Hà Nội những ngày cuối năm đẹp đến nao lòng, gió se sắt, mưa bụi giăng mắc và ngợp trong bảng lảng khói sương thâm trầm là sắc đào bừng nở trên những con phố nhỏ. Đào rung rinh đong đưa theo từng vòng quay của xe đạp, đào long lanh kiêu hãnh trên các kệ hàng hoa.
Nhìn những cánh đào mỏng manh rung rinh theo dòng mưu sinh của những xe hoa, lòng chợt thấy xốn xang lạ dù đã nhiều ngày ngắm đào tràn xuống phố.
Hơn bất kỳ loài hoa nào, đào lúc nào cũng mang đến cho tôi thật nhiều xúc cảm, lúc hân hoan, khi rạo rực và cả những chếnh choáng của nỗi buồn tuổi hoa niên. Tất cả bởi hoa gợi đến hình ảnh của những mùa xuân cũ, những nụ đào xúc cảm một thời thanh xuân mẹ đã ươm mầm trong lòng anh em tôi.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái chộn rộn của những chiều 29 Tết khi cả gia đình quây quanh cành đào mẹ mua về. Bố hí húi chặt chân cành hoa, hơ qua lửa rồi tìm chậu ngắm nghía cắm. Mẹ chế nước ấm pha với vài viên vitamin để kích các nụ hoa nở bung xòe. Còn anh em chúng tôi người thổi bóng, người cắm đèn nháy, vừa làm vừa chuyện trò tưng bừng. Kỷ niệm ấm êm sao!
Ở nơi gia đình sống khi tôi còn nhỏ, hoa đào ít được trồng nên ngày tết rất hiếm. Có những năm mất mùa hoa, cả một dọc chợ bán chỉ toàn những cành đào khẳng khiu như củi. Rất ít người mua những cành này nhưng trong số đó luôn có mẹ. Bởi với mẹ Tết chưa về khi nhà chưa có cành đào. Còn anh em chúng tôi thì đã luôn quen với việc cắt những bông hoa năm cánh bằng giấy để gắn lên những cành đào khẳng khiu trong những đêm cuối năm. Chúng tôi thức đến 11, 12h đêm say mê cắt hoa và gắn lên cành. Trong đôi mắt trẻ thơ khi ấy, những bông hoa đào giả luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu và cũng kỳ diệu thật, bởi nhờ chúng mà anh em chúng tôi luôn tự hào với trẻ nhà hàng xóm vì Tết nhà mình đủ đầy hơn.
Mẹ rất yêu hoa. Hàng xóm và người thân quen vẫn nhắc về điều này. Mẹ cắm hoa trong nhà bất cứ khi nào có thể. Nhà có một khoảnh đất trồng rau nhỏ trước cửa, mẹ cũng bớt lại một luống để trồng hoa và mùa nào hoa nấy, thược dược, lay ơn, cúc, đồng tiền cứ rực rỡ khoe sắc trước sự cả sự ngưỡng mộ lẫn gièm pha của hàng xóm.
Tôi từng nghĩ mẹ trồng hoa vì sở thích nhưng sau này lớn lên tôi mới hiểu điều này không đơn giản nằm ở chuyện ý thích cá nhân mà vì một lý tưởng sâu xa mẹ âm thầm tạo dựng: Dạy con yêu cái đẹp. Mẹ luôn quan niệm có biết yêu cái đẹp thì mới có một cuộc đời an bình. Còn bố vẫn bảo rằng những họa sĩ, kiến trúc sư, giám đốc mỹ thuật trong gia đình tôi đều được hưởng từ cái gen “hâm hẩm” của mẹ.
Tết mỗi năm lại đến một lần. Nhưng thú thực, với tôi, những cái Tết đẹp và mong mỏi một cách thực sự nhất là những cái Tết hồi còn thơ bởi khi đó Tết đã được mẹ thổi hồn và dệt vào trong đó những xúc cảm rất lạ.
Hồi đó, Tết dường như đến với gia đình tôi từ rất sớm, thậm chí ngay cả khi hoa đào còn chưa kịp nở.
