The Diplomat đã có một bài bình luận về việc liệu giữa Mỹ và Trung Quốc có xảy ra một cuộc chiến tranh trong bối cảnh hai nước có nhiều mâu thuẫn về chính trị, kinh tế, quân sự như hiện nay hay không, cũng như điều gì có thể ngăn cản hai cường quốc này?
Mặc dù Trung-Mỹ vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao để tăng cường quan hệ giữa đôi bên. Nhưng song song với đó đôi bên vẫn tích cực tăng cường sức mạnh quân sự để sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Tuy vậy có rất nhiều lý do để cản trở họ đi đến một cuộc xung đột vũ trang.
Trước đó Tân Hoa Xã đã có bài phân tích với tiêu đề “Trung-Mỹ có thể tránh cái bẫy Thucydides” (cha đẻ của trường phái “chính trị thực dụng”, coi quan hệ giữa các quốc gia chỉ dựa trên sức mạnh chứ không phải công lý). Lập luận của Tân Hoa Xã cho rằng một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ có thể tránh được dựa vào mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa đôi bên.
Tuy nhiên, lập luận mà Tân Hoa Xã đưa ra thiếu tính logic và thiếu sót sâu sắc về mặt lịch sử. Lịch sử đã cho thấy những đối tác kinh tế lớn nhất của nhau đều có thể đi đến chiến tranh. Trong chiến tranh thế giới lần thứ I, Đức và Anh mặc dù là 2 đối tác kinh tế lớn nhất của nhau nhưng họ vẫn đi đến chiến tranh.
Các mối quan hệ thương mại có thể tạo ra một liên minh kinh tế mạnh mẽ để phản đối các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên ngay chính trong những quan hệ thương mại cũng là khởi nguồn cho những cuộc xung đột. Lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2 đã cho thấy một thực tế là Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ và các thuộc địa của Anh trong việc cung cấp dầu mỏ nhưng chính điều đó đã thúc đẩy Nhật Bản đi đến chiến tranh với họ.
Thậm chí đến ngày hôm nay chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc đã tạo ra sự bất mãn trong các cuộc bầu cử chính trị ở Mỹ. Sự ràng buộc về thương mại không phải là lý do để kiềm chế chiến tranh Trung-Mỹ.
Tuy vậy một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ rất khó xảy ra vì 2 yếu tố khác: vũ khí hạt nhân và địa lý.
Trung-Mỹ đều là những cường quốc vũ khí hạt nhân đó chính là lý do rõ ràng nhất ngăn cản họ đi đến một cuộc chiến tranh ngay cả khi họ vẫn cạnh tranh nhau một cách rất gay gắt. Chiến tranh là sự tiếp nối cho các mục đích chính trị và vũ khí hạt nhân có thể khiến cho các mục đích chính trị trở nên vô cùng thảm khốc.
Trong khi các nhà lãnh đạo tham vọng hay tuyệt vọng có thể tự lừa dối bản thân mình rằng họ có thể thắng trong một cuộc xung đột thông thường với đối thủ. Tuy nhiên với chiến tranh hạt nhân không ai có thể dành chiến thắng. Không một quốc gia nào có đủ khả năng để bảo vệ mình trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Với chiến tranh hạt nhân mọi thứ đều bị hủy diệt hàng loạt. Liệu một nhà lãnh đạo có dám đánh đổi những sự hủy diệt ghê gớm để đạt được mục đích chính trị của mình.
Một lý do khác ngăn cản chiến tranh Trung-Mỹ là yếu tố địa lý. Địa lý cũng chính là một yếu tố được đánh giá cao trong việc làm giảm thiểu nguy cơ chiến tranh Trung-Mỹ và nó cũng có vai trò quan trọng không kém vũ khí hạt nhân. Trung-Mỹ là 2 quốc gia có diện tích lớn thứ 4 và thứ 3 thế giới. Họ có những đặc điểm địa lý và dân cư vô cùng phức tạp mà các hoạt động tình báo của đôi bên khó lòng nắm bắt hết được.
Trung-Mỹ ngăn cách bởi Thái Bình Dương rộng lớn điều đó cũng góp phần làm suy yếu mối đe dọa tiềm năng cho đôi bên. Khoảng cách quá xa về địa lý làm cho việc triển khai lực lượng trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn.
Mặc dù thời gian gần đây Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động quân sự ở sân sau Trung Quốc và điều đó đang làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang giữa đôi bên. Nhưng đó vẫn chưa đủ để kéo đôi bên vào một cuộc chiến tranh.
Minh Tâm (Theo The Diplomat)