Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài. Cúng Thần Tài rất phổ biến trong giới kinh doanh, họ cúng Thần Tài quanh năm. Tuy nhiên ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng được dân gian xem là ngày vía Thần Tài.
Dưới đây là những lưu ý nhất định phải nhớ khi cúng Thần Tài mùng 10 tháng Giêng:
Trước khi lấy nước cần rửa sạch chén, tốt nhất nên đặt 5 chén nước, nước đổ đầy cách miệng chén khoảng 1cm, không nên rót quá đầy dễ bị tràn ra bàn thờ không tốt. Cần phải thay nước trong lọ hoa và chưng thờ nải chuối chín vàng.
Trước khi cúng, tắm cho Thần Tài với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.
Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.
Khi sắp đồ cũng nên đặt mâm cúng trong nhà, đồ lễ đơn giản, vừa phải không quá lãng phí. Chỉ cần hoa quả tươi, nước sạch, khi cúng cần thành tâm là được. Lễ cúng Thần Tài thường đơn giản hơn so với các lễ cúng quan trọng trong năm, tuy nhiên không vì thế mà tỏ ra hời hợt, lễ cúng Thần Tài cũng cần đầy đủ các lễ quan trọng như rượu, gạo, hương…
Khi cúng Thần Tài, không được ăn mặc luộm thuộm, không mặc đồ rách khi cúng. Không nói bậy, chửi tục trước, trong và sau khi cúng.
Khi thờ cúng nên dùng nến hoặc đèn dầu, không nên dùng đèn nhấp nháy và bóng điện vì chúng dễ tạo ra trường khí xấu, làm ảnh hưởng không tốt đến việc thờ cúng.
Chú ý khi đặt bàn thờ cúng Thần tài, bàn thờ Thần tài không được đặt sát nhà tắm, nếu không sẽ làm mất không khí tôn nghiêm. Nên đặt bàn thờ ở gần cửa nhưng tránh lối đi lại để đỡ ồn ào. Không đặt bàn thờ Thần tài nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam.
Sau khi cúng xong, gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được rải ra ngoài. Rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào. Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài .
Phong Linh (tổng hợp)