Những kỳ nghỉ của cuộc đời

Những kỳ nghỉ của cuộc đời

Thứ 6, 12/07/2013 16:17

Nghỉ hè liệu có thực sự cần thiết với nhịp sống nhanh, gấp và tích hợp hôm nay hay hiển nhiên là một chân lý về nhịp tĩnh - động của cuộc sống thì vẫn còn là câu hỏi lớn.

Chỉ biết rằng với các em học sinh, hình như kỳ nghỉ hè đang thành thứ khát khao xa vời, còn với phụ huynh, đó là là thứ xa xỉ và đáng chối từ nhất.

Hiển nhiên, con người bấy lâu nay sống trong nhịp vận động của vũ trụ với bốn mùa, ngày - đêm và sáng - tối. Nhịp điệu ấy đi vào cuộc sống tạo thành nhịp sống với sự hồ hởi, hăng say và lặng lẽ chiêm nghiệm, suy tư tạo nên sự thành bại, bồi đắp nên sự trưởng thành, ngưng kết những giá trị ở mỗi con người.

Tuy nhiên, bước sang thời kinh tế thị trường, khi mọi giá trị sống liên tục bị đảo lộn trong bảng giá trị đạo đức xã hội ngày nay, những khát khao ham muốn đều vượt quá giới hạn truyền thống thì sự ngưng nghỉ dường như đồng hành với suy tàn và thất bại. Bởi thế, mọi sự nghỉ ngơi chỉ còn là tương đối, thời gian để suy cảm, ưu tư nhường lại cho hành động khẩn trương và tác phong nghĩ nhanh, nghĩ vội.

Đương nhiên, trước khi đi xuống thoái trào thì mọi cách sống đều bộc lộ hết những điểm mạnh của nó. Nhưng, bản thân cách lựa chọn ấy từ ngay thời điểm này đã bộc lộ hạn chế bằng những câu hỏi thật đơn giản mà khó trả lời với mỗi người: Bạn sẽ nghỉ vào lúc nào? Bao giờ bạn sẽ nghỉ ngơi?

Xã hội - Những kỳ nghỉ của cuộc đời

Xã hội càng phát triển, con người càng cần dành những khoảng lặng nghỉ ngơi cho riêng mình

Chắc hẳn, lúc này các bạn trẻ chưa cần phải nghĩ nhiều về lịch làm việc dày đặc của mình từ tiểu học đến chuyên nghiệp bởi học chính, học thêm, làm chính, làm thêm đang là chân lý của thời đại, của những người được tiếng là bận rộn - khỏi bàn cãi. Cơ sở của niềm tin ấy là tương lai được bảo đảm bằng thu nhập và sự tham khảo đời sống sang trọng của các nước đang phát triển. Nhưng đến khi, ngay cả các nhà nghiên cứu xã hội ở các nước phát triển cũng phải thốt lên thì chúng ta đã quá lún sâu vào thói quen khó bỏ ấy mà dân gian đã từng đúc rút thành "tham công tiếc việc".

Đây cũng là lúc xã hội phải lên tiếng về sự bất ổn của tâmyys như chứng tâm thần, bệnh hoạn, sự xuống cấp của chất lượng những loại ưu, bằng giỏi, giải thưởng cấp nọ kia...Một lớp những người không cần đến sự nghỉ ngơi thì khó lòng đem lại sự an tâm cho xã hội. Bởi lẽ, những người đó đâu cần lắng đọng, lắng nghe, chiêm nghiệm, ngắm nghía lại những gì mình đã làm và hướng đến những giá trị đích thực và nhân bản của tương lai.

Một thời, phụ huynh tự hào vì con mình đã biến kỳ nghỉ tắm táp, rong chơi, bắt chim đá bóng thành tiếng Anh, vi tính, học đàn, học hát, võ thuật... tưởng như rất có giá trị. Nhưng chính bản thân họ lại chưa hiểu được ý nghĩa của việc thay đổi trạng thái tâm lý, của sự bồi đắp về thể chất và tái lập lại cảm giác với môi trường tự nhiên sau thời gian các bạn trẻ miệt mài trong phòng ốc với đầy rẫy những con số và cả mớ triết lý. Khi mà chính bản thân họ - những người đang lao động thực sự - đã thèm thuồng từng ngày nghỉ đúp, nghỉ kép để tìm một cảm giác mới lạ ở một bãi biển, khu vui chơi thì lại tự tay tước đi của con cái mình một khoảng thời gian vàng ngọc mà các nhà làm giáo dục đã cân nhắc và sáng tạo nên.

Không phải quá lời khi nói rằng, nhiều người Việt đã không còn tôn trọng những kỳ nghỉ cuối tuần. Từ chỗ không hiểu hết giá trị của nó đến chỗ phí phạm, rẻ rúng và đánh mất nó trong khi vẫn tự hào rằng mình đang có một chiến lược đúng đắn bằng việc bắt con em mình tiếp tục bước vào một cuộc "hành xác" mới. Giới trẻ đang là những người học nhiều nhất, động nhất và ít tĩnh lặng nhất. Sự không ngừng nghỉ ấy một mặt đang bộc lộ tính tích cực trong việc đóng góp nhiều ích lợi cho xã hội nhưng nhìn kỹ và nghĩ kỹ, thấy rằng rất nhiều người đang chất chứa sự quá tải. Họ khủng hoảng trong ý nghĩ khi không có một khoảng lặng để định hướng lại mục tiêu đích thực của đời mình.

Bởi thế, dám mạnh dạn nhìn lại những gì đang là thời thượng, xu thế, chưa bộc lộ mặt trái nhưng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng mới là sự năng động, nhạy bén đích thực của con người trong một xã hội hiện đại. Dám nghĩ đến việc phục hồi những kỳ nghỉ, bồi đắp lại các giá trị nhân văn mới là nền tảng để xây dựng một sự phát triển bền vững và ổn định về mặt tinh thần. Điều đó cũng có nghĩa là giúp thế hệ trẻ sống nhân văn, nhân ái và không mất đi sự vô tư trong sáng của chính bản thân mình.                                                     

Bảo Vy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.