Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo

Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 7, 09/02/2019 08:30

Mặc dù phải sống một mình, không có sức lao động, thế nhưng rất nhiều người tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo với mục đích nhường cơ hội này cho người xứng đáng hơn.

 

Tết đầu tiên của cụ bà hơn 60 tuổi xin rút khỏi diện hộ nghèo

Tết đầu tiên của cụ bà hơn 60 tuổi xin rút khỏi diện hộ nghèo

Mừng rỡ đón những vị khách đến từ xa vào thăm ngôi nhà tình nghĩa vừa mới xây xong, bà La Thị Tín (SN 1955), trú tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hồ hởi cho hay: “Sống một mình cho đến tuổi này rồi, tôi không nghĩ rằng chính quyền và nhà hảo tâm sẽ xây tặng ngôi nhà mới to đẹp như thế này. Tết năm nay tôi sẽ không phải lo che mưa che gió nữa”.

Cuộc đời của bà Tín vô cùng thăng trầm. Thuở nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em nên bà không được đi học đầy đủ. Không biết chữ, không có nghề nghiệp ổn định, bà sống bằng việc đi làm thuê. Lớn lên, bà kết duyên với một người đàn ông trong xã, thế nhưng 2 vợ chồng mãi chẳng có con.

Gia đình - Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo

Bà Tín trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây.

“Nhà chỉ có 1 sào ruộng được phân, chồng tôi thì ai gọi gì làm nấy, tôi thì ở nhà làm việc vặt, nên cuộc sống vẫn mãi khó khăn như thế. Năm 1995 là năm lần đầu tiên chính quyền địa phương xét duyệt hộ nghèo trên địa bàn, thì gia đình tôi đứng đầu sổ và cho đến nay vẫn chưa thể thoát nghèo được”, bà Tín kể.

Đến năm 2006, chồng bà Tín chẳng may qua đời, để một mình bà sống cô đơn cho đến nay. Cuộc sống người phụ nữ già yếu khổ không đâu kể cho hết, nhà vách đất nên mưa xuống là ngấm nước, gió thổi lạnh buốt. Sức khỏe không có, bà chỉ có thể nuôi mấy con gà bán kiếm gạo sống từng ngày.

“Nhờ chính sách của Nhà nước, gia đình tôi thuộc hộ nghèo nên được chính quyền địa phương rất quan tâm. Năm 2016, một doanh nghiệp về xây tặng cho tôi ngôi nhà này. Đến tháng 7/2018, ngôi nhà hoàn thành cũng là lúc tôi thấy nên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo”, bà Tín nói.

Gia đình - Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo (Hình 2).

Bà Tín viết đơn xin thoát nghèo để nhường cho người khác.

Nghĩ là làm, khi biết đến thời hạn xét duyệt hộ nghèo, nhà của mình tiếp tục được vào danh sách thì bà Tín viết lá đơn xin rút rồi lóc cóc nhờ trưởng bản đưa lên UBND xã để nộp. Một số người hàng xóm khuyên can, bảo với bà là đang phải sống neo đơn, kinh tế chẳng có gì thì cứ để vậy mà hưởng trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng bà Tín lắc đầu, “cái lý” của bà là mình hưởng quá nhiều rồi giờ không nên tham lam nữa.

“Tôi sống từng này tuổi rồi, cũng không ăn được mấy nữa. Cuối cuộc đời tôi có được ngôi nhà tình nghĩa to đẹp thế này là quá mãn nguyện. Giờ nên nhường lại cho những người khác, cho các gia đình khó khăn hơn”, bà Tín giải thích.

Xúc động lá đơn xin thoát nghèo của cụ ông 83 tuổi

Ông Nguyễn Lê Lợi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông cho hay, trong mấy năm gần đây, đồng bào các dân tộc ở đây đã thay đổi nhận thức trong cuộc sống. Không còn cảnh trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

“Cùng với sự vận động của các tổ chức mặt trận, người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, cho rằng đói nghèo là điều đáng hổ thẹn, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Từ chỗ đó, nhiều hộ dân đã có ý thức vươn lên thoát nghèo”, ông Lợi nói.

Gia đình - Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo (Hình 3).

Dù sống neo đơn, cụ Tần vẫn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Đặc biệt, ông Lợi còn nhớ một lá đơn vô cùng xúc động xin thoát hộ nghèo, đó là lá đơn của cụ Lang Văn Tần (SN 1933), trú tại đội 1, bản Liên Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Bởi cụ này được mệnh danh là “người nghèo nhất Lục Dạ”, khi sống một mình trong căn nhà rách nát. Cụ đau ốm liên miên, con cái đi biền biệt, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi mấy trăm nghìn mỗi tháng

Ấy vậy mà, năm 2016, trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2017, cụ Tần đã viết đơn xin được thoát nghèo. Nội dung đơn ghi rõ: “Trong đợt rà soát gia đình tôi không có điểm tính. Thuộc diện hộ khó khăn đặc biệt nhất của bản Liên Sơn nhưng bản thân tôi xét thấy cứ trông chờ vào chính sách này là không thể được. Xác định làm gương cho thế hệ con cháu, luôn cố gắng đừng trông chờ vào Nhà nước đối với chính sách này, cho dù tôi không có khả năng lao động, hiện nay tôi đang sống độc thân nhưng không muốn ở trong danh sách hộ nghèo, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”.

Về lí do xin ra khỏi hộ nghèo, cụ Tần kể rằng mới đây đi dự buổi rà soát hộ nghèo, thấy người thì thắc mắc, người thì so sánh cái này cái kia. Nhiều người còn khỏe mạnh, nhưng cứ tranh nhau hộ nghèo cho bằng được, thậm chí bức xúc chửi bới lẫn nhau.

Nghĩ mình được Nhà nước quan tâm nhiều năm, nên cụ nhờ người viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. “Cứ tranh nhau hộ nghèo, sẽ làm nhụt chí và không còn ý chí để vươn lên. Nên tôi tự nguyện rút khỏi hộ nghèo để làm gương cho con cháu, và giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước”, cụ Tần nói.

Gia đình - Những lá đơn tâm huyết của người già neo đơn xin… thoát nghèo (Hình 4).

Xã Lục Dạ đổi thay từng ngày.

Ông Hà Minh Tuấn, Phó chủ tịch xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết, nhiều năm liền ông Tần thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn cần được cứu trợ của chính quyền các cấp. Do ông Tần tuổi cao sức yếu, mắt kém nên nhờ người khác viết hộ đơn xin thoát nghèo.

“Xã rất trân trọng việc làm đầy ý nghĩa của ông Tần. Việc ông xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để giảm bớt gánh nặng cho xã hội và làm gương cho con cháu là rất đáng quý. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh thực tế của ông, Hội đồng bình xét hộ nghèo của xã vẫn giữ ông lại trong danh sách hộ nghèo và ưu tiên các chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội khác”, ông Tuấn nói.

Trong 3 năm, gần 400 hộ nghèo viết đơn xin thoát nghèo ở huyện Con Cuông

Ông Nguyễn Lê Lợi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông cho biết: “Trong 3 năm từ 2016-2018, toàn huyện Con Cuông đã có 383 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 2-3%/năm. Công tác giám sát và phản biện xã hội phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân”.

Bài cuối: Cuộc "cách mạng" từ trong ý thức thoát nghèo bền vững được đăng tải trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 8h30 ngày 10/2, mời quý vị và các bạn đón đọc.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.