Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học để không bị “trắng tay"

Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học để không bị “trắng tay"

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 7, 16/07/2022 19:57

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ những điều cần lưu ý về việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung.

Lưu ý “vàng” thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có 879.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường là 550.000. Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh so với 790.000 thí sinh năm 2021 và 650.000 của năm 2020.

Mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh riêng như: Xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển qua điểm thi đánh giá năng lực,… Trong khi hiện nay, rất nhiều thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) không tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 mà chỉ dự tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, nên đến nay các thí sinh này chưa có tài khoản cá nhân sử dụng để đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung.

Thông tin trên Giáo Dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.

Theo đó thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) phải thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT tạo hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn Bộ GD&ĐT.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT), cụ thể như sau:

Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất);

Lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường);

Lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành);

Lựa chọn phương thức tuyển sinh (mã phương thức);

Lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học cấp THPT.

Lưu ý: Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT và quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Giáo dục - Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học để không bị “trắng tay'

Với một số thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh nên xây dựng “chiến thuật” đăng ký nguyện vọng xét tuyển cũng như sắp xếp thứ tự các nguyện vọng để tránh bị "trượt oan".

Thí sinh nên cân nhắc nguyện vọng phù hợp để tránh rủi ro

Theo báo Tuổi Trẻ, quy chế quy định việc xét tuyển năm nay được các trường thực hiện với 3 nội dung: Tổ chức đăng ký và xét tuyển thẳng; tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm; đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung.

Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT lưu ý các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung, dù thí sinh trúng tuyển phương thức nào.

Theo các chuyên gia, quy định trên của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện việc lọc ảo chung tất cả phương thức trên cùng hệ thống.

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, đa số các trường đại học đều tuyển sinh bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển qua điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển qua kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.... Cho nên, rất nhiều thí sinh đưa ra thắc mắc là, nếu đã trúng tuyển bằng phương thức học bạ vào một ngành rồi nhưng sau đó lại đủ điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vào ngành khác thì có được chọn lựa không?

Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết: Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, đối với các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực, học bạ THPT, xét tuyển thẳng,... các trường phải công bố cập nhật dữ liệu danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 21/7. Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần).

Đặc biệt trong kỳ tuyển sinh này, khi nhà trường công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vào ngành mình thích, thì nên cân nhắc vào cổng thông tin của Bộ điều chỉnh sắp xếp nguyện vọng ngành đủ điều kiện trúng tuyển lên trước.

Khi thí sinh còn cân nhắc về ngành học hay trường chưa phù hợp thì thí sinh có thể sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng sao cho phù hợp với mình nhất tránh rủi ro.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, liên quan đến vấn đề tư vấn về cách sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển sao cho dễ trúng, Thạc sĩ Phùng Quán, chuyên gia hướng nghiệp - tuyển sinh của ĐH Quốc gia Tp.HCM cho hay: Nguyên tắc đăng ký nguyện vọng là đăng ký nguyện vọng yêu thích nhất vào nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất (nguyện vọng 1), rồi thứ tự các nguyện vọng giảm dần theo mức độ yêu thích.

Cụ thể, thí sinh nên tìm điểm chuẩn của ngành mình yêu thích của các trường và xem điểm thi của mình có cao hơn điểm chuẩn các năm không? Rồi chọn lựa ngôi trường mình yêu thích để đăng ký nguyện vọng...

Thứ nhất, nếu muốn trúng tuyển ngay vào trường mình muốn học thì đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển của các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực, học bạ... vào nguyện vọng 1 và không cần thêm nguyên vọng nào nữa.

Thứ hai, nếu có nhiều chọn lựa khác thì để nguyện vọng yêu thích nhất lên nguyện vọng 1 (theo điểm THPT) và sắp xếp các nguyện vọng khác tiếp theo mức giảm dần theo mức độ yêu thích. Điền nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vào nguyện vọng cuối cùng để bảo đảm chắc chắc trúng tuyển. Hệ thống đăng ký nguyện vọng là: https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn/

Nếu thí sinh đã được nhà trường thông báo trúng tuyển (có điều kiện) bằng phương thức học bạ, mà đây là một trong các nguyện vọng thí sinh yêu thích thì thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng yêu thích đó lên cổng của Bộ GD&ĐT là xong.

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Thí sinh cần hết sức lưu ý các mốc thời gian quan trọng và cách thực hiện năm nay để tránh nhầm lẫn, sai sót khi đăng ký xét tuyển đại học.

Theo văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, các mốc thời gian như sau:

- Từ 1/7 đến 18/7, các cơ sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát, cập nhật và xác nhận kết quả học tập cấp THPT trên hệ thống. Đồng thời, thí sinh phải sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Nếu sai, thí sinh báo lại thầy cô ở trường để được chỉnh sửa.

- Trước 17h ngày 15-7: Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu (không giới hạn số nguyện vọng) về các cơ sở đào tạo theo hướng dẫn của cơ sở.

- Từ ngày 12/7 đến 18/7: Thí sinh tự do thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên Hệ thống để được cấp tài khoản sử dụng cho thí sinh để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (nếu chưa có).

- Trước 17h ngày 21/7: Các cơ sở đào tạo sẽ cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên Hệ thống (sơ tuyển theo phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp, tổ chức thi đánh giá năng lực hoặc có môn thi năng khiếu để kết hợp với việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT).

- Từ 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Từ 21/8 đến ngày 17h ngày 28/8: Thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

- Trước 17h ngày 2/8: Đối với các ngành đào giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, cơ sở đào tạo sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào.

- Từ 22/7 đến 17h ngày 20/8: Thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống (những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học).

- Từ 4/9 đến 17h ngày 15/9: thực hiện lọc ảo trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

- Trước 17h ngày 17/9: các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

- Trước 17h ngày 30/9: tất cả các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

- Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển bổ sung, nếu chưa tuyển đủ.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.