Ngay từ đầu tháng Chạp, khi gió mùa se lạnh về, mẹ đã đôn đáo phơi những sàng măng lưỡi lợn vàng tươi trên sân nắng. Mẹ cũng rục rịch đi chọn mua nếp cái hoa vàng, rồi thì chọn lạt, đặt mua lá dong.
Tết đến gần hơn khi mẹ ngồi tỉ mẩn tỉa hoa cà rốt và đu đủ thái nhỏ ra sân phơi, ngâm kiệu vào nước tro đến khi trắng ngần và muối lại vại cải chua xanh rờn với củ hành nén tím ngắt.
Rồi qua những đêm bốn mẹ con quây quanh nồi bánh chưng, vừa lủi khoai vừa chuyện trò rôm rả, Tết đã đến bên nhà.
Cái cảm giác khi cả gia đình quần áo chỉnh tề, chắp tay thành kính dưới bàn thờ tổ tiên trong làn hương trầm nghi ngút của buổi giao thừa và sớm mùng một đến giờ tôi còn nhớ như in. Vừa thiêng liêng, vừa háo hức, vừa hồi hộp, lại có chút gì đó hiếu kỳ.
Nhớ hình ảnh mẹ, một thời trẻ, long lanh mắt ướt đen, tóc vấn cao trong bộ đồ chỉnh trang áo trắng, quần lụa đen nghiêm ngắn đứng bên bố phát tiền mừng tuổi cho các con kèm những lời chúc dường như năm nào cũng vậy nhưng nghe sao thật thiêng liêng.
Năm nào cũng thế, dù khi còn nghèo hay lúc khá giả hơn, mẹ luôn chu đáo lo 1 cái Tết cổ truyền, đầy đủ hương sắc cho cả gia đình.
Nhưng tiếc thay, đó là những cái Tết cũ, những cái Tết mẹ còn khỏe mạnh. Năm nay mẹ đã không còn có thể đi. Giờ cả ngày quẩn quanh bên chiếc xe lăn, mẹ vẫn cười, vẫn hồ hởi dặn con mua đồ này thứ kia chuẩn bị cho Tết nhưng nhìn trong đôi mắt có phần đục mờ của mẹ, tôi hiểu một nỗi buồn không tên xen lấn. Nỗi buồn của quy luật, của tạo hóa mà con người luôn bất lực để đổi chiều.
Ngày cuối năm nay mẹ muốn đi mua một cuốn lịch. Ngày xưa, tết nào cũng vậy, mẹ rất lo không có tiền mua bốn thứ: Nồi bánh chưng, cái giò mỡ, cuốn lịch và bánh pháo. Nếu có đủ bốn thứ đầu tiên ấy rồi, mẹ sẽ tiếp tục lo thêm nồi miến, khuôn giò nạc...
Đã rất nhiều năm thời còn khó khăn, sắp sang canh năm mới, mẹ vẫn còn ngồi bó giò. Hàng xóm luôn lấy làm ngạc nhiên, duy chỉ bố con tôi hiểu đó là ngày thịt ở chợ rẻ nhất.
Bố mẹ dọn nhà vào trong xóm để ở vì sợ đàn con ở gần đường, gần thị trấn sẽ sao nhãng học hành mà không nên người. Thậm chí, khi vào trong làng rồi mà bố mẹ vẫn kiên quyết không buôn bán vì sợ gia đình mải làm ăn, ham tiền nên con cái không học hành được.
Bao nhiêu gồng gánh, bố mẹ dành hết cho con cái được học.
Hôm nay người bán lịch chỉ lấy chút tiền tượng trưng. Có lẽ người ta nghĩ mẹ chả còn được mua lịch mấy lần nữa.
Suy nghĩ ấy hơn một lần khiến tôi rơm rớm nước mắt.
Xuân đang về trên khắp nẻo đường. Đất trời đem lại mùa xuân cho con người. Nhưng chính mẹ mới là người đem lại Tết cho gia đình.