Sau khi cho con đi khám, vẻ mặt chị Mai (Khương Đình, Hà Nội) không giấu được niềm vui khi biết khối u ở lưng - gáy của con đã tự xẹp đi mà không cần can thiệp.
Chị Mai kể, lúc mới sinh con gái chị hoàn toàn bình thường, nhưng 1 tuần sau chị phát hiện một vết bầm tím ở vùng lưng - gáy. Lúc đầu chị tưởng là vết bầm thông thường, nhưng không ngờ 3 - 4 tuần sau vết bầm lan rộng, nổi gồ lên khỏi mặt da.
Thấy u lớn nhanh, lúc bé gần 3 tháng tuổi, gia đình chị đưa con đến khám tại một bệnh viện trung ương. Ở đây, khối u của con chị được bác sĩ chẩn đoán là “u máu” và cho chỉ định phẫu thuật ngay. Hoang mang, lo lắng vì con còn quá bé mà phải phẫu thuật, gia đình tìm hiểu và tiếp tục đưa cháu bé đến khám tại bệnh viện.
Đọc thêm: Đường đi của những tờ tiền mang vi khuẩn gây hại
U máu ở con chị Mai lúc 3 tháng tuổi và thoái lui dần khi đến 10 tháng tuổi.
"Tôi hoàn toàn bất ngờ khi bác sĩ giải thích khối u của con tôi có thể tự mất đi mà không cần can thiệp. Lại được bác sĩ cho xem thêm các hình ảnh tương tự như con mình đã khỏi càng làm vợ chồng tôi an tâm hơn", chị Mai vui mừng kể lại.
Giờ đây, con gái được 10 tháng tuổi, chị đưa bé đến khám lại theo hẹn và vui mừng khi thấy khối u của con mình đã xẹp đi rất nhiều so với trước.
Tương tự, anh Kiên (Hải phòng) cũng dẫn con trai 2 tuổi đến khám lại. Người cha này cho biết, con trai anh bị bệnh u mạch máu vùng gáy và mang tai từ lúc 1 tuần tuổi. Khối u lớn nhanh nên gia đình đưa cháu đi khám và chữa trị ở một bệnh viện trên Hà Nội. Bác sĩ kê đơn thuốc tiêm nhưng tiêm đến 6 tháng mà khối u của con anh cũng không đỡ và sau đó bác sĩ lại tiếp tục kê đơn vài tháng nữa.
Quá hoang mang vì điều trị tốn kém cả trăm triệu mà bệnh tình con không đỡ, lại xót con còi cọc, anh chị đưa con đi Xanh Pôn để khám lại. Ở đây, anh được bác sĩ giải thích cặn kẽ về bệnh tình của con mình và khuyên nên dừng thuốc. Quả nhiên một năm sau quay lại kiểm tra, khối u của con anh đã giảm đi khoảng 70%.
> Đọc thêm: Cận cảnh 'hùm xám phòng the' đầy lông lá của Việt Nam
U máu và dị dạng mạch máu dễ bị nhầm lẫn
"Sau bao tháng trời chạy chữa không có kết quả và giờ sau khi dừng thuốc thì khối u lại tự xẹp. Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn buồn vì đã 2 tuổi mà con trai tôi đi lại vẫn khó khăn, không phát triển bình thường như các bé khác. Không biết có phải do cháu dùng thuốc quá lâu không", anh Kiên chia sẻ.
Tiến sĩ Đỗ Đình Thuận - giảng viên Bộ môn Phẫu Thuật tạo hình, trường Đại học Y Hà Nội, người nhiều năm nghiên cứu và điều trị các u mạch máu của trẻ em, cho biết, một thời gian dài trước đây các bác sĩ thường gộp chung các bệnh lý bất thường mạch máu thành một tên gọi chung là “u máu”, “bướu máu”, hay “u huyết quản”.
Theo bác sĩ Thuận thì từ đầu những năm 80, các nhà khoa học Mỹ đã có nhiều đóng góp mới trong sự hiểu biết về các bất thường mạch máu, trong đó có việc đưa ra một sự phân loại và cách gọi tên mới cho các loại tổn thương này. Về sau, sự phân loại này được bổ sung bởi Hiệp hội quốc tế nghiên cứu về các bất thường mạch máu (ISSVA) và đã được chấp nhận rộng rãi trên y văn thế giới. Theo đó, các bất thường mạch máu được phân chia thành 2 nhóm hoàn toàn khác nhau về chẩn đoán, tiên lượng và điều trị, bao gồm các u mạch máu và các dị dạng mạch máu.
