Sực tỉnh sau lần chết hụt
Đến thăm gia đình anh Trần Thành Sơn (SN 1963) ở xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào một ngày giữa đông, tiếng lách cách đục đẽo của những người thợ làm trong xưởng chế tác khiến cho không khí trở nên hối hả hơn. Quả thật nếu không có sự giới thiệu của một người hàng xóm thì chúng tôi không thể nhận được ai trong tốp thợ kia là Trần Thanh Sơn. Giản dị, dễ gần cùng giọng nói sang sảng đó là những ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc với anh. Mái tóc dài bám đầy bụi gỗ, chiếc kính cận dày cộm che gần kín khuôn mặt, đặc biệt là chiếc quần dính đầy màu vẽ cũng đủ chứng tỏ chủ nhân của nó bận rộn đến mức nào. Anh tiếp chúng tôi trong căn phòng bừa bộn gỗ, màu vẽ, đục đẽo... mà theo lời anh đây vừa là phòng ngủ, nơi làm việc, vừa là nơi kí kết hợp đồng.
Anh Sơn đang chỉ dẫn cho một học viên bằng ngôn ngữ hình động.
Sinh năm 1963, là con út trong một gia đình đông anh em, anh Sơn cũng là cháu đời thứ 6 của cụ phó bảng Trần Xuân Sắc, người có công lớn trong việc tạo dựng nghề điêu khắc gỗ của tỉnh Thái Bình. Ngay từ bé, Sơn đã làm quen với cái đục, miếng gỗ, nơi mà các nghệ nhân quê anh thường tỉ mẩn, kẻ vẽ những đường nét tinh xảo để tạo nên bức hoành phi, tượng rồng sơn son thiếp vàng dùng trong các đền thờ miếu mạo. Nhưng rồi, chính cái nghề điêu khắc ấy lại không thể níu kéo được một thanh niên có mộng làm giàu như Sơn. Năm 1981, khi mới 17 tuổi, Sơn đã đi theo đám thanh niên cùng làng đi buôn gỗ. Ban đầu, anh buôn các loại gỗ rẻ tiền để bán cho các hộ dùng làm củi đốt lò vôi, lò gạch. Dần dần có vốn, Sơn lân la sang cả những cánh rừng ở Lào và Campuchia tìm mua những loại gỗ như lim táu, thậm chí cả trầm hương mang về bán kiếm lời...
Anh kể: "Ngày ấy cầm trong tay hàng trăm triệu đồng đã là lớn lắm rồi. Thấy lãi ngày càng nhiều, tôi quyết định làm quả lớn. Ai ngờ, khi xe đã chất đầy gỗ, bao nhiêu vốn liếng dốc cả vào đấy, lúc xuống đèo Hải Vân do xe đứt phanh, mất lái, cả người và xe lao cả xuống vực. Trên chuyến xe 4 người, duy nhất còn mình sống sót". Không chỉ có thế, những lần lăn lội trong rừng sâu, thiếu thốn đủ thứ, Sơn đã mắc phải căn bệnh sốt rét. Cứ mỗi lần phát bệnh, Sơn tưởng chừng như không qua nổi. Thuốc men không có, Sơn đành phải cắn răng, nhai từng lá thuốc mà những người trong nhóm kiếm cho. Lúc đó anh nghĩ: "Có khi mình bỏ xác ở nơi này mất"... Rất may, anh đã gặp được một thầy thuốc người Thái ở trên Sơn La và chính người này đã cứu sống Sơn khi anh chỉ còn da bọc xương, tay chân tím tái.
Sau hai lần đó, Sơn như người mất hồn, chẳng thiết ăn uống, suốt ngày ngồi thừ một chỗ chẳng nói chẳng rằng, bởi bao nhiêu vốn liếng tích cóp từ bấy lâu nay đã bay đi như bong bóng, hơn nữa anh lại mang bệnh trong người. Và rồi, trong lần đến thăm một ngôi chùa tại Hà Nội, anh đã gặp được hoà thượng Thích Thanh Hiền- lúc đó là Phó ban Trị sự Trung ương hội Phật giáo Việt Nam. Không chỉ là một nhà sư đức độ, ông còn là một trong những người có tay nghề cao trong điêu khắc và truyền thần. Chính vị sư này đã nhận anh làm đệ tử và hết lòng truyền nghề cho người học trò nổi tiếng là láu cá, tinh nghịch nhưng rất thông minh này. Sơn dần trở thành một trợ thủ đắc lực của thầy trong những lần đi công cán hay sửa chữa ở những đền chùa... Những lần đi này đã giúp anh có được sự trải nghiệm vô cùng quý giá. Từ những hoa văn đơn giản đến những nét chạm đòi hỏi kỹ thuật cao, tất cả đã được Sơn nghiên cứu tỉ mẩn. Có những hôm từ sáng đến trưa, anh chỉ cầm một miếng gỗ mà thầy đã làm để ngắm ngía, tỉa tót và đặt ra câu hỏi: "Tại sao một miếng gỗ chỉ nhỏ bằng bàn tay mà có thể khắc được một con rồng nằm cuộn tròn đầy tinh xảo đến như vậy". Anh Sơn chia sẻ: "Muốn vẽ truyền thần tốt, điều quan trọng mình phải như một chiếc máy chụp ảnh. Còn muốn phản ánh đúng chân dung, diện mạo của một con người thì phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau". Cái lớn nhất mà Sơn học được trong lần "tầm sư, học đạo" này là giúp cho anh hiểu thấu đáo được thế nào là từ bi, bác ái của đạo Phật.
