“Những ngày đầu tiếp xúc với nhưng di vật là những trang thư, những trang nhật ký của liệt sĩ, tôi luôn bị ám ảnh đến mất ngủ, vì luôn luôn tưởng tượng có những người lính đứng cạnh mình, quan sát mình làm việc và đang trò chuyện với mình…”, Đái tá Đặng Vương Hưng trải lòng.
Vào những ngày lễ như Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc Khánh 2/9, Đại tá Đặng Vương Hưng lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về cuộc chiến của mình đã tham gia tại chiến trường biên giới phía Bắc, những năm 1979 – 1989.
“Mùng 2/9, như những ngày lễ khác tôi dành thời gian đi thăm những người đồng đội, những người như chúng tôi cầm súng giành độc lập dân tộc. Hoặc đến ngày kỷ niệm “Giỗ trận” của mỗi đơn vị, những người lính trong chiến tranh biên giới phía Bắc như tôi, lại trở về thăm chiến trường xưa. Và đặc biệt, tổ chức các buổi gặp mặt “Trái tim người lính”, mọi người ôm nhau khóc, kể nhau nghe những chuyện sống chết tại chiến trường”, Đại tá Hưng trải lòng.
Hàng ngàn liệt sĩ tại Biên giới phía Bắc vẫn chưa tìm được hài cốt
Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó, những ký ức vẫn chẳng thế phai nhoà trong tâm trí nhà văn Đặng Vương Hưng. Ông kể rằng, những năm ấy ngỡ rằng đất nước đã thống nhất thì sẽ bình yên, thế nhưng chẳng ai biết trước chữ ngờ, bộ đội ta vẫn phải tiếp tục cầm súng, vẫn phải hy sinh, đổ máu rất nhiều.
“Tuổi trẻ của tôi gắn liền với biên giới Lạng Sơn, với cái đói – rét - rách. Tôi vẫn nói với mọi người rằng: Tuổi 20 là độ tuổi đẹp nhất đời người, lẽ ra chúng tôi được đi học, được yêu đương, được hưởng thụ cuộc sống, thế nhưng bộ đội chúng tôi lại gắn liền tuổi 20 với rừng xanh biên giới, với sự sống và cái chết cận kề”, Đại tá Hưng chia sẻ.
Những trận chiến khốc liệt, đẫm máu giữa ta và địch giằng co từng điểm cao. Như tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), tại Tràng Định (Lạng Sơn) những năm 1984 – 1987, đã có hàng vạn người hy sinh và bị thương.Đến nay, vẫn cònhàng nghìnliệt sĩ chưa tìm được hài cốt.“Cuộc chiến đã kết thúc hơn mấy chục năm rồi nhưng vẫn còn tới hàng nghìn anh em đã ngã xuống nằm dưới khe núi, đất đá vùi lên. Đến thời điểm hiện tại, mìn và đạn pháo chưa nổ vẫn dày đặc ở đó, nên chưa tìm được hài cốt các anh. Những ngày này, lòng chúng tôi luôn nặng trĩu những nỗi đau, hàng nghìn người lính đã hy sinh chỉ cách Thủ đô Hà Nội vài trăm km nhưng vẫn chưa đưa được tất cả các anh về nghĩa trang nơi quê nhà”, nhà văn Đặng Vương Hưng xúc động.
Sưu tầm thư và nhật ký là trách nhiệm với đồng đội
Gần 20 năm làm công việc sưu tầm liệu chiến tranhvà xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam, người cựu chiến binh tự thấy mình có duyên với công việc này. Bắt đầu từ việc ônglà người trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến tranh biên giới bên phía Bắc, sau đó đã nhiều năm làm báo và làm công việc xuất bản sách trong lực lượng vũ trang.
Trong quá trình thực hiện những bài viết về tư liệu, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận thấy những bài viết đó đã thu hút lượng bạn đọc rất lớn và nhận được sự quan tâm của dư luận, cộng đồng xã hội. “Và tôi thấy là mình phải có trách nhiệm trong việc sưu tầm xuất bản tư liệu chiến tranh, đặc biệt là bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Mấy năm gần đây, còn thêm cả tủ sách mang tên Trái tim người lính.Có rất nhiều những câu chuyện xúc động xung quanh tư liệu, xung quanh những nhân vật của tủ sách này. Lý do rất đơn giản thôi: Hầu hết các tác giả của tủ sách này là những Liệt sĩ, là Thương binh, là Cựu chiến binh và hiện nay là thân nhân, con cháu của họ. Bởi thế mà những tư liệu, những kỷ vật họ cung cấp cho tôi, gia đình họ gửi cho tôi thì không đơn giản là các kỷ vật mà thực sự đó là các di vật”, Đại tá Đặng Vương Hưng cho biết.
