Các khoáng chất như niken, đồng và lithium thường đứng đầu danh sách các khoáng sản tối quan trọng đối với chính phủ các nước. Những khoáng sản này cũng cần thiết cho các công nghệ sạch như pin xe điện, năng lượng mặt trời hay điện gió.
Sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Bộ Năng lượng Mỹ, tác giả Bruno Venditti và nhà thiết kế đồ họa Zach Aboulazm của Visual Capitalist đã tạo ra bức đồ họa cho phép hình dung những khoáng sản nào cần thiết cho 2 siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cùng với Liên minh châu Âu (EU).
Không có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về khoáng sản tối quan trọng là gì, nhưng các chính phủ có thể phân loại chúng dựa theo yêu cầu công nghiệp và đánh giá chiến lược về rủi ro nguồn cung.
Danh sách các khoáng sản tối quan trọng cũng liên tục thay đổi. Ví dụ, danh sách đầu tiên của EU lập năm 2011 chỉ có 14 nguyên liệu thô. Trong khi đó, danh sách năm 2023 xác định 34 nguyên liệu thô là tối quan trọng đối với khối 27 quốc gia này.
Tuy nhiên, có một điều mà các quốc gia đều chia sẻ là lo ngại rằng việc thiếu khoáng sản có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng. Với hầu hết các quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tổng nhu cầu khoáng sản dùng cho công nghệ năng lượng sạch dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
Nỗi lo bị phụ thuộc của Mỹ và EU
Bức đồ họa của Visual Capitalist cho thấy nhu cầu về nguyên liệu tối quan trọng của Mỹ, EU và Trung Quốc giao nhau ở 10 loại, bao gồm coban, lithium, than chì và đất hiếm.
Mặc dù có hầu hết các nguyên liệu tương tự được tìm thấy trong danh sách của Mỹ hoặc Trung Quốc, danh sách của châu Âu là danh sách duy nhất bao gồm đá phốt phát. Khu vực này có nguồn tài nguyên phốt phát hạn chế (chỉ được sản xuất ở Phần Lan) và phần lớn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu cần thiết cho sản xuất phân bón.
Than cốc cũng chỉ nằm trong danh sách của EU. Nguyên liệu này được sử dụng trong sản xuất gang và thép. Sản xuất than cốc hiện bị chi phối bởi Trung Quốc (58%), tiếp theo là Australia (17%), Nga (7%) và Mỹ (7%).
EU còn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia đơn lẻ khác về các nguyên liệu chính như magiê (Trung Quốc, 97%), lithium (Chile, 97%), iridium (Nam Phi, 93%) và niobium (Brazil, 92%). Những sự phụ thuộc này khiến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA) – một đạo luật mới nhằm giảm sự phụ thuộc của khối này vào các nước thứ ba đối với các nguyên liệu thô được phân loại là tối quan trọng.
CRMA nhằm mục đích đảm bảo không có nước thứ ba nào cung cấp hơn 65% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô hàng năm của EU. Nó cũng đặt mục tiêu cho khối này khai thác 10%, xử lý 40% và tái chế 15% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô hàng năm vào năm 2030.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngày nay, nền kinh tế số 1 thế giới phụ thuộc 100% vào nhập khẩu đối với mangan và than chì và 76% đối với coban.
Sau nhiều thập kỷ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu từ các nước khác, việc sản xuất nguyên liệu thô tại địa phương của Mỹ đã trở nên cực kỳ hạn chế. Ví dụ, chỉ có một mỏ niken đang hoạt động (chính) trong nước là Mỏ Eagle ở Michigan. Tương tự như vậy, quốc gia này chỉ có một nguồn lithium ở Nevada, Mỏ Silver Peak.
Sự thống trị của Trung Quốc
Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, hiện là nhà sản xuất lớn nhất của hầu hết các loại khoáng sản tối quan trọng cho cuộc “cách mạng xanh”.
Gã khổng lồ châu Á dẫn đầu về chế biến khoáng sản, kiểm soát 100% nguồn cung than chì tự nhiên đã tinh chế của thế giới, hơn 90% mangan, tinh chế khoảng 35% lượng niken, 60% lượng lithium và 70% lượng coban trên thế giới.
Nước này cũng thống trị ngành sản xuất đất hiếm. Khai thác chỉ là bước đầu tiên. Các nguyên tố đất hiếm phải được tách ra khỏi các oxit, tinh chế và rèn thành hợp kim trong một quy trình phức tạp, có tính chuyên môn cao, nhiều giai đoạn trước khi chúng có thể được dùng làm linh kiện trong các thiết bị công nghệ cao, bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính.
Trung Quốc đã thiết lập vị thế kiểm soát ở mỗi bước của quá trình này, thông qua chiến lược công nghiệp dài hạn, phối hợp, được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp của nhà nước.
“Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn sẽ là người chơi chính”, ông Edoardo Righetti, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu CEPS có trụ sở tại Brussels, cho biết. “Các vị không thể phá vỡ lợi thế cạnh tranh mà họ đã xây dựng trong 30 năm qua chỉ trong vòng 5 năm”.
Đáng chú ý, vàng nằm trong danh sách của Trung Quốc. Mặc dù vàng được sử dụng ở quy mô nhỏ hơn trong công nghệ, Bắc Kinh vẫn tìm cách mua thêm vàng vì các yếu tố kinh tế và địa chính trị, chủ yếu là để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối vốn phụ thuộc nhiều vào đồng USD.
Các nhà phân tích ước tính Trung Quốc đã mua kỷ lục 400 tấn vàng trong những năm gần đây.
Trung Quốc cũng coi uranium là khoáng sản tối quan trọng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ có ý định tự chủ về công suất nhà máy điện hạt nhân và sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy đó. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 1/3 lượng uranium trong nước.
Minh Đức (Theo Oil Price, Euronews, Financial Times)