Trong một tình huống giả định, Trái đất phải chịu một sự kiện thảm khốc lớn, sự sống của con người bị xóa sổ và chỉ còn lại một số ít loài sinh vật. Vậy những loài nào có thể sống sót trong trường hợp thảm họa như vậy xảy ra?. Dưới đây là 5 động vật có khả năng sống sót cao được Nhà động vật học Eleanor Higgs, tốt nghiệp Đại học Reading, Anh, đề xuất.
Gấu nước
Đứng đầu trong danh sách là gấu nước - một sinh vật tí hon. Gấu nước được biết đến là có thể sống sót trong hầu hết mọi môi trường khắc nghiệt mà Trái Đất có thể tạo ra. Theo National Geographic, chúng là "loài động bất tử nhất trên Trái đất". Chúng có thể bò qua các cồn cát, sống sót khi bị đóng băng và thậm chí sống ở độ cao lớn.
Các nhà khoa học đã tìm ra rằng một loại protein có tên là Dsup có thể bảo vệ vật liệu di truyền trong mỗi tế bào của gấu nước, tạo ra một lá chắn nhỏ chống lại các hạt nguy hiểm. Nhờ đó, chúng có thể sống sót ở mức độ bức xạ cao mà hầu hết các sinh vật khác không thể. Thậm chí còn có một số ý kiến cho rằng chúng có thể sống ở trên Mặt trăng.
Con gián
Sẽ thật đáng tiếc nếu không nhắc đến loài gián trong danh sách này vì chúng đã sống sót sau vụ va chạm giữa Trái Đất với tiểu hành tinh Chicxulub, thảm họa đã xóa sổ loài khủng long, nên chúng có cơ hội khá cao để sống sót nếu thảm họa toàn cầu tiếp theo xảy ra.
Một phần lý do cho sự thành công của con gián là ở kích thước cơ thể và thói quen ăn uống của chúng. Loài côn trùng thân dẹt này có thể chui vào những khe hở nhỏ mà các loài vật khác không thể tới nơi trú ẩn an toàn, kể cả bên trong đất. Thêm vào đó, thay vì dựa vào một loại nguồn thức ăn, chúng sẽ tiêu thụ hầu như bất cứ thứ gì, bao gồm cả những thứ không phải là thức ăn.
Gián cũng có khả năng kháng độc tố cực kỳ tốt như thuốc trừ sâu, khiến chúng trở thành một trong những sinh vật khó diệt trừ nhất trên Trái Đất.
Kền kền
Tùy thuộc vào điều kiện của thảm họa toàn cầu, một số loài động vật thực sự có thể hưởng lợi. Ví dụ, kền kền cũng có thể sống sót sau thảm họa xác sống. Với rất nhiều xác sống xung quanh, chúng thậm chí có thể phát triển mạnh. Kền kền còn có dạ dày thích nghi đặc biệt với axit, có khả năng tiêu hóa một số loại vi khuẩn khá khó chịu.
Cá mập
Mọi loài sinh vật có vẻ ngoài kỳ lạ đều sống sót và có khả năng thích nghi với cuộc sống trong bóng tối và áp suất lớn đến từ đại dương sâu thẳm. Một thảm họa toàn cầu có thể mang đến nhiều vấn đề cho đại dương, chẳng hạn như axit hóa hoặc mực nước biển dâng cao cực độ, nhưng một số sinh vật biển vẫn có thể sống sót.
Cá mập Greenland có tuổi thọ cực kỳ cao, một số cá thể còn sống sót hơn 400 năm. Chúng đã sống sót qua cả hai cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Cá mập cũng đã xuất hiện trên Trái đất từ trước khi có cây cối và trước khi Sao Thổ có vành đai, vì vậy có khả năng ít nhất một trong 500 loài cá mập sẽ sống sót nếu thảm họa xảy ra.
Chim cánh cụt hoàng đế
Loài gấu có thể ngủ qua mùa đông nhưng vẫn cần rất nhiều thức ăn để sống sót khi thức dậy. Lạc đà cũng có khả năng sống sót mà không cần thức ăn hoặc nước trong một thời gian và có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Tuy nhiên, vị trí thứ 5 lại thuộc về chim cánh cụt hoàng đế. Chim cánh cụt hoàng đế có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ khắc nhiệt nhất ở châu Nam Cực lạnh giá, bao gồm tốc độ gió 200 km/h và nhiệt độ −50°C.
Chúng cũng có thể sống sót trong nhiều tuần mà không cần ăn bằng cách sống nhờ vào lượng mỡ dự trữ. Chúng sống ở khu vực xa xôi nhất trên Trái đất, do đó có thể tránh được các dịch bệnh lây lan.
Hải Vân (Theo Iflscience)