Những mảnh đời trẻ vị thành niên vướng vòng lao lý (kỳ cuối)

Những mảnh đời trẻ vị thành niên vướng vòng lao lý (kỳ cuối)

Thứ 5, 19/09/2013 22:14

Thời gian vào trường Giáo dưỡng của học sinh theo quy định thấp nhất là 6 tháng, nhiều nhất là 24 tháng. Đó không phải là thời gian quá dài nhưng đủ để các em nên người từ những dạy bảo tận tình của các thầy cô nơi đây. Song thật xót lòng, nhiều học sinh sau khi mãn hạn lại nước mắt ngắn dài xin các thầy cô cho... ở lại trường vì không có nơi nào để về!

Nhiều em sau này đã trở thành người có ích cho xã hội

Môi trường giáo dục và rèn luyện tại trường giáo dưỡng không quá khắc nghiệt vì học sinh của trường đều là những trẻ em phạm tội ở tuổi vị thành niên. Dù được đưa đến trường với bất cứ lý do nào và với bất cứ tội danh nào, các em cũng được thầy cô giáo nhẹ nhàng uốn nắn, thậm chí phải "mềm nắn rắn buông" để các em nhận thức việc làm đúng sai, không thể chỉ dùng hành động, đòn roi. Thế nhưng, Thượng tá Lê Kim Thanh cho biết: "100% các em học sinh khi mới vào đây đều có tư tưởng bỏ trốn".

Thượng tá Thanh chia sẻ: "Đối với chúng tôi, việc học sinh bỏ trốn là việc làm hết sức dễ hiểu và phải chấp nhận. Bản thân các em đang ở ngoài xã hội sống cuộc sống tự do theo cách mình muốn. Vì tự do quá trớn nên các em vướng vào vòng lao lý. Khi phạm tội, bị đưa vào đây, các em phải làm quen với cuộc sống có khuôn khổ nghiêm túc, nề nếp".

Pháp luật - Những mảnh đời trẻ vị thành niên vướng vòng lao lý (kỳ cuối)

Một trong những hoạt động vui chơi giải trí của các học sinh.

Học sinh vào trường được học về truyền thống của trường để các em thấy nơi các em đến là một môi trường tốt đẹp cho các em rèn luyện mình thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trường hợp học sinh bỏ trốn vẫn rải rác xuất hiện trong các đội mới. Thượng tá Thanh cho biết: "Dù các thầy cô và cán bộ trong trường có chu đáo đến mấy vẫn có nhiều trường hợp học sinh lợi dụng lúc sơ hở của cán bộ quản lý để tìm cách trốn khỏi trường. Ngay lập tức, nhà trường cử cán bộ về địa phương phối hợp công an địa phương tìm đưa các em trở lại trường. Khá nhiều em trốn thoát được một thời gian sau khi giao du với bạn bè xấu, bị công an bắt đưa lại trường. Đa số các em tỏ ra hối hận và chăm chỉ rèn luyện, nhiều em sau này có thành tích tốt và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được rời trường trước thời hạn".

Minh, quê Lào Cai tâm sự: "Em không còn cha mẹ, vào đây mới có cảm giác được người lớn quan tâm. Các cô, dì, chú, bác nhà em còn đông lắm, nhưng vì bố mẹ em mất sớm, khi sống lại không hòa thuận với gia đình nên anh chị em em lớn lên phải tự bươn chải và sống độc lập. Nhiều năm em sống không biết đến tình thân, khi vào đây được các thầy cô nhắc nhở đi ngủ đúng giờ, đi ăn đúng bữa, dạy cho biết điều này là sai trái không được làm. Em thấy mình là người may mắn vì đã được là học sinh của trường Giáo dưỡng số 2".

Pháp luật - Những mảnh đời trẻ vị thành niên vướng vòng lao lý (kỳ cuối) (Hình 2).

Các thầy cô trường Giáo dưỡng luôn đề cao việc tạo cảnh quan thân thiện để học sinh lạc quan yêu đời và rèn luyện tốt.

Rưng rưng nước mắt ngày về

Theo lời Thượng tá Lê Kim Thanh: "Thường thường, gần các kỳ hạn ra trường, Ban giám hiệu lại nhận được một số thư của các em học sinh từ trong đội gửi lên. Các em có những tâm sự chia sẻ về những ngày ở trường rất xúc động. Chúng tôi giật mình và khá lúng túng khi có những em tha thiết mong muốn được ở lại. Dù thương các em lắm nhưng nhà trường không có chức năng cho các em ở lại. Bởi thế, bất cứ em nào có tư tưởng  xin ở lại, chúng tôi đều khuyên bảo để các em hiểu, tự tin về hòa nhập xã hội".

Ngừng chuyện hồi lâu, trầm tư, vị Thượng tá nhỏ giọng: "Có những em cha mẹ đều mất sớm, gia đình không còn ai cưu mang nên viết thư xin ở lại đã đành. Nhưng đau lòng nhất có những em còn cả cha cả mẹ, vì hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì các em là thành phần hư, bị anh em gia đình hắt hủi. Các em rất tự ti, và không muốn trở về vì chính gia đình không tiếp nhận. Người ta đi trại chỉ mong ngày về đoàn tụ bên gia đình. Đằng này, các em lại thấy sợ thời gian mãn hạn giáo dưỡng và không biết đi đâu về đâu".

