bà V thống nhất số tiền trên ông sẽ “giả vờ” vay của bà V. Vì vậy, ông trực tiếp viết giấy vay nợ 2 lần, tổng số tiền 170 triệu đồng nhưng không cầm tiền. Khi viết giấy chỉ có ông và bà V trong nhà nghỉ nên không có người làm chứng.
Do sau đó không ly hôn, ông cho là bà V ghen tức đã làm đơn khởi kiện. Tại phiên phúc thẩm, ông không xuất trình được căn cứ chứng minh việc ngụy tạo giấy biên nhận vay tiền nên giấy biên nhận do bà V cung cấp vẫn được Tòa công nhận hợp pháp. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, buộc ông Đ phải hoàn trả cả gốc và lãi cho bà V.
Theo Xuân Tùng - Thủy Liên (Pháp luật xã hội)