Nhiều người nghĩ rằng, hư lắm, nghịch lắm, láo lắm, những đứa trẻ ấy mới bị bắt vào đây. Các em vào trại đôi khi vì một phút dại khờ, bồng bột vì chưa đủ lớn để nhận thức hành vi phạm tội của mình. Thực tế đau lòng là có những em muốn sớm ra trường để làm lại cuộc đời mình, song bị xã hội kỳ thị; Có những em muốn trở về gia đình nhưng bị chính người thân yêu chối từ...
Trường học thường là nơi chắp cánh ước mơ và nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Nhưng có những ngôi trường không đặt tiêu chí dạy kiến thức cho học sinh mà đề cao việc giáo dục ý thức, rèn luyện đạo đức để các em nhận rõ những hành vi, việc làm sai trái trước khi thu nạp tri thức để quay lại con đường trở thành người có ích trong xã hội. Đó là đặc thù của những ngôi trường giáo dưỡng, nơi thu nhận trẻ vị thành niên vướng vòng lao lý độ tuổi từ 12 - dưới 18 tuổi.
Không nghĩ ăn cắp là có tội
Anh Lê Xuân Thao, cán bộ phụ trách văn hóa ở trường Giáo dưỡng số 2 cho biết: "Có nhiều em vào trường mới được học chữ. Nhiều em bỏ học quá lâu nên có hiện tượng tái mù. Phần lớn các em là học sinh miền núi, ở quê đi học theo diện lấy gạo ăn cho gia đình. Vì hoàn cảnh gia đình, các em không chú ý học lấy cái chữ, mà được cài đặt sẵn tư tưởng đi học để giúp gia đình vượt qua khó khăn thiếu gạo".
Sự ngây thơ và hồn nhiên của tuổi vị thành niên khiến người lớn phải đau lòng trước những hành vi vi phạm pháp luật của các em học sinh trường Giáo dưỡng số 2.
Anh Thao dẫn chúng tôi đi gặp một vài học sinh cá biệt để có thể hiểu sâu hơn về những mảnh đời. Tùng, SN 1996, ở Văn Chấn, Yên Bái có khuôn mặt đặc trưng của người dân tộc Mông khiến tôi chú ý. Tùng là một trong những đối tượng chuyên ăn trộm tiền của hàng xóm lấy tiền mua kẹo. Trộm nhiều lần trót lọt, nhưng trong một lần mạo hiểm cùng một nhóm bạn trong bản cần tiền đi chơi, Tùng đã lấy khoản tiền hơn 5 triệu đồng của nhà hàng xóm và bị bắt vào đây. Tùng lí nhí chia sẻ: "Hồi bé, em chỉ ăn cắp tiền của mẹ đi mua kẹo ăn khi bố mẹ lên rẫy. Nhưng nhiều lần bố mẹ phát hiện, giấu tiền kỹ, em phải lần tìm ăn cắp của nhà hàng xóm. Em chỉ nghĩ người khác có, mình cần thì lấy. Nếu lấy bị người ta phát hiện sẽ bị mắng, bị dẫn về nhà nói với bố mẹ, và bị bố mẹ đánh đòn. Vì thế, em tự nghĩ phải tìm cách lấy khi người ta đi vắng, người ta không bắt được. Em không biết như thế là có tội, là có ngày sẽ bị bắt phải vào trường giáo dưỡng như thế này".
Trường hợp của Trang, Hải Dương cũng khiến chúng tôi giật mình. Trang sinh năm 1999, sống với bà nội vì bố mẹ ly dị từ khi Trang còn rất nhỏ. Bà già rồi nên không thể quản lý được sự ăn chơi thái quá của Trang. Chán chuyện gia đình, Trang thường xuyên tìm đến các quán internet để tìm bạn online, nhảy Audition. Đến khi bị công an Hải Dương bắt vì tội trộm cắp tài sản, Trang không nhớ nổi là mình đã từng ăn cắp bao nhiêu tiền, của bao nhiêu người. Mười bốn tuổi, bạn bè trong trường Giáo dưỡng số 2 nể Trang không phải vì Trang chín chắn, già dặn mà vì trình độ nhảy Audition ở mức đỉnh cao ngoài xã hội.
Ở tuổi vị thành niên, nhiều em phải trả giá bằng 24 tháng tách biệt khỏi cuộc sống đời thường chỉ vì không có người lớn bên cạnh chỉ bảo điều đúng, sai, nói cho các em biết việc nên hay không nên làm. Thành, người Na Rì, Bắc Kạn, dân tộc Dao là một trong những điều rất đáng tiếc như vậy. Thành sớm mất cả cha mẹ, chuyên trộm điện thoại bán lấy tiền sống vì họ hàng thân thiết đều không quan tâm đến đứa cháu mồ côi. Thành thường theo bạn bè lên phố, nhằm những đối tượng sơ hở trên đường giật điện thoại hoặc móc túi của họ. Có những chiếc điện thoại móc được, Thành đem bán được một vài trăm nghìn. Thế nhưng, “miệng đói thì chân phải bò”. Nhiều lần bị bắt, tội nhẹ được tha nhưng tái phạm với mức độ nặng nên Thành bị đưa vào đây.
