Những 'lâu đài đất cổ' miền biên viễn

Những 'lâu đài đất cổ' miền biên viễn

Thứ 3, 22/01/2013 08:13

Xã Hữu Khánh (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) vẫn còn lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà trình tường bằng đất sét có niên đại hàng trăm năm. Người dân nơi đây vẫn thường quen gọi với những cái tên đầy hoa mỹ: "Xứ sở của những tòa lâu đài đất", "cao ốc trình tường", "phố nhà trình tường"... Thực hư, nó rất khác, lạ và có gì đó "bí ẩn" với người miền xuôi.

Xây nhà tầng bằng... đất

Chúng tôi đến huyện Lộc Bình vào một buổi sáng, sương sớm dưới chân núi Mẫu Sơn vẫn chưa kịp tan hết, vào đến xã Hữu Khánh khi bếp của bà con dân tộc Tày đã đỏ lửa để chuẩn bị ngày mới. Một dãy nhà trình tường độc đáo kéo hết con đường dài giống như những toa tàu thi nhau nhả khói cuồn cuồn bên xó núi.

Chúng tôi vào bản Kiểng tìm đến nhà trình tường cổ của ông Hà Văn Dẩn. Năm nay, ông đãä ngoài 80 tuổi, nhưng trông vẫn rất khoẻ mạnh. Khi được hỏi về kiến trúc nhà trình tường, mắt ông sáng lên. Ông là người đã từng đi khắp cả vùng Đông Bắc để dựng nhà trình tường cho các quan lang (thời phong kiến thực dân) ngày xưa. Hiện nay, ông cũng là một trong số rất ít người còn nắm được bí quyết dựng nhà trình tường của dân tộc Tày.

Ông Dẩn cho hay, việc làm nhà tường trình đòi hỏi những kỹ thuật vô cùng tỷ mẩn, công phu từ việc chọn hướng nhà, xem ngày, làm móng, dựng tường, làm gác, dựng mái... Người Tày cũng chọn hướng nhà theo phong thủy giống như người Kinh. Thông thường, họ chọn hướng mặt tiền về phía Nam, lưng dựa dãy núi hoặc mặt tiền hướng ra sông hồ. Theo kinh nghiệm dân gian, nhà được dựng ở vùng đất bằng phẳng, khô cứng, cạnh đó có rừng già, nhiều cây cổ thụ sẽ giúp cho đất ít bị sạt lở, xói mòn nên nhà sẽ rất chắc chắn.

Sau khi chọn ngày, giờ, chọn mặt bằng là đến công đoạn quan trọng nhất, dựng móng nhà. Móng nhà sẽ quyết định sự "sống còn" của căn nhà. Người dân tộc Tày thường dùng đá để xếp (xây - PV) móng. Điều đặc biệt trong cách dựng nhà trình tường của người dân tộc Tày nơi đây chính là những móng nhà, không đào xuống đất mà móng xếp trên mặt đất. Để có được những móng đẹp, những người thợ phải xuống bờ suối chọn những hòn đá cuội to, tròn, đều nhau để khi xếp chồng lên nhau sẽ tạo thành một móng nhà vững chãi.

Lạ & Cười - Những 'lâu đài đất cổ' miền biên viễn

Người dân tộc Tày có hai cách dựng nhà trình tường. Cách thứ nhất là trình tường trực tiếp bằng đất. Trên nền móng đã được chuẩn bị sẵn, họ chọn loại đất sét có độ kết dính cao để đóng tường. Đưa đất đã chọn đổ vào khuôn gỗ ván được làm bằng khuôn đóng sẵn, rồi cầm chày gỗ, giã đến khi nào đất kết dính chặt lại với nhau. Hết lượt tầng thứ nhất tiếp lượt tầng thứ hai, thứ ba, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40cm. Thông thường, mỗi ngôi nhà đóng khoảng 7 lượt tầng ván khuôn là đủ. Đây là cách thông dụng nhất, bởi nó được kết dính với nhau bằng việc giã trực tiếp đất mới trên dãy trình tường cũ đã đóng xong.

Cách thứ hai là dùng khuôn đúc những viên gạch đất sét với kích thước gấp đôi hoặc gấp ba lần viên gạch "ba - banh". Đóng xong gạch đất, để phơi trong thời gian khoảng một tuần mới được đem dựng trình tường. Tiếp theo, xếp gạch chồng lên như cách xây nhà gạch, chỉ khác là những những viên đất ấy sẽ được trát bằng đất. Cách này đơn giản, dễ làm hơn, nhưng lại không chắc bằng cách thứ nhất, bởi nó được gắn bằng những viên gạch rời.

Trình tường nhà đạt yêu cầu thường dày 40 - 45cm, cao khoảng 4,5 - 5m, trong lõi có xếp đá cục. Trình xong tường xung quanh, họ lấy gỗ lim, sến, pơ mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. Có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa thông gió bên trái hoặc phải của lối đi. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của chủ gia đình. Mỗi ngôi nhà rộng 60 - 80m2, có mái dốc ngắn, bốn mái lợp bằng ngói âm dương. 

