Những lãnh đạo trên thế giới đã thăm Kiev sau khi xung đột xảy ra

Những lãnh đạo trên thế giới đã thăm Kiev sau khi xung đột xảy ra

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 6, 17/06/2022 10:23

Việc tổng thống Joe Biden không đến thăm Ukraine kể từ khi xung đột xảy ra đã thu hút sự chú ý, tuy nhiên đệ nhất phu nhân Mỹ đã đến thăm Kiev vào tháng trước.

4 nhà lãnh đạo của châu Âu đã trở thành những nguyên thủ quốc gia mới nhất đến thăm Ukraine kể từ khi xung đột xảy ra tại quốc gia này hồi cuối tháng 2. 

Nỗ lực trở thành thành viên của EU

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã đến Kiev hôm 16/6. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nước này nỗ lực thúc đẩy việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi hỗ trợ để có thêm vũ khí chống lại các lực lượng phía Nga.

Tổng thống Pháp Macron cho biết sau cuộc họp chung với Tổng thống Ukraine Zelensky: ”Cả 4 chúng tôi đều ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU”.

Trước đây, ông Zelensky đã lên tiếng chỉ trích Pháp, Đức và Italy vì đã kiềm chế trong việc ủng hộ Ukraine. Ông cũng từng cáo buộc Tổng thống Macron đã cố gắng "vô ích" để đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuyến thăm mới đây của 4 nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra khi Ủy ban châu Âu (EC) cân nhắc sớm nhất trong tuần này liệu có chính thức trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU hay không. Để thực hiện hóa điều này cần được sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. 

Các ứng cử viên EU thường mất nhiều năm cho việc hoàn thành quá trình lâu dài và phức tạp nhằm đạt được các tiêu chuẩn của liên minh, thông qua cải cách sâu rộng trong một số lĩnh vực chính sách. Những cải cách đó thường đòi hỏi sự thay đổi về kinh tế và tài chính để quốc gia đủ sức cạnh tranh trong EU và cuối cùng hướng tới sử dụng đồng Euro.

Theo tạp chí Time, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến ​​sẽ ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Kiev sẽ mất nhiều năm để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của khối.

Thế giới - Những lãnh đạo trên thế giới đã thăm Kiev sau khi xung đột xảy ra

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (từ trái sang phải) trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp của họ tại Kiev vào ngày 16/6/2022. Ảnh: AFP.

Những chuyến thăm từ khi bắt đầu cuộc xung đột

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Trong chuyến thăm mới nhất vào tuần này, Tổng thống Macron hứa Pháp sẽ gửi thêm 6 khẩu pháo gắn trên xe tải. Ông Macron gần đây đã bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được tư cách ứng cử viên EU. Ông nói:  “Tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng và tích cực, nhưng chúng tôi phải đạt được sự nhất trí giữa các thành viên EU”. Ông cho biết thêm: “Chính bối cảnh xung đột đã khiến chúng tôi cân nhắc động thái này (trao tư cách ứng cử viên EU)”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Thủ tướng Scholz đã thẳng thắn ủng hộ việc trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine. Ông viết trên Twitter hôm 16/6: “Chúng tôi đến #Kyiv hôm nay với một thông điệp rõ ràng: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Đức muốn có một quyết định tích cực có lợi cho Ukraine với tư cách là quốc gia ứng cử viên #EU”.

Vào tháng 5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố: “Ukraine là một phần không thể tách rời của châu Âu. Tôi mong rằng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời mạnh mẽ và mang tính thuyết phục cho mong muốn gia nhập của Ukraine, cho dù không thể có con đường tắt nào trong tiến trình hướng tới trở thành thành viên EU thực sự”.

Thủ tướng Italy Mario Draghi

Thủ tướng Mario Draghi mới đây đã cho biết: "Thông điệp lớn nhất mà chúng tôi muốn gửi trong chuyến đi này là Italy muốn Ukraine gia nhập EU. Italy, Pháp và Đức ở đây là để hỗ trợ cho Ukraine vô điều kiện".

Các nhà lãnh đạo khác

Hôm 15/3, thủ tướng của Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia là những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đã đến thăm Ukraine sau khi xảy ra cuộc xung đột. Các tổng thống từ Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan cũng đã đến thăm Kiev vào ngày 13/4, gặp gỡ Tổng thống Zelensky để kêu gọi sự ủng hộ quân sự từ cộng đồng quốc tế và chỉ trích Nga.

Hồi tháng 4 vừa qua, thủ tướng Anh Boris Johnson đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, hứa hẹn cung cấp thêm viện trợ quân sự. Ngay sau chuyến thăm, ông viết trên Twitter: “Anh sẽ gửi thêm vũ khí phòng thủ tới Ukraine và sẽ làm việc với các đối tác G7 để nhắm mục tiêu vào mọi trụ cột nền kinh tế Nga, khiến Tổng thống Putin thất bại”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến thăm Ukraine vào ngày 8/5 để thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự từ cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Trudeau cho biết Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và người dân nước này khi xung đột tiếp diễn.

Thế giới - Những lãnh đạo trên thế giới đã thăm Kiev sau khi xung đột xảy ra (Hình 2).

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (phải) tham dự một cuộc họp báo tại Kiev, Ukraine ngày 9/4/2022. Ảnh: Văn phòng Báo chí của Tổng thống Ukraine.

Việc tổng thống Mỹ Joe Biden không đến thăm Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột đã thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, vào tháng trước, đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev. 

Mỹ, Anh, EU và một số quốc gia khác đã phản ứng trước các hành động quân sự của Nga tại Ukraine bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nhiều cá nhân và công ty nước này. Hôm 15/6, Mỹ thông báo sẽ gửi thêm 1 tỷ  USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Phạm Hà Thanh (theo Time, RFE)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.