Chống sạt lở đất bằng thảm thực vật
Đó là việc sử dụng cỏ vetiver, trồng thành từng vệt lớn, tạo thành các thảm thực vật vuông góc với hướng dòng chảy, nhằm giúp giảm vận tốc các tác nhân bào mòn bề mặt như nước, gió, hạn chế xói mòn, giữ đất bị rửa trôi lại phía trên hàng rào cỏ, ổn định chế độ thủy nhiệt.
Giải thích rõ hơn về việc sử dụng thảm thực vật để chống sạt, trượt, PGS.TS. Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, bộ Xây dựng - cho biết: Mục đích của phương pháp ngăn sạt, trượt lở đất bằng thảm thực vật là kiểm soát nước mặt (nước mưa), không cho hoặc hạn chế tình trạng nước mặt chảy thành dòng. Thảm thực vật có tác dụng bảo vệ taluy nền đất, chống xói mòn bề mặt, kiểm soát việc trôi đất, ổn định chế độ thủy nhiệt, giữ độ ẩm cho đất.
Một trong các loại cỏ được sử dụng phổ biến là cỏ vetiver với thân cứng dạng tép, thẳng đứng, cao từ 1,2-1,8m, sinh trưởng theo dạng phát triển mầm con thành bụi. Cỏ này có rễ chùm, ăn sâu vào lòng đất, chiều dài từ 1,5-2m, tạo thành hệ lưới làm cốt có tác dụng liên kết các lớp đất và hạt đất. Sau khi được trồng từ 4-6 tháng, cỏ vetiver sẽ cải thiện các chỉ tiêu cơ lý hóa đất trồng một cách đáng kể, giữ các hạt đất không bị rửa trôi.
Việc sử dụng cỏ vetiver vuông góc với hướng dòng chảy sẽ giúp giảm vận tốc các tác nhân bào mòn bề mặt như nước, gió, hạn chế xói mòn, giữ đất bị rửa trôi lại phía trên hàng rào cỏ, ổn định chế độ thủy nhiệt, giữ ẩm, tạo điều kiện cho các loại thực vật khác phát triển phủ xanh toàn bộ mái dốc. Cỏ vetiver được áp dụng cho hầu hết các loại thổ nhưỡng nơi các loại cây cỏ khác sinh trưởng được.
Giải pháp công trình
Một số giải pháp công trình công nghệ cao phòng chống sạt lở đã được triển khai thí điểm tại tỉnh Hòa Bình và có được những kết quả khả quan.
Một mô hình đang được giới chuyên gia đánh giá cao sau khi thí điểm thực hiện hiệu quả trên một số khu vực dọc tuyến Quốc lộ 6 tại tỉnh Hòa Bình. Đó là mô hình lưới thép cường độ cao ổn định bờ dốc, chống đá rơi đá lở. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Theo mô hình này, hệ thống lưới thép bao phủ toàn bộ bề mặt bờ đá, kết hợp với hàng trăm chiếc đinh sắt cắm sâu vào đá tới 4m, giữ chặt không cho đá sạt lở. Mỗi sợi dây thép cường độ cao được nhập khẩu từ Thụy Sỹ chịu lực kéo lên tới gần 2 tấn trên 1mm² với độ bền hàng trăm năm, bởi vậy nên nhiều khối đá rơi ra đã bị giữ chặt trong tấm lưới này.
Hay như mô hình công nghệ khoan cao áp bơm bê tông vào lòng đất được áp dụng tại khu vực nhà máy thủy điện Hòa Bình; rồi mô hình đóng các cọc bê tông vào sâu trong các khu vực sạt trượt, công nghệ này còn được gọi với cái tên đóng đinh đất…
Theo Bùi Thọ/monre.gov.vn