U mạch máu ở bàn tay trẻ
Các u mạch máu là loại tổn thương chiếm đại đa số trong các bất thường mạch máu. Đó là những khối u thực sự do tăng sinh tạm thời của các tế bào nội mô mạch máu, thường xuất hiện trong tháng đầu sau sinh, phát triển nhanh trong những tháng đầu đời, sau đó dừng phát triển và tự thoái lui qua nhiều năm. Biểu hiện ban đầu bằng các vết đỏ giống như muỗi đốt, vết xước, vết nhạt màu hoặc vết bầm tím... khiến cha mẹ rất dễ nhầm lẫn và thường bị bỏ qua. Một vài tuần sau, u mạch máu tăng nhanh kích thước và đậm màu hơn, sau đó đi vào giai đoạn ổn định rồi có thể tự biến mất trong vòng vài năm.
Còn các dị dạng mạch máu là những bất thường về cấu trúc hình thể của các mạch máu chứ không phải là khối u thực sự (không có sự tăng sản tế bào), thường xuất hiện từ lúc sinh, lớn lên tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng của trẻ và không tự thoái lui.
Vì sự phức tạp của các bệnh lý bất thường mạch máu mà hiện nay nhiều bác sĩ vẫn còn nhầm lẫn giữa hai loại trên và vẫn áp dụng các biện pháp điều trị cũ. Thêm vào đó, sự hiểu biết về đặc tính thoái lui tự nhiên của các u mạch máu trẻ em vẫn chưa đến được với đông đảo các bác sĩ và người dân nên nhiều người vẫn không biết đây là một bệnh rất lành tính.
> Đọc thêm: Cận cảnh giòi làm ổ, ăn thịt sống dưới da người
"Do đó, khi bệnh nhân đến đây, chúng tôi phải giải thích rõ cho các bố mẹ trẻ về đặc điểm tiến triển của bệnh, cho xem các hình ảnh thoái lui tự nhiên của các trường hợp giống con họ. Ban đầu bệnh nhân vẫn chưa tin mà chỉ giải tỏa được một phần lo lắng. Vài tháng sau đó khi nhìn thấy khối u của chính con mình bắt đầu nhạt màu và nhỏ dần thì họ mới dám tin u mạch máu tự mất đi", bác sĩ Thuận cho biết.
Nhiều trường hợp u mạch máu tăng sinh và biến mất rất nhanh. Trong ảnh u mạch máu vùng bàn tay bé trong giai đoạn tăng sinh lúc trẻ 2 tháng tuổi, có dấu hiệu thoái lui vào 4 tháng tuổi và gần như không còn dấu vết khi được 15 tháng tuổi.
Bác sĩ Thuận cho biết khoảng 80% đến 90 % các u mạch máu của trẻ em không cần bất cứ sự can thiệp gì. Chỉ một số ít còn lại có thể cân nhắc can thiệp điều trị nếu khối u đe dọa đến sự sống, chức năng hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ nặng.
Trong công trình nghiên cứu của mình, bác sĩ Thuận đã chứng minh được đặc tính thoái lui tự nhiên của các u mạch máu ở trẻ em Việt Nam. Theo đó, có không ít trường hợp khối u thoái lui và biến mất rất nhanh chỉ trong vòng 1-3 năm. Tất cả các u mạch máu của trẻ em đều thoái lui, trong đó 51,6% các khối u biến mất hầu như không còn dấu vết và 45,2% các khối u thoái lui còn ít dấu vết không đáng kể khi trẻ lên 4 tuổi.
"Việc xử lý thích hợp các u mạch máu của trẻ em, trước hết và quan trọng nhất, phụ thuộc vào một sự chẩn đoán chính xác (phân biệt u mạch máu trẻ em với dị dạng mạch máu và các tổn thương hiếm gặp khác), sau đó phải tính đến đặc tính tự thoái lui rất đặc biệt của loại tổn thương này.
Tất cả các phương pháp điều trị đều tiềm ẩn các nguy cơ, đặc biệt cho những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên việc điều trị cần được cân nhắc thận trọng. Một khi được chỉ định, việc điều trị các u mạch máu cũng thường nên mang tính chất bảo tồn, nhằm giải quyết hợp lý các vấn đề về sự sống, chức năng, thẩm mỹ cho trẻ nhưng cũng phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng có hại của sự điều trị", bác sĩ Thuận nhấn mạnh.
NPV ( t/h)