- Không đeo những vật cứng như đồng hồ, nhẫn hay dây lưng khi rửa xe vì chúng có thể vô tình cọ, cào xước phần sơn xe.
- Khi rửa xe, cần phân loại các loại khăn lau cho từng công đoạn, từng phần của xe. Với khăn bông mềm dùng để cọ rửa cabin, khăn cứng hơn để lau khung gầm và bánh xe. Nếu tận dụng đồ vải cũ, cần kiểm tra kỹ các phụ kiện đính kèm như cúc áo, huy hiệu, hoa cài và các chi tiết bằng sắt, vật cứng để tránh làm xước sơn xe.
- Không nên rửa xe khi vừa phơi nắng hoặc mới chạy đường dài ngoài trời nóng, động cơ và các chi tiết trên xe vẫn còn đang nóng, đặc biệt là phần vỏ. Việc đột ngột xả nước lạnh khi vỏ xe còn nóng có thể dẫn đến cong vênh, rạn nứt hoặc ô xi hóa các chi tiết vỏ, sơn, máy. Hạn chế rửa xe ngoài trời nắng nóng mà nên lựa chọn chỗ râm mát, thoáng và thoát nước dễ dàng.
- Dùng các chất tẩy rửa chuyên dụng cho vỏ xe như Sonax, Sumo, Trinity, 3M để tránh việc các hóa chất không phù hợp có thể khiến lớp sơn xe bị lão hóa, bạc màu và xỉn đi nhanh chóng. Nước giếng khoan ở một vài nơi cũng có thể khiến lớp sơn dễ ố vàng vì có chứa sắt.
- Nên rửa xe bằng nước sạch đầu tiên. Dùng vòi phun nước áp suất để đẩy bụi bẩn, bùn đất trên toàn bộ xe. Đặt vòi phun cách xe một khoảng nhất định để khống chế áp lực nước, những khu vực như ổ bi, khớp rô-tuyn cần tránh hướng phun trực diện để tránh lọt nước vào trong.
- Sau khi lau rửa các bộ phận bằng hóa chất, nên xả lại một lần nữa toàn bộ bằng nước sạch. Dùng khăn sạch mềm lau khô xe sau đó.
- Mở nắp ca-bô, nắp bình xăng hay khoang hành lý để kiểm tra có bị bắn nước vào trong hay không.
- Khởi động xe để làm khô khung gầm và những điểm không thể làm khô trực tiếp.
- Kiểm tra một lần cuối trước khi đưa ra vào hoạt động trên đường bình thường.
Đ.Huệ (t/hợp)