Tùng (ở Yên Bái, người dân tộc Mông) và Thành (ở Bắc Kạn người dân tộc Dao) rất buồn vì không có người thân đến thăm trong suốt thời gian ở trường.
Thèm khát một lần được mẹ vào thăm
Cuộc trò chuyện cởi mở của chúng tôi với các em học sinh của trường Giáo dưỡng số 2 bị gián đoạn bởi nỗi buồn sâu thẳm trên gương mặt già trước tuổi của Thành. Tôi giật mình, nghĩ nhanh về những gì mình vừa hỏi và chia sẻ. Tôi rất sợ mình đã vô tình khơi gợi một sự tổn thương nào đó trong những tâm hồn thơ ngây. Thành tâm sự: "Em vào đây đã được 17 tháng, chưa bao giờ có sự thăm hỏi của người thân. Bố mẹ em đều mất cả rồi, nên dù có thèm chút tình cảm gia đình lắm, cũng không có ai xuống đây thăm em được".
Những tưởng chỉ có các em không còn cha mẹ mới không có người đến thăm, nhưng ngay cả khi cha mẹ các em còn sống và làm ăn lương thiện thì sự thăm nom của người thân với các em cũng như một thứ quà vô cùng xa xỉ. Tùng cho biết: "Em thấy có lỗi với mẹ và rất mong được gặp mẹ một lần để nói lời xin lỗi, nhưng chắc phải để dành lời xin lỗi đến khi nào em mãn hạn về nhà. Em không dám trách gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa và cũng vì em sai, em đã làm những việc xấu khiến gia đình phải xấu hổ. Nhưng nhiều lúc thấy các anh và các bạn được người thân thăm hỏi trò chuyện lại chỉ muốn khóc vì tủi thân".
Chia sẻ về điều này với chúng tôi, thượng tá Lê Kim Thanh cho biết: "30% các em vào đây không được người thân đến thăm hỏi động viên trong suốt cả một quá trình. Các em thường có hoàn cảnh éo le, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cũng có những em có cả cha mẹ đều đi tù. Nhưng đa số các em bị gia đình bỏ mặc. Tôi cho rằng, nhiều gia đình nghĩ đưa các em đến trường giáo dưỡng là hoàn thành nghĩa vụ, là hết trách nhiệm với các em nên mới bỏ mặc chính con mình. Đây là một việc làm hết sức vô tâm từ phía những người thân. Việc làm này khiến các em bị ảnh hưởng về mặt tâm lý trong quá trình rèn luyện. Nếu thường xuyên có sự thăm hỏi động viên từ gia đình, tôi tin chắc các em sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều".
Khi được hỏi, tất cả các học sinh đều tỏ mong muốn thường xuyên được gặp người thân. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi các em rèn luyện tốt, được bình xét thi đua hàng tháng và xếp loại tốt vào cuối năm nhưng lại nhường ngày phép cho các bạn khác. Nhiều gia đình học sinh, khi các thầy gọi điện về nhà cũng không có ai lên thăm. Thượng tá Thanh cho biết: "Ở trường, chúng tôi gọi những kỳ nghỉ phép của các em là một phép thử. Chúng tôi tạo điều kiện cho các em về với xã hội, tất nhiên phải có sự phấn đấu ở trường và có sự giám sát của chính quyền địa phương cũng như cam kết của gia đình để kiểm soát khả năng hòa nhập và bản lĩnh của các em".
Thầy giáo cũng là chuyên gia tâm lý Thầy Sắc cũng cho biết: "Công tác trong môi trường chỉ có trẻ vị thành niên phạm tội mà không nắm bắt đúng tâm lý của các em, hay tìm hiểu căn nguyên sâu xa con đường dẫn các em đến đây thì sẽ là bài toán khó không lời giải. Hơn nữa, người cán bộ của trường, người thầy nhưng cũng là người cha, người mẹ, là anh chị, thậm chí có lúc phải biến mình thành bạn bè với các em để chia sẻ và thấu hiểu mới mong giáo dục được". Nuôi dạy hàng nghìn “đứa con cá biệt” Trung tá Lê Văn Sắc, cán bộ Phòng tổng hợp tâm sự: "Mọi người vẫn thường nghĩ công việc của chúng tôi là nhàn, là dễ. Nhưng với một đứa con, cha mẹ đã phải dồn hết tâm trí chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy mà chưa chắc đứa con đó đã đủ bản lĩnh để trưởng thành mà không vướng vào mặt trái xã hội. Vậy mà ở đây, chúng tôi có hàng nghìn đứa con, hàng nghìn cá tính, đa số là những cá tính cá biệt, thuộc dạng khó bảo, không thuần tính như những đứa trẻ khác. Giáo dục các em thành người tốt là việc không hề đơn giản. Nhưng với trách nhiệm và lương tâm người thầy, chúng tôi mong "cải thiện" được suy nghĩ lệch lạc cũng như định hướng tương lai cho các em trở thành những công dân tốt khi rời khỏi đây". |
Lê Tuấn - Dương Thu