Ngay sau khi Nga triển khai những hành động quân sự đặc biệt vào Ukraine sáng ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã công bố một số biện pháp trừng phạt mới đối với một số tổ chức kinh tế của Nga.
Trừng phạt vào các ngân hàng lớn nhất
Trong chương trình phát sóng trực tiếp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp mà ông cho rằng sẽ "gây sức ép chi phí nặng nề đối với nền kinh tế Nga, cả trong thời điểm hiện tại và kéo dài theo thời gian". Trong khi làn sóng trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhắm vào các tổ chức tài chính nhỏ hơn, thì đợt này các lệnh trừng phạt lại ảnh hưởng đến hai ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB Bank - cả hai đều thuộc sở hữu nhà nước.
Các lệnh trừng phạt mới sẽ chặn những giao dịch bằng đồng USD của Sberbank, ngân hàng này hiện nắm giữ khoảng một phần ba trong tổng tài sản của ngành ngân hàng tại Nga. Ngân hàng VTB, hiện nắm giữ khoảng 16% tài sản ngân hàng tại Nga, cũng đã bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Các biện pháp ngân hàng của Mỹ cũng nhằm vào ba tổ chức tài chính lớn khác của Nga gồm Otkritie, Novikom và Sovcom cũng như khoảng 90 công ty con thuộc các tổ chức tài chính trên khắp thế giới có liên quan đến những ngân hàng bị trừng phạt.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, 80% các giao dịch ngoại hối hàng ngày của các tổ chức tài chính Nga trị giá 46 tỷ USD (41 tỷ Euro) được thực hiện bằng USD. Bộ này cho biết trong một tuyên bố: "Bằng cách loại bỏ hai ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi việc xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính Mỹ, các tổ chức tài chính Nga sẽ không còn được hưởng lợi từ phạm vi tiếp cận, tính hiệu quả và sự an toàn vượt trội của hệ thống tài chính Mỹ.
Hai ngân hàng lớn nhất tổng cộng chiếm hơn một nửa hệ thống ngân hàng tại Nga tính theo giá trị tài sản”; "Các hành động sẽ ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga”.
Bà Elina Ribakova, Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, chia sẻ với Financial Times rằng việc tấn công các ngân hàng lớn nhất "có thể gây những tác động mang tính hệ thống rất quan trọng đối với Nga".
Vào tối ngày 24/2, các nhà lãnh đạo EU đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) và đưa ra tuyên bố cho biết 27 quốc gia thành viên đồng tình về các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù toàn bộ các biện pháp biện pháp trừng phạt của EU chưa được tiết lộ nhưng sẽ nhằm chặn hai ngân hàng tư nhân lớn của Nga khỏi nguồn tài chính khối này, trong đó có Alfa-Bank là ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Nga.
Nước Anh đã thực hiện các hành động tương tự, áp đặt đóng băng tài sản và loại những ngân hàng Nga khỏi các sàn giao dịch đồng bảng Anh.
Kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp khác
Tổng thống Joe Biden cũng công bố lệnh cấm xuất khẩu đối với những công nghệ quan trọng, trong khi danh sách những biện pháp mới của EU được cho là sẽ ngăn chặn việc bán máy bay và các bộ phận liên quan cho Nga. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác của Mỹ và EU cũng nhắm vào hàng hóa cho quân đội, bao gồm cảm biến, tia laser và những ứng dụng viễn thông khác.
Làn sóng trừng phạt mới của Mỹ sẽ nhắm vào giới tinh hoa Nga cũng như một số đồng minh của nước này là Belarus. Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Bộ đang trừng phạt thêm giới tinh hoa Nga và thành viên gia đình họ, đồng thời áp đặt lệnh cấm mới liên quan đến nợ và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước cũng như tổ chức tài chính tư nhân lớn từ Nga"; "Khả năng huy động vốn là chìa khóa cho các hành động quân sự của Nga".
Nga có bị loại khỏi SWIFT hay không?
Đã có những ý kiến cho rằng Nga có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT- một trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất. Tuy nhiên, các đồng minh dường như đã không sử dụng phương án đó do vấp phải sự phản đối của một số nước châu Âu như Đức.
Tổng thống Joe Biden nhận định về biện pháp trừng phạt liên quan tới SWIFT: "Đó luôn là một lựa chọn nhưng hiện không phải là điều mà phần còn lại của châu Âu mong muốn".
Bà Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành Trung tâm Davis nghiên cứu về Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, chia sẻ với hãng tin DW rằng trừng phạt SWIFT sẽ có "tác động rất nghiêm trọng" đối với Nga. Bà cảnh báo những động thái mạnh nhất đối với Nga cũng sẽ khiến phương Tây tổn thương.
Bà Alexandra Vacroux nói: "Điều đó tất nhiên sẽ tác động xấu đối với châu Âu. Vì nếu họ không thể sử dụng ngân hàng đại lý giao dịch bằng USD để thanh toán khí đốt hay dầu của Nga thì thị trường khí đốt sẽ chịu thiệt hại và khí đốt có thể bị cắt vào mùa đông”.
Bà cho biết: "Tổng thống Putin sẽ không quan tâm tác động kinh tế của cuộc tấn công này là gì, nó sẽ không thể ngăn ông ấy thực hiện những điều đã dự tính"; "Nếu bạn không chiến đấu với ông ấy bằng quân đội thì phải chiến đấu theo cách khác. Tất cả những gì chúng ta có là đòn bẩy kinh tế. Tôi không nói rằng không nên sử dụng chúng, nhưng tôi cho rằng chúng sẽ không ngăn cản được Tổng thống Putin tiếp tục tấn công Ukraine".
Phạm Hà Thanh (theo DW, CNBC)