Gần một tháng nay, tại trường THPT dân lập Phương Nam (khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên có hàng chục người tìm đến. Có người mang cả chiếu, chăn, màn… sinh hoạt vạ vật ngay tại căng tin nhà trường, mong gặp bằng được để đòi nợ bà hiệu phó Trương Thị Hải Yến.
Sau nhiều ngày không thể gặp được bà Yến, nhiều người treo băng rôn, cầm loa đòi nợ không khai. Đơn tố cáo liên tiếp gửi đến cơ quan chức năng. Công an vào cuộc, ngày 24/8, bà Yến cùng em gái Trương Thị Kim Dung (51 tuổi) và con trai Mai Huy Thành (28 tuổi) bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Là một trong 19 người gửi đơn tố cáo, anh Phạm Văn Hùng (ở Cầu Giấy) bức xúc: “Gần một tháng nay, tôi đứng ngồi không yên, có nhà mà không dám về, mong ngóng từng ngày tin tức của cơ quan chức năng”.
Anh Hùng thuê đất mở căng-tin và sân bóng ở trong trường, cũng từ đó có mối quan hệ với bà Yến. Thấy ngôi trường khang trang, lại có nhiều học sinh, anh huy động 10 tỷ đồng từ anh em bạn bè cho bà Yến vay. Sau lần đó, anh cho vay thêm gần 2 tỷ đồng nữa, tiền lãi được hứa trả 6% một tháng.
Theo anh Hùng, khi giao số tiền lớn cho bà Yến "đầu tư vào trường", anh không ngờ có ngày mất trắng như thế này. "Bà ấy tính tình nhã nhặn, hòa đồng. Hơn nữa nhìn vào ngôi trường khang trang, bề thế không ai nghĩ gì đến chuyện lừa lọc, gian lận gì ở đây", anh nói.
Trong số những người tự nhận là nạn nhân của bà Yến, bà Ngô Thị Anh Thư cho biết mình bị nợ nhiều nhất. Tổng số tiền bà Thư đã cho vay lên tới 140 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi). “Tôi trước giờ luôn là người giàu có mà giờ không có nhà để ở. Mấy chục năm gây dựng sự nghiệp thế là mất hết tất cả”, bà Thư tâm sự.
Năm 2008 qua người quen giới thiệu, bà đến xin cho đứa cháu vào làm hành chính trong trường rồi từ đó quen bà Yến. "Khi đã trở nên thân thiết, bà Yến hỏi tôi có quen ai làm tài chính không, giúp vay một khoản tiền để lo việc nọ việc kia. Tôi giới thiệu và vay hộ 400 triệu đồng, đúng 15 ngày sau bà Yến sòng phẳng cả vốn lẫn lời", bà Thư kể.
Có bãi đất trống sau trường, bà Thư sau đó được vào mở căng-tin, bán hàng cho học sinh. Cuối năm 2008, quán đi vào hoạt động, bà Yến thường qua lại ủng hộ. "Mỗi khi bà Yến có việc hỏi vay tiền, tôi không ngần ngại đi vay mượn giúp. Cứ như thế vay và trả rất tử tế khiến tôi càng thêm tin tưởng", bà Thư nói.
Theo bà Thư, bà Yến sau đó nhiều lần mời bà đầu tư cổ phần vào một trường mầm non cũng ở khu Định Công, nói kinh doanh trường học là siêu lợi nhuận. Bà Thư gom góp toàn bộ số tiền tiết kiệm trong suốt mấy chục năm làm việc và vay thêm bên ngoài thành 140 tỷ đồng giao cho bà Yến. Đỉnh điểm có ngày bà đưa cho bà Yến tới 16 tỷ đồng. Hiện, bà Thư dù bán hết gia sản giàu có của mình cũng không thể trả hết tiền đã vay, đối mặt với khoản nợ kếch xù.
Ông Đỗ Khắc Tuấn (huyện Phúc Thọ) cũng mất ăn mất ngủ suốt mấy hôm nay. Ông cho biết gia đình có nhu cầu vay 1,4 tỷ đồng để mở trang trại. Qua một người mai mối ở Sóc Sơn, ông biết bà Yến với tư cách là phó hiệu trưởng một trường có uy tín. Bà Yến hứa sẽ giúp ông Tuấn vay được ngân hàng với điều kiện ủy quyền giao dịch thế chấp sổ đỏ. Mọi thủ tục đã xong, chờ lâu không thấy tiền giao, ông Tuấn tới ngân hàng hỏi thì mới hay tiền đã giải ngân, bà Yến rút hết từ bao giờ.
"Không vay được tiền làm ăn, nợ lại càng thêm chồng chất. Gia đình tôi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo bị ngân hàng siết nợ", ông than.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài 19 người đứng đơn tố cáo, hiện còn một số nạn nhân đang im lặng dù đã mang tài sản của gia đình đi thế chấp vay tiền giao bà Yến. Họ thú nhận vì ham lợi lãi suất cao mà giờ rơi vào thảm cảnh này, không biết đến bao giờ mới đòi lại được tiền.
Cảnh sát đang làm rõ số tiền "khủng" huy động được, bà Yến dùng vào việc gì.
Theo Vnexpress