Ông nói tiếp trong nghẹn ngào, đó là những gì còn lại của những người đã mất, vậy nên rất nhiều những lá thư, những trang nhật ký, những tấm ảnh đã cũ kỹ, ố vàng, nhòe mờ nhuốm màu thời gian mấy chục năm, chúng rất quý giá. Chúng ta hãy hình dung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kể cả trong chiến tranh bảo vệ biên giới, có rất nhiều người lính vì gia đình nghèo, khi ra trận họ không có điều kiện để chụp một bức ảnh. Khi biết người thân của mình hy sinh, gia đình đã dùng những bức thư, những trang sổ tay nhật ký, để lên bàn thờ thay di ảnh. Vậy nên, chúng thiêng liêng vô cùng!
“Còn nhớ, những ngày đầu tiếp xúc với nhưng di vật là những trang thư, những trang nhật ký của liệt sĩ, tôi luôn bị ám ảnh đến mất ngủ, vì luôn luôn tưởng tượng có những người lính đứng cạnh mình, quan sát mình làm việc và đang trò chuyện với mình. Cho nên, tôi vẫn nói với bạn bè là:Càng làm càng thấy mình mang nợ nhiều và có lẽ đây là món nợ tình cảm không bao giờ trả hết được”, nhà văn Đặng Vương Hưng trải lòng.
Mong nhận được sự quan tâm hơn của cộng đồng xã hội!
Những lá thư, sổ tay nhật ký đang nằm trong các bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân và đặc biệt là trong các gia đình cựu chiến binh. Tất cả những cuốn sách do nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong gần 20 năm qua, đều tự lực và phải kêu gọi kinh phí xã hội hoá. Một bộ sách như Nhật ký thời chiến Việt Nam bao gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang, cần chi phí hàng trăm triệu đồng.
Nhưng nhóm xuất bản của tổ chức Trái tim người lính không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là làm quà tặng tri ân. Theo vị đại tá, đây là dự án phi lợi nhuận, nên các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo, các bạn trẻ nào cần đọc nội dung, hãy kết nối vào trang Facebook Trái tim người lính, nhóm sẽ gửi tặng miễn phí bản PDF nội dung một số cuốn sách đã xuất bản, trong điều kiện cho phép.
Một số lượng sách hạn chế sẽ phát hành để lấy tiền in. Ước mơ của Đại tá Hưng là giá như có sự quan tâm từ Nhà nước, haynhà tài trợ lo giúp về kinh phí, để tiếp tục sưu tầm, biên soạn và xuất bản những cuốn sách tiếp theo. “Đó là chưa kể đến việc rất nhiều gia đình Liệt sĩ đã gửi cho chúng tôi những lá thư đi kèm giấy báo tử, di ảnh để mong chúng tôi tìm được mộ cho thân nhân của họ.Trong khi việc đi tìm mộ Liệt sĩ có cả một hệ thống, phải nhiều người vào cuộc, phải có kinh phí, sức lực và thời gian. Đấy cũng là điều tôi cảm thấy tiếc nuối, như còn mắc nợ với các gia đình Liệt sĩ”, vị đại tá ước nguyện.
Đại tá Đặng Vương Hưng (SN 1958, tại Bắc Giang), ông là một nhà văn mặc áo lính hơn 40 năm. Ông từng học Đại học Báo chí Tuyên huấn (khóa VI), Đại học Viết văn Nguyễn Du (Khoá III). Là Cử nhân Luật tổng hợp, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội...
Đại tá Đặng Vương Hưng chính là người sáng lập, tổ chức điều hành và Chủ nhiệm đầu tiên của các website: www.lucbat.vn và nhóm Facebook Lục bát Việt Nam, Diễn đàn Trái tim người lính... Là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, ông cũng là người khởi xướng, đề xuất và trực tiếp tham gia tổ chức Ngày hội Lục Bát thường niên.
Lê Liên – Đỗ Chang