Lời khuyên của Ngô Bảo Châu: Giới trẻ cần trung thực
GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông không hề thích bị khuyên bảo hay phải khuyên bảo người khác. Nhưng nếu nói về 3 tố chất mà giới trẻ cần nên có thì đó là sự trung thực (trung thực với người khác và trung thực với chính mình), dũng cảm (trong trung thực đã có sự dũng cảm) và luôn luôn một trái tim, tâm hồn cởi mở nhân hậu biết hướng về người khác, hướng về thế giới.
‘Tôi rất hay được các học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về bí quyết học tập, tôi cho rằng: Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê’- GS. Ngô Bảo Châu nói.
Ông kể, ông đã từng có lúc rất hứng thú, có khi chán nản và muốn bỏ vì đam mê của mình.
‘Ai cũng có lúc như vậy với đam mê của mình’, GS nhận xét. ‘Nhưng không được buông tay đam mê, nếu buông tay thì đam mê sẽ không bao giờ quay lại. Niềm đam mê cũng cần tính tập thể, để khi ta thấy chán thì trách nhiệm với tập thể sẽ giữ đam mê cho mình. Và để nuôi dưỡng niềm đam mê thì cần luôn tin vào sự thật, luôn tìm kiếm cái mới, sự bất ngờ’, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Có niềm đam mê đã khó nhưng giữ được niềm đam mê càng khó hơn. Trong mắt của Ngô Bảo Châu, ở mỗi người, sự đam mê hoặc chán nản là những chu kỳ sinh học bình thường. Nhưng nếu chán nản mà buông tay thì thật đáng tiếc vì khi đó rất khó để quay lại với sự đam mê.
Theo GS Châu, để nuôi dưỡng đam mê trước hết phải trung thực
Theo GS Châu, để nuôi dưỡng đam mê trước hết phải trung thực với người khác và bản thân mình, phải có tình yêu sự thật, hướng thượng, hướng thiện và luôn tìm tòi cái mới.
Đặc biệt, GS Châu nhấn mạnh niềm đam mê cần phải đi liền với tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, cần có tập thể và tổ chức.
3 nguyên tắc: Kỷ luật, đam mê và lòng dũng cảm
Chia sẻ về thất bại của bản thân, giáo sư cho biết, năm 2003 ông có dự định nghiên cứu một bổ đề cơ bản, với niềm tin sẽ giải quyết nhanh chóng. Nhưng đến hè năm 2007, ông mới nhận ra có thể mình không đủ sức với việc này, vì mọi con đường đều đi vào ngõ cụt. Một cơ may đã giúp ông gặp được hai nhà toán học nước ngoài tại một hội thảo quốc tế, họ đã trao cho ông ‘bí kíp’ giải quyết bổ đề. ‘Giống như mấy năm trời tôi ghép mngô bảo châuột bức tranh nhưng thiếu một mảnh, bây giờ lại có được. Nhưng chừng ấy năm vật lộn với nó, tôi đã rút ra được nhiều điều và hiểu rất rõ những mảnh ghép kia’, ông nhớ lại.
GS Ngô Bảo Châu kể: ‘Khi tôi làm luận án tiến sĩ, thầy hướng dẫn giao cho tôi đề tài rất gần với bổ đề mang lại Huy chương Fields. Vậy mà sau 3 năm ròng, tôi đã không làm được gì vì không có bất cứ một ý tưởng nào. Nhưng tôi vẫn quyết tâm và nuôi hy vọng. Thật kỳ lạ là đến đầu năm thứ 4, tôi lại giải quyết rốt ráo đề tài này, làm thầy tràn trề hy vọng về khả năng tiến xa của tôi. Chính từ nền tảng đó, sau gần 16 năm, tôi giải hết được bổ đề cơ bản và nhận được huy chương Fields'.
Trong phương pháp học tập của mình, GS tuân thủ theo 3 nguyên tắc kỷ luật, đam mê và lòng dũng cảm.
‘Tại sao tôi phải nhấn mạnh kỷ luật nên đứng trước cả đam mê? Chúng ta ai cũng có đam mê, ví dụ như khoa học, toán, thể thao…, nhưng bản chất của con người là sự yếu đuối. Đam mê nào của con người rồi cũng bị mờ nhạt đi. Để giữ được đam mê thì cần phải có kỷ luật’- GS nhấn mạnh.
Theo GS Châu, những vấn đề dễ gặp hàng ngày gây nhàm chán và tẻ nhạt, nhưng nó có tác dụng tăng sự tự tin của người học và cũng cần thiết trong quá trình học. Những vấn đề khó rất quan trọng, nó thể hiện được rằng bạn có tiếp tục giữ được niềm đam mê hay không. ‘Tôi đã tìm thấy niềm say mê toán học vì nó đầy thách thức chứ không phải vì nó dễ’, giáo sư cho biết.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, GS Châu kể về kỷ niệm bị đánh trượt khi xin làm cán bộ nghiên cứu: ‘Khi tôi trình bày với ban giám khảo về đề tài nghiên cứu bổ đề cơ bản, họ đã cười và đánh trượt vì cho rằng tôi đã chọn một đề tài quá khó. Sau đó tôi chọn đề tài dễ hơn để làm việc và kiếm sống, nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi bổ đề cơ bản trong âm thầm’, GS Châu nói.
Tự nhận mình không có bí quyết học tập mà chỉ có niềm say mê, GS Châu cho biết: ‘Khi mở một cuốn sách có nhiều kiến thức rất khó, tôi tự nhủ do người viết sách tồi và phải làm sao để viết lại sách. Khi nghiền ngẫm việc đó, tôi đã dần hiểu được nội dung trong sách’.
GS Châu nhắn nhủ với các SV: ‘Việc học bao giờ cũng xuất phát từ một câu hỏi. Vì vậy, đọc một quyển sách khoa học dễ hơn nhiều nếu xuất phát từ những câu hỏi’.
Kiều Oanh (tổng hợp)