Dựng ngôi nhà trình tường hai tầng, yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Việc xếp đá làm móng phải thật tỷ mỉ, khép và khít. Người dân tộc thường dùng một thanh ống tre bổ đôi đặt lên trên mặt bằng móng, sau đó đổ nước xem có bị nghiêng không. Khi nước chảy đều về hai bên tức là móng đã đạt chuẩn, nếu nước chảy nghiêng về một bên thì sẽ phải xếp lại móng. Việc trình tường còn đòi hỏi cao hơn về độ bằng phẳng, độ nghiêng và độ chắc chắn. Mỗi một lượt đóng khuôn đòi hỏi phải làm cho các hàng khuôn bằng nhau để tránh hiện tượng bị nghiêng. Chỉ cần tường bị nghiêng một chút thì sẽ phải phá đi làm lại hoàn toàn. Vì vậy, việc làm nhà trình tường hết sức công phu và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, nếu không nhà sẽ đổ bất cứ lúc nào.

Theo kinh nghiệm của dân tộc Tày, nhà trình có tường tốt, tức là khi bị mưa hắt sẽ không ngấm nước. Điều đó chứng tỏ việc nện đất đã rất cẩn thận và lâu dài, nước mưa cũng không thể thấm vào khối đất được luyện từ ti tỉ những hạt đất nhỏ.

Nhà trình tường vững chãi không khác gì những nhà xây hiện đại, có thể chống được gió bão, mùa đông thì ấm, lại thoáng mát về mùa hè. Người dân tộc Tày có thói quen dành một gian nhà sàn để làm bếp, trên gác bếp là nơi để sấy nông sản. Bếp lửa của họ ít khi tắt lửa, vì vậy, khói bốc lên bám vào trình tường tạo thành một màu rêu phong cổ kính cho nhà trình tường.

"Cuộc chiến" giữa nhà ngói và nhà trình tường

Xã Hữu Khánh còn tới 7 bản và gần 1.000 ngôi nhà trình tường còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, dãy nhà trình tường cổ kính kéo dài đến gần 3km cũng đã lỗ chỗ mọc lên vài ngôi nhà xây. Nhà trình tường đang dần biến mất.

Ông Hoàng Dư Quý (thôn Khe Mò, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết, ngày trước tổ tiên của ông cũng đã từng sống tại xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình. Khi di cư đi các vùng khác, tổ tiên ông cũng còn biết được kinh nghiệm dựng nhà trình tường. Ông là người đã từng chuyển nhà rất nhiều lần. Lần nào, ông cũng dựng nhà trình tường để ở. Ông bảo, sống trong ngôi nhà trình tường rất dễ chịu vì đã quen với mùi của tường đất nên cơ thể khỏe mạnh, không hay ốm yếu. Hiện, ông vẫn sống ở ngôi nhà trình tường cổ.

Ông Quý cho rằng, việc người dân đua nhau xây những ngôi nhà tường bằng xi măng đã vô tình phá nhà trình tường hàng trăm tuổi. Nhiều nơi trong tỉnh Lạng Sơn có nhà trình tường như các xã Bính Xã, Kiên Mộc, Bắc Xa, Đình Lập (huyện Đình Lập), Xuất Lễ (huyện Cao Lộc)... đã bị phá đi rất nhiều do sự phát triển của xã hội, mức sống của người dân được nâng cao. Có nhiều xã đã không còn nhà trình tường nữa, họ bàn nhau làm nhà xây giống như trên phố huyện. Nhà xây thì liên tục mọc lên, trong khi ngôi nhà trình tường xây gần nhất cũng từ năm 1979.

"Có dịp về thăm lại quê cũ, tôi cảm thấy buồn vì hàng trăm ngôi nhà trình tường cổ ngày xưa đã biến mất. Những ngôi nhà xây có khang trang hơn thật nhưng nó lại đang làm "nghèo hóa" nhà trình tường. Cái danh hiệu "xứ sở lâu đài đất" mà người ta đặt cho xã Hữu Khánh cũng dần mai một. Nếu không có sự bảo vệ kịp thời, những ngôi nhà trình tường cổ ở đây, sẽ bị chìm vào quên lãng", ông Quý tâm sự.

Anh Hoàng, một người dân bản địa cho hay: "Ngày trước, tôi có dựng một ngôi nhà trình tường. Được mấy năm, nhà bị đổ do rừng núi không còn cây cối nên đất nền bị sạt lở, rửa trôi, dựng nhà cũng không được chắc như ngày xưa nữa. Dân bản đã chuyển sang xây nhà gạch cả rồi".

Rời Hữu Khánh, trời về tối, phố trình tường đã khuất dần sau những dãy núi xa xa, nhưng chúng tôi vẫn bị ám ảnh với những nỗi niềm hoài cổ của một cụ già: "Nếu một buổi sớm mai thức dậy, không còn nhìn thấy những làn khói nghi ngút bốc lên từ mái ngói âm dương của những ngôi nhà trình tường nữa thì chắc hẳn sẽ buồn lắm...".

 Cần được bảo tồn

Ông Nông Văn Nhói (trưởng bản Kiểng) tâm sự: "Nhà trình tường đã có hàng bao đời nay, là nét văn hóa đặc trưng của người Tày ở khu vực này. Bây giờ, những ngôi nhà xây khang trang đang dần thay thế những ngôi nhà trình tường. Cách đây vài năm, tôi nghe nói các cơ quan chức năng của Lạng Sơn từng về triển khai một dự án về bảo tồn nhà trình tường cổ ở Hữu Khánh để phục vụ du lịch. Dân làng mừng lắm, nhưng cuối cùng chỉ thấy vài ba cán bộ về khảo sát rồi bặt vô âm tín...".

Hoàng Thế Tào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.