Theo The Hill (Mỹ), Tổng thống Mỹ Biden đã nhậm chức được 6 tuần. Và Seoul đã tổ chức kỷ niệm lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ. Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào Tổng thống Mỹ Joe Biden, không chỉ vì liên minh Seoul-Washington cải thiện mà chính phủ Tổng thống Moon Jae-in còn tin rằng Nhà Trắng sẽ đưa ra chính sách Triều Tiên thuận lợi cho Hàn Quốc.
Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh việc Tổng thống Biden tập trung vào hợp tác với các đồng minh, tận dụng chính sách và chủ nghĩa đa phương. Nhưng đối với Seoul, điều thực sự chứng minh được quan hệ Mỹ-Hàn nâng cao là qua “yếu tố” Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ. Người kế nhiệm ông Moon sẽ lộ diện qua cuộc bầu cử được lên lịch vào tháng 3/2022. Và ưu tiên của Tổng thống Moon Jae-in là cải thiện quan hệ liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc tin rằng nghĩa vụ của ông là đặt nền móng cho quá trình hòa giải liên Triều bền vững. Để hiện thực hóa điều này, việc nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên là không thể thiếu. Nếu lệnh trừng phạt được nới lỏng thì khả năng hình thành các dự án kinh tế quy mô liên Triều mới hiện hữu. Đây cũng là điều Triều Tiên muốn: Phát triển kinh tế. Bình Nhưỡng từng thể hiện rõ rằng các dự án nhân đạo không phải là ưu tiên trong quan hệ với Seoul.
Mỹ nắm giữ chìa khóa cho phép miễn trừ các biện pháp trừng phạt. Nhưng chính quyền Biden vẫn khẳng định việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn là mục tiêu cuối cùng.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ đang cân nhắc cách tiếp cận mang tính thực tế hơn với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gợi ý rằng có thể tận dụng hình mẫu từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran để sử dụng trong đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 còn được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Nòng cốt của JCPOA - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) - là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Nói cách khác, Mỹ và Triều Tiên có thể khởi động thỏa thuận kiểm soát vũ khí với việc Triều Tiên “thu gọn” vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ đề nghị hỗ trợ kinh tế Triều Tiên, trong đó bao gồm nới lỏng lệnh trừng phạt. Đây chính là điều mà chính phủ Tổng thống Moon Jae-in coi như cơ hội để thực hiện quá trình hợp tác kinh tế bền vững với Triều Tiên.
Hàn Quốc còn nỗ lực hợp tác với chính quyền Tổng thống Biden về việc xem xét chính sách Triều Tiên. Seoul lo ngại chính quyền Tổng thống Biden có thể theo đuổi “chiến lược kiên nhẫn 2.0” được áp dụng dưới thời cựu ông chủ Nhà Trắng Barack Obama. “Chiến lược kiên nhẫn 2.0” đã mang lại hiệu ứng ngược khiến Triều Tiên phát triển thêm chương trình hạt nhân của nước này.
Ngoài ra, có khả năng Triều Tiên miễn cưỡng quay trở lại bàn đàm phán trong tương lai gần.
Hàn Quốc thậm chí còn cân nhắc liệu có nên gia nhập “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) để thể hiện cam kết với đồng minh Mỹ đồng thời tác động gián tiếp đến chính sách Triều Tiên của Tổng thống Biden.
Cuối cùng, ngoại giao và đàm phán là phương hướng thực tế duy nhất để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân Triều Tiên. Điều này không đồng nghĩa với việc rút hoàn toàn các lệnh trừng phạt mà có thể là áp dụng tiến trình ngoại giao bền vững bao gồm đối thoại cấp cao, theo từng bước. Hiện tại, Hàn Quốc nhìn nhận rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể đem lại hy vọng rằng Washington sẽ đi theo con đường này.