Đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm sống từ lộc biển
Chúng tôi đến thôn Long Hải (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) vào một ngày nắng gắt (theo các ngư dân, đó là ngày nắng nhất từ đầu hè đến giờ-PV). Dạo một vòng thôn Long Hải, chúng tôi được tận mắt mục sở thị những liếp cá nục, cá thu,... tắm mình dưới nắng. Khắp các con ngõ ngoằn ngoèo của vùng quê này, gần như mọi khoảng trống trên mặt đất đều phủ đầy cá.
Lò nướng cá của gia đình bà Bình được ví như "lò bát quái. Ảnh N.G.
Theo tìm hiểu của PV, ở Thạch Kim, hai thôn Xuân Phượng, Long Hải có nhiều lò sản xuất cá nướng nhất vùng. Mỗi lò chế biến trung bình từ 1-2 tạ cá thành phẩm/ngày. Những con cá vừa mang từ biển về, nhanh chóng được các bà, các chị rửa sạch và đưa lên lò lửa nướng rồi phơi qua nắng trên các vỉ lưới trong sân nhà, trên mái nhà cho "dậy" mùi. Dọc theo lề đường ở mỗi lò, hàng chục lao động phải làm từ sáng sớm đến tối mịt mới xong. Khi cá về nhiều, họ phải ở lại làm cả đêm. Thu nhập của mỗi người 2-3 triệu đồng/tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, chú Nguyễn Văn Thuật (thôn Long Hải) cho biết, nghề nướng cá, cá hấp phơi khô... ở Thạch Kim đã có từ mấy chục năm nay. Từ sáng sớm đến chiều muộn, cả xóm Long Hải, Xuân Phượng... thơm nồng mùi cá nướng. Theo bật mí của chú Thuật, toàn xã Thạch Kim có khoảng 1.000 gia đình sống bằng nghề nướng cá và trung bình một hộ có từ 2 đến 3 bếp lò luôn đỏ lửa. Nghề nướng cá đã đem lại thu nhập ổn định cho những ngư dân lam lũ, quanh năm sống chung với vị mặn mòi của biển. Nghề chế biến cá tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở vùng biển Cửa Sót. Ở một số lò, có cả trẻ em làm thêm kiếm tiền vào dịp hè. Chú Thuật hài hước nói: "Chỉ cần chạy xe lướt qua một người là tôi có thể nhận ra người đó vừa làm từ lò nướng cá về bởi mùi cá nướng bám chặt vào quần áo, tóc tai".
Rong ruổi từ đầu thôn Long Hải đến cuối xã Thạch Kim, chú Thuật dẫn tôi đến lò nướng cá của gia đình bà Phạm Thị Bình. Vừa tới đầu ngõ, mùi cá nướng thơm phức khiến tôi không thể cưỡng lại sự tò mò. Từ ngoài cổng, vào trong sân rồi đến hiên nhà, hàng chục rổ cá, vỉ cá nướng vừa được ra lò đang được bà Bình cho "tắm" thêm nắng.
Vừa bước vào lò nướng, hơi nóng từ 2 chiếc bếp than phả lên hầm hập khiến tôi cảm nhận như muốn cháy xém da. Vậy nhưng, bà Bình vẫn miệt mài xếp từng con cá lên vỉ rồi bắc lên bếp than hồng đượm.
Bà Bình cũng cho hay, nướng cá bằng than hoa hoặc bằng rơm đều thơm và ngon. Nhưng, nướng bằng rơm lại cho một mùi thơm ngọt của lúa mới. Nướng cá để bán gọi là nướng nhưng không hoàn toàn nướng chín mà chỉ vừa đủ lửa cho lớp vỏ bề ngoài con cá săn chắc lại còn nướng để ăn thì cầu kỳ hơn rất nhiều. Bà Bình nói: "Việc nướng cá nghe thì tưởng dễ nhưng nếu không phải là tay thành thạo thì nướng sẽ không được ngon. Cái giỏi của người có tay nghề là rơm phủ chỉ có một lần. Rơm cháy vừa hết thì cá cũng vừa chín đến nơi. Quá chín thì cá hết ngọt, chưa chín tới cá nhão có mùi tanh, chất nhiều rơm cá khét, rơm thiếu cá sống khúc đầu, đốt thêm lửa, khúc giữa và khúc đuôi khô nước mất ngon".
Thông thường, lò nướng của bà Bình dùng than hoa vì lượng cá mỗi ngày xuất xưởng cũng khá lớn. Lò nướng của bà Bình thường nhận đơn đặt hàng của các thương lái ở các xã lân cận. Công việc của những người làm nghề nướng cá ở Thạch Kim được bắt đầu bằng việc thu mua cá từ các đội tàu, đem về, cắt từng miếng, rửa sạch, chờ ráo nước rồi đem nướng trên than hoa. Cá biển được chế biến theo hình thức này sẽ giữ được hương vị tự nhiên, dễ bảo quản, dễ vận chuyển nên ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Vì lý do đó mà nghề nướng cá ở Thạch Kim cũng phát triển theo.
