Nhiều khi chỉ là cha mẹ vui mồm nói mà con cái thành những đứa trẻ khuyết hỏng một đời. Như những lời châm chọc con tưởng chỉ là đùa cho vui cửa vui nhà nhưng lại làm cho lũ trẻ trở nên nhút nhát, sợ làm sai, không còn dám thử sức với những cái mới. “Cháu không dám làm đâu, cháu sợ bị bố mẹ cười”.
Người lớn với nhau, bị nghe lời châm chọc, dù không ác ý, nhưng vẫn cảm thấy khó chịu. Huống chi lũ trẻ, lời nào của bố mẹ cũng là quan trọng thì lời châm chọc, chế giễu, lũ trẻ chẳng thấy vui đâu. Kể cả sau đó cha mẹ có chữa lại bằng câu: “Thôi, bố mẹ trêu con vậy thôi chứ con làm được vậy là tốt lắm rồi”. Những lời châm chọc, chế giễu đùa vui nhắm vào giới tính của con như “Đàn ông đàn ang gì mà thế” hay “Con gái tôi hiền dịu nết na đố thằng con trai nào vượt qua”, bao nhiêu cha mẹ vô tư nói ra mỗi ngày? Nhiều cha mẹ cứ bảo: Ồi dào, nói đùa với nó thôi mà, nó là trẻ con, quên ngay í mà. Chỉ là lũ trẻ chẳng quên, lũ trẻ sẽ lớn lên trong nỗi sợ thể hiện mình sẽ bị chọc quê.
Tệ hơn, nhiều cha mẹ “thuận miệng mà nói”, quen chỉ trích thiên hạ, với con mình cũng thuận mồm chỉ trích và nghĩ rằng con sẽ nhận ra để thay đổi tốt hơn. Kiểu “thuốc đắng giã tật- sự thật mất lòng”. Huấn luyện con bằng những chỉ trích với ước muốn con sẽ không bị ảo tưởng về bản thân. Chỉ là sau đó, những đứa trẻ cũng sẽ thành kẻ luôn đi quy kết người khác, chỉ trích người khác, tấn công người khác, giống như cha mẹ.
Có một điều, những đứa trẻ trở thành dối trá không phải bởi đó là đặc tính của trẻ con như mọi người hay đổ tại. Nhiều cha mẹ inbox cho tôi đau khổ nói rằng con họ nói dối hết cái này đến cái nọ. Mà quên rằng lý do các con nói dối đều vì cách cha mẹ thường xuyên nghi ngờ con. Là cha mẹ chưa bao giờ khiến con thấy con được cha mẹ tin tưởng mà con chỉ thấy rằng “Bố mẹ nói tin con nhưng bố mẹ vẫn kiểm tra, vẫn nghi ngờ con”.
Con bật chế độ bảo vệ bản thân bằng cách… nói dối để bố mẹ tin mình. Con nghĩ chỉ có nói dối thì bố mẹ mới không bắt lỗi chứ nói thật bố mẹ sẽ bắt ra đủ lỗi. Bởi trong lòng bố mẹ luôn sẵn những hoài nghi về con.
Hay cái cách nhiều cha mẹ luôn mang “con nhà người ta” ra để làm đòn bẩy với con mình cũng vậy. “Tôi có so sánh con với con nhà người ta đâu. Tôi chỉ đưa ra mục tiêu để con vượt qua thôi chứ”. Vấn đề là đứa trẻ không nghĩ đó là mục tiêu để nó vượt qua, đứa trẻ nghĩ đó là… kẻ thù của chúng. Mà thành hằn học đứa bạn ấy.
Nhiều đứa trẻ bạo lực, bắt nạt bạn chỉ vì “Bố mẹ tao toàn mang mày ra so sánh nên tao ghét mày”. Biến cuộc đời con thành cuộc chiến, con sẽ không thành chiến binh đâu các cha mẹ ạ. Mà chỉ khiến con hằn học với tất thảy mọi người giỏi hơn con.
Khen con có khiến con trở nên chủ quan và ảo tưởng về mình? Dạy con bằng chiều chuộng có thể khiến con hư? Tôi không cho là thế. Tôi vẫn tin rằng sự ngợi khen dành cho con sẽ giúp con học được cách ngợi khen người khác, không hà tiện những lời khen.
Những lời khen đúng với năng lực thực sự của con sẽ giúp con tự tin vào bản thân hơn, biết giá trị của bản thân mình. Khi con được đùm bọc, yêu thương, con sẽ biết quan tâm, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Là từ cha mẹ mà ra vậy. Cha mẹ đùm bọc, yêu thương cuộc đời sẽ khiến con thấy đó là lẽ tất yếu của cuộc đời. Cha mẹ bảo vệ lẽ phải sẽ giúp con biết lẽ công bằng. Cha mẹ nhẫn nại, kiên trì với con sẽ dạy con sự khoan dung, nhẫn nại.
Vẫn là một đứa trẻ sẽ nhận thừa kế từ chính cha mẹ mình đầu tiên là thừa kế tính cách cha mẹ. Đừng để lại nhà này, tiền nọ, hãy để lại sự hãnh diện, tự hào về cha mẹ mình trong con.
Nhà văn Hoàng Anh Tú