Những học viên đang học nghề và làm việc trong xưởng chế tác gỗ của anh Sơn.
Se duyên lành cho hai mảnh đời bất hạnh
Ở với thầy được 5 năm, Sơn xin phép thầy về quê mở xưởng. Thời điểm đó mọi thứ còn rất khó khăn. Tài sản anh mang theo trong những năm theo học hòa thượng Thích Thanh Hiền là kiến thức, 5 cái đục và 2 cái bào. Để mở một xưởng điêu khắc gỗ thì quả thực anh còn thiếu rất nhiều thứ. Vì thế, ban đầu anh chỉ nhận đóng một vài cái tủ, dăm ba cái ghế... để tích góp vốn dần dần. Những sản phẩm anh làm ra không chỉ chắc chắn mà có giá trị thẩm mĩ rất cao khiến tay nghề của anh trong vùng dần được khẳng định. Khách hàng cũng tìm đến anh ngày một nhiều. Từ một cơ sở mộc nhỏ nhoi, anh đã mở được xưởng sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ lớn với hàng trăm lao động.
Điểm khác biệt là xưởng gỗ do anh Sơn làm chủ lại đang sở hữu những lao động "có một không hai"- đó là những người bị dị tật bẩm sinh như câm điếc, què quặt... "Trong tổng số 80 lao động làm việc ở đây thì có 50 người mắc các loại bệnh bẩm sinh" - anh Sơn bật mí. Tuy nhiên, để có được những lao động thành thạo như ngày hôm nay, anh Sơn đã phải cố gắng, quyết tâm rất nhiều.
Trước đó, năm 2001, khi đi dự hội thảo về tạo công ăn việc làm cho những người không may mắc các bệnh bẩm sinh như câm điếc hoặc các chứng bệnh do ảnh hưởng của chất độc màu da cam do huyện Tiền Hải tổ chức, anh Sơn đã tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã bàn với vợ quyết định tuyển chọn những "lao động không bình thường" vào làm trong doanh nghiệp của mình.
Thời gian đầu quả thật rất khó khăn. Anh bảo: "Với người bình thường, dạy nghề cho họ cũng đã vất vả huống chi là những người bị khuyết tật. Làm sao để họ hiểu và tiếp thu một cách nhanh nhất, đồng thời nâng cao được tay nghề thì cần phải có sự kiên trì. Thời gian đầu tôi phải đi học "ngôn ngữ hình động" để có thể giao tiếp, qua đó hiểu được tâm tư, tình cảm của họ như thế nào". Từ đó, các học viên tìm đến cơ sở của anh ngày càng nhiều. Một số gia đình ở các huyện khác như Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương... cũng đưa con em mình đến học. Chính vì thế, từ năm 2001 đến nay, anh liên tục mở các lớp dạy nghề và tạo việc làm cho khá nhiều những người khuyết tật. Những học viên sau khi học nghề xong có thể làm việc ngay tại đây với mức lương trung bình từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng hoặc được anh giới thiệu cho các cơ sở khác. Những học viên ở xa còn được anh bố trí chỗ ăn nghỉ ngay tại xưởng.
Ông Vũ Văn Quân ở xã Bắc Hải, Tiền Hải có 3 người con đều bị dị tật câm điếc nói với chúng tôi: "Nếu không có anh Sơn thì gia đình tôi không biết phải làm thế nào. Trước đây, 3 đứa chúng nó ở nhà chỉ biết quấy khóc, nhưng chỉ vài tháng vào làm ở đây đã thay đổi thành người khác hẳn". Không chỉ tạo công ăn việc làm cho họ, anh còn tạo dựng được một sự đoàn kết, thân thiện giữa những người lao động ở đây. Một điều đặc biệt là anh đã đứng ra tổ chức đám cưới cho 2 đôi bạn trẻ đều khuyết tật đang làm việc tại đây. Đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Hương và Chu Thị Quế sau đám cưới còn được người chủ tốt bụng này cho mượn nhà để ở. Nói chuyện với cô bé Hoàng Thị Vi bị dị tật câm điếc qua hình thức viết chữ, em rất vui cho biết: "Được nhận vào học việc và làm tại đây là điều rất may mắn đối với em. Điều quan trọng là mọi người trong xưởng đều coi nhau như anh em ruột thịt, không bao giờ có sự kỳ thị".
Đào Giang