Ngày nay, khi cuộc sống được nâng cao, sức ép cuộc sống cũng tăng do hoàn cảnh, công việc và sự cạnh tranh, việc đến các vũ trường để giải tỏa stress, gặp gỡ bạn bè và đối tác làm ăn là một nhu cầu vô cùng chính đáng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn những người đến đây lại còn rất trẻ thậm chí chưa có thu nhập gì từ bản thân, và đương nhiên mục đích họ đến đây cũng muôn màu muôn vẻ...
Sức hút từ vũ trường (Ảnh minh họa)
Để thể hiện đẳng cấp...?
Như chúng ta đã biết, chi phí cho một lần vào vũ trường không phải ít vì vậy đương nhiên đến đây hầu hết phải là những người có thu nhập cao hoặc gia đình rất có điều kiện.
Giới trẻ ngày nay lại thường xuyên lui tới các tụ điểm này, nhiều khi không phải vì mục đích gì mà đơn giản chỉ để khẳng định sự giàu có, độ “chịu chơi” của mình. Từ những vũ trường bình dân như T., G., S.L,... đến những vũ trường xa hoa đắt đỏ như N.S, N.T,.. thì điểm mặt khách “VIP” hầu như đều ở độ tuổi còn rất trẻ.
Xa rồi cái thời tổ chức sinh nhật đơn giản chỉ là một bữa ăn nho nhỏ mời bạn bè, thời nay giới trẻ “đua” nhau kéo đến những quán bar, club để tổ chức sinh nhật với rượu mạnh và tiếng nhạc xập xình đầy kích thích,...
T. là một trong những “dân chơi” khét tiếng không chỉ Hà Nội mà thậm chí cả Thành phố Hồ Chí Minh vì ngoài việc có xuất thân và gia thế đặc biệt, mua sắm đồ hiệu, xe ô tô hạng sang thì tần suất vào Nam ra Bắc của cậu cũng thật đáng nể khi hầu như tháng nào cũng phải một hai lần với mục đích chỉ là để giao lưu bạn bè, thay đổi không khí và đặc biệt là để mục sở thị các vũ trường. Có lẽ không thể thống kê đầy đủ số tiền hàng tháng mà T. và nhóm bạn “đẳng cấp” của mình phải bỏ cho các chủ vũ trường.
Từ “tâm trạng” đi đến thói quen...
L. là một sinh viên, khi cô chia tay người yêu và lâm vào tâm trạng thất tình thì tình cờ lại gặp được một nhóm bạn gái cũng có hoàn cảnh “éo le” tương tự. Sau khi ngồi tỉ tê tâm sự, nhóm bạn quyết định tổ chức một “party no man” nho nhỏ ở một vũ trường để “giải sầu” và mời rất nhiều người khác đến.
Đặc biệt tiêu chuẩn khách mời phải là nữ, không được dẫn thêm nam giới vì lý do mọi người ở đây đều có chung tâm trạng “hận” đàn ông. Sau buổi party, cuộc vui dường như không kết thúc, cứ định kỳ một tuần nhóm bạn của L. lại tổ chức party một hai lần và họ cảm thấy rất vui vẻ phấn khích sau buổi đó.
Trào lưu "party no man" ( Ảnh minh họa)
Dường như thói quen của nhóm bạn của L. không phải là cá biệt mà trào lưu đi bar, club thành nhóm và tổ chức định kỳ là khá phổ biến. Nhưng cái đáng nói ở đây không phải ở chuyện đơn thuần là đến vũ trường vui chơi mà là khi đã thành thói quen họ sẽ không thể thiếu đi thói quen đó trong cuộc sống, đi kèm theo nó sẽ nảy sinh rất nhiều chuyện khác.
Nhóm bạn của L như đã nói ở trên, sau một vài lần tổ chức party họ đã thấy “nhàm” và muốn đổi mới nó bằng việc sử dụng chất kích thích và những cuộc vui kế tiếp thâu đêm suốt sáng mà không biết điểm dừng. Và ai có thể biết sau những cuộc chơi đó là những gì, họ sẽ đi đâu và tương lai của họ sẽ ra sao...
Phương Linh