Trung tá Lê Văn Sắc, phòng tổng hợp của trường vẫn nhớ như in trường hợp của Luân (tên nhân vật đã được đổi), sinh năm 1971, hiện nay đã có con trai lớn chuẩn bị thi vào đại học. Anh là một trong những học sinh may mắn được nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ ở lại khi không còn con đường nào khác để đi. Trung tá Sắc kể: "Đó là trường hợp đầu tiên và cũng phải khẳng định Luân rất may mắn được chấp nhận cho ở lại trường. Khi thời hạn 24 tháng đã hết, anh Luân tìm gặp riêng các thầy trong ban giám hiệu, thủ thỉ nhiều ngày. Luân nói ở quê không còn ai thân thích, nếu có ra ngoài cũng không về địa phương mà tiếp tục lang thang, sợ rằng sẽ bị bạn bè xấu lôi kéo, tiếp tục sa ngã vào tệ nạn xã hội. Luân muốn tránh xa khỏi xã hội có quá nhiều cạm bẫy. Để được ở lại, Luân còn đưa ra giả dụ trường hợp Luân có hành vi vi phạm pháp luật lần nữa, không hẳn do chủ ý mà có thể do vô tình, thì lúc đó, Luân không còn trong tuổi giáo dưỡng nữa. Luân sẽ phải đi tù. Luân rất sợ phải ở tù. Luân sợ bị người ta gọi mình là thằng đi tù.

Sự tha thiết và khẩn cầu của Luân đã khiến các thầy cô cảm động. Luân được sắp xếp một căn phòng tập thể trong khu tập thể của các thầy cô, được cấp cho một phần đất nhỏ để làm ruộng mưu sinh. Vì đã từng là một học sinh gương mẫu, chăm chỉ nên các thầy tin tưởng, cùng nhau quyên góp một số tiền nhỏ cho Luân đi học lái xe.  Sau đó, các thầy cô ở trường còn chứng kiến đám cưới của Luân với một người cũng từng là học sinh nữ trong trường. Luân chăm chỉ làm ăn, chăm lo cho vợ con hết lòng. Luân là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của bao thế hệ học sinh trường Giáo dưỡng số 2. Luân muốn có cuộc sống yên ổn, và hiện nay Luân từ chối mọi sự tiếp xúc với báo chí và người ngoài.

Trung tá Sắc trăn trở: "Thời gian ở trường Giáo dưỡng thấp nhất là 6 tháng, cao nhất cũng chỉ 24 tháng. Chúng tôi có thể quản lý các em, uốn nắn các em khoảng thời gian ở trường. Nhưng khi thời hạn giáo dưỡng đã hết, chúng được về với gia đình, về với cộng đồng, về với xã hội. Nếu chúng lại tiếp tục "hưởng" những gì như cuộc sống trước đây, lại hư, thì chúng tôi khó lòng kiểm soát. Hiện nay, có rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng cứ cho con vào trường Giáo dưỡng là có thể hoàn toàn thay đổi sự hư hỏng của chúng. Nhưng đó là một suy nghĩ rất sai lầm. Cái các em có ở trường là sự thay đổi về nhận thức tốt lên, nhưng các em vẫn rất cần một môi trường giáo dục tốt, lành mạnh khi trở về hòa nhập xã hội để trở thành một công dân có ích trong xã hội".          

Xin đừng kỳ thị quá khứ sai lầm

Thượng tá lê Kim Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường trăn trở: "Nhiều người nghĩ, học sinh phải vào trại giáo dưỡng đồng nghĩa với việc đi tù. Đó hoàn toàn là một suy nghĩ áp đặt hết sức sai lầm. Các em đang ở tuổi vị thành niên, ý thức đạo đức chưa hoàn thiện. Cái các em cần ở tuổi của mình là có người lớn bên cạnh để chỉ bảo, dạy dỗ. Tôi hy vọng xã hội đừng quá kỳ thị chuyện các em là phạm nhân, sẽ rất tốt cho những tâm hồn non trẻ làm lại cuộc đời".

Đừng mong mài sắt thành vàng

Trung tá Lê Văn Sắc nhấn mạnh: "Trẻ đã vào đây như cục sắt bị han gỉ bởi những hư hỏng, những hỗn láo, những sa ngã. Chúng tôi dù cố gắng hết sức cũng chỉ có thể phủi cái lớp gỉ bên ngoài. Các em có thể thành cục vàng hay không phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của mình, và quan trọng hơn hết vẫn là môi trường mà chúng tái hòa nhập xã hội. Mọi người đừng nghĩ các thầy cô giáo ở trường Giáo dưỡng có khả năng thiên tài mài một cục sắt thành một cục vàng".

Hạnh phúc của thầy cô là các em nên người!

"Những năm gần đây, nhà trường luôn có những cuộc khảo sát thực tế, cử cán bộ về tận địa phương các em đã từng có danh sách học sinh của trường. Điều rất đáng mừng, hơn 70% các em tái hòa nhập tốt, làm ăn lương thiện. Một phần không lớn các em tiếp tục đi học cấp 3, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước", Thượng tá Lê Kim Thanh cho biết.

Lê Tuấn - Dương Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.