Nhà làm ít thì bán ở các chợ quanh vùng, nhà làm nhiều thì cung cấp cho các huyện miền trong tỉnh và bán cho thương lái các tỉnh. Hàng ngày, bà Bình ra cảng Cửa Sót nhập cá theo đơn đặt hàng của khách rồi đem về chế biến và cho vào lò nướng. Bà Bình chia sẻ: "Làm nghề này cả ngày đầu tắt mặt tối, buổi trưa cũng chỉ tranh thủ nghỉ ít phút để ăn trưa rồi lại quay cuồng với lò nướng. Nhìn trông đơn giản nhưng để nướng được một tạ cá cũng ngốn đến 3 nhân lực trong gia đình tôi mà còn làm không làm xuể".
Bà Bình đang cặm cụi xếp cá vào vỉ nướng. Ảnh N.G
Phất lên từ nghề cá nướng
Theo tìm hiểu của PV, thôn Xuân Phượng, Long Hải... sống bằng nghề đi biển, cánh đàn ông từ chiều lên thuyền ra khơi để ngày hôm sau có cá cho các bà nướng đem bán. Nhưng cá ngày càng ít không đủ để nghề nướng cá hoạt động, tuy nhiên làng nghề vẫn khắc phục bằng cách thu mua cá từ các địa phương khác.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn gắn bó với nghề nướng cá ngót ngét 20 năm. Hàng ngày, 5 lao động trong gia đình cùng tham gia sơ chế và nướng hơn 1,5 tạ cá các loại, trừ chi phí, mỗi ngày cũng thu về 350- 400 nghìn đồng. Trong những năm làm nghề, ông Tuấn vẫn luôn bằng lòng vì nghề đã nuôi sống 6 miệng ăn, các con của bà đều có điều kiện theo học tại các trường đại học.
Bà Bình tâm sự: "Sinh ra ở vùng biển, chúng tôi chỉ có thể "sống" cùng biển. Mỗi người một sự chọn lựa. Những người đàn ông vạm vỡ bám biểm đánh bắt hải sản cung cấp ra thị trường; người già, phụ nữ, trẻ em thì đi bốc cá thuê ở cảng hoặc các trạm đông lạnh kiếm tiền mưu sinh; nhiều hộ gia đình lại chọn nghề nướng cá để tạo thu nhập ổn định hàng ngày...".
Nói về nghề nướng cá, bà Bình bật mí, một lò nướng gồm hai viên gạch kê nối liền nhau và hai thanh sắt gác song song trên nền than hồng đượm. Trong nửa ngày, một lò có thể nướng hết công suất được 1 tạ cá các loại, mang ra chợ ở thị xã Hà Tĩnh bán hoặc giao cho các thương lái, trừ chi phí cũng kiếm được chút đỉnh tiền lời. Bà Bình bảo rằng, tiền công nướng 1 tạ cá là 350- 400 nghìn đồng, trừ chi phí (tiền than, tiền điện...), tiền công thu về là 150- 200 nghìn đồng. Bà Bình cũng cho biết, 10 cân cá sống thu về khoảng 7- 7,5kg cá nướng. Vì thế, giá thành mà các thương lái phải trả sẽ phải cao hơn.
Bà Bình bảo rằng, trăm sự là do cái khó bó cái khôn đành phải làm ăn theo kiểu mèo nhỏ bắt chuột con, vì thế mà nhiều hộ gia đình lúc đầu mở lò nướng cá cũng chỉ nướng 20-30kg. Nhưng dần dà, họ mở rộng quy mô, có những gia đình dày vốn, lò nướng cá mỗi ngày chế biến cả tấn cá thương phẩm. Có người buột miệng mà nói rằng nướng cá cũng là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nhưng bếp lò thơm phức mùi cá nướng đã làm nên một làng nghề đem diện mạo mới cho Thạch Kim.
Ở Thạch Kim, nghề này khá phát triển. Nhiều hộ, ngoài những người trong gia đình, họ còn thuê thêm người làm. Cũng không ít gia đình phất lên nhờ nghề nướng cá. Như gia đình chị Đặng Thị Duyên với thâm niên 20 năm cặm cụi bên bếp lò nướng cá, có 11 anh, em thì đến 5 người học đại học. Gia đình chị Duyên cũng đã tậu được nhà lầu, xe hơi nhờ nghề nướng cá.
Giờ đây, nghề nướng cá không chỉ có ở xã Thạch Kim mà còn xuất hiện ở nhiều xã khác ở Hà Tĩnh và nghề nướng cá đang trở thành một nghề hái ra tiền từ lộc biển.
Thơm mùi cá nướng mặn mòi vị biển Khi tôi ngỏ ý viết về nghề cá nướng, bà Bình cười cười: "Có chi đâu mà nhà báo muốn viết. Nghề nướng cá cũng như vạn thứ nghề khác mà thôi, cực nhọc lắm!". Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Bình cho hay, trung bình mỗi ngày gia đình bà cho ra lò khoảng 1 tạ cá nướng các loại như cá thu, cá nục, cá cam.... Mỗi công đoạn từ làm cá, rửa cá, nướng cá đến phơi cá đều rất tỉ mỉ và đảm bảo vệ sinh. Có những gia đình nướng cá "công nghiệp" thì nướng bằng than hoa, có gia đình cầu kỳ lại nướng cá bằng rơm. Nướng cá bằng than hoa và dùng quạt điện để nướng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi mẻ cá nướng cũng đến 50-70 con (mỗi vỉ 15-20 con). |
N.Giang