Thủy ngân là một nguyên tố tự nhiên được tìm thấy trong đất, nước và không khí. Mặc dù một lượng nhỏ trong thực phẩm có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng quá nhiều có thể gây ngộ độc.
Nhiễm độc thủy ngân có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh. Một số vấn đề và triệu chứng bao gồm: Vấn đề về trí nhớ, run cơ, lo lắng, khó chịu và trầm cảm; mất ngủ, đau đầu, mất thị lực, nói kém, yếu cơ...
Việc hấp thụ thủy ngân đặc biệt nguy hiểm trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh, khi độ nhạy cảm với các tác động của thủy ngân tăng lên. Mức độ cao của thủy ngân trong thai kỳ có thể gây ra thai chết lưu, dị dạng sọ mặt, dị tật ống thần kinh, tổn thương não và bại não ở trẻ.
Đáng chú ý, cá và động vật có vỏ hấp thụ và tích tụ thủy ngân, và khi những con cá lớn hơn ăn những con cá nhỏ có chứa thủy ngân, nó có xu hướng tích tụ trong cơ thể chúng.
Rất nhiều trường hợp bị phơi nhiễm thủy ngân do ăn các loại cá "ngậm" thủy ngân, có hàm lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng cho phép.
Theo thời gian, thủy ngân sẽ gây ra độc tính rất cao và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó bạn nên hạn chế ăn những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao dưới đây:
Cá tráp cam (Orange Roughy): Cá tráp cam là cá có vẻ ngoài sần sùi màu cam và có thể sống đến 150 tuổi. Vì chúng sống lâu nên càng có nguy cơ ngậm thủy ngân nhiều. Do đó bạn nên tránh loại cá này đặc biệt không nên cho trẻ nhỏ ăn.
Cá rô phi đại dương: Khác với cá rô đồng, cá rô đại dương lại bị Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp vào những loại cá dễ bị nhiễm thủy ngân nhất do sống ở tầng đáy biển, 80% thủy ngân ở tầng nước trên đã bị phá hủy bởi ánh sáng mặt trời.
Bên cạnh đó, chúng còn là loài ăn tạp nên rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống trong môi trường nước. Khi ăn những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá rô đại dương, các loại độc tố sẽ dần tích tụ trong cơ thể con người. Việc tiêu thụ lâu dài có thể gây nguy cơ ngộ độc thủy ngân, gây tổn thương niêm mạc miệng, răng và làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thận nghiêm trọng.
Cá trê: Đặc tính của cá trê là ăn tạp, ăn bẩn sống được ở những nơi rất bẩn. Thế nên cá trê có nguy cơ nhiễm bẩn cao. Chúng có thể ngậm thủy ngân, chì và nhiều ký sinh trùng khác. Bởi vậy nên hạn chế ăn cá trê, khi ăn đặc biệt phải chế biến kỹ.
Cá mập: Dân gian tin dùng vi cá mập có tác dụng cải thiện khả năng tình dục, tăng cường sản sinh collagen tốt cho da và tóc, góp phần làm trẻ hóa, tăng năng lượng, bổ máu và có lợi cho xương khớp, hệ tim mạch, thần kinh, thậm chí phòng chống ung thư.
Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định đến nay chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu nào công bố chính thức và cụ thể về công dụng của vi cá mập liên quan đến sức khỏe. Trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo các loài cá to sống lâu năm ở đại dương như cá mập chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể gây ngộ độc cho người dùng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú và trẻ em cần tránh ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao này.
Minh Hoa (t/h)