Vừa qua, Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược Tp.HCM - cho biết, ngay tại nhà chúng ta có một số các loại rau, gia vị hỗ trợ điều trị cảm cúm rất hiệu quả.
Dưới đây là một số loại rau, gia vị có thể dùng sắc thuốc hoặc chế biến món ăn để hỗ trợ điều trị bệnh cảm cúm hiệu quả như:
- Hành: Trong hành có chất có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh. Khi bị cảm, đầu nhức, mũi ngạt thì có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào nồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng ăn sẽ chóng khỏi.
- Kinh giới: Kinh giới chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất chống oxy hóa và chống viêm.
Y học hiện đại đã ghi nhận tác dụng hạ sốt, chống viêm, giảm đau và an thần khi dùng lượng vừa đủ.
Để chữa cảm cúm có thể dùng kinh giới sao vàng tán nhỏ, khi bị cảm dùng 6-8g bột này.
Hoặc có thể sử dụng cháo kinh giới: nấu lấy nước bỏ xác, thêm 50g gạo tẻ và 50g đậu xanh vào nấu nhừ. Mỗi ngày ăn 2-3 lần để phòng cảm mạo mùa hè, thanh nhiệt.
- Tía tô: Trong toàn cây tía tô có chứa 0,5% tinh dầu, lá tía tô làm cho ra mồ hôi, chữa ho, chữa cảm mạo, giúp tiêu hóa, giảm đau, giải độc.
- Gừng: Gừng có những tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và giảm ho, chống nôn, chống viêm, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa.
- Tỏi: Tỏi được trồng làm gia vị và còn được dùng làm thuốc nam khá phổ biến. Tỏi được dùng để chữa khá nhiều bệnh như cảm cúm, ho gà, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, đau thần kinh tọa, tẩy giun kim.
- Húng chanh: Húng chanh có vị cay, hơi chua, tính ấm, trừ đờm, giải cảm, thanh nhiệt, tiêu độc. Húng chanh được dùng để trị cảm cúm, ho hen, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, viêm họng, cảm cúm, khản tiếng. Nếu chữa cảm cúm có thể dùng riêng húng chanh tươi hoặc dùng phối hợp với một số cây cỏ khác như lá sả, lá bưởi, lá tre, lá bạch đàn sẵn có ở địa phương để xông hơi.
Mọi người có thể chủ động thực hiện các biện pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc cảm cúm như sau:
- Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ ăn, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. Ngoài việc tăng cường các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể bổ sung các loại vitamin, khoáng chất như vitamin C, kẽm, men vi sinh… thông qua thực phẩm hoặc uống vi chất.
Một số thực phẩm tốt cho hệ hô hấp và có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là cam, táo, các loại rau có màu xanh đậm, trứng, sữa….
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo lượng nước cho cơ thể, đảm bảo quá trình trao đổi chất đồng thời giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý trong đó có bệnh về đường hô hấp.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/ nước sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
- Không để cơ thể bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài nhất là các bộ phận như đầu, cổ, tay chân…
- Hiện nay, có một số loại vaccine phòng một số loại cúm. Các đối tượng có nguy cơ cao có thể tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh.
Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, tránh trường hợp để bệnh có những diễn biến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Quốc Tiệp (T.h theo Tuổi Trẻ, Sức Khỏe& Đời Sống)