Những ngành tuyển sinh kém, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp gì?

Những ngành tuyển sinh kém, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp gì?

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 03/01/2023 11:15

Trong đợt tuyển sinh 2022 nhiều ngành học tuyển sinh rất kém. Nếu không có giải pháp thu hút người học phù hợp, khả năng phải đóng cửa ngành rất cao.

4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm gần đây

Thông tin trên Vietnamnet, 4 lĩnh vực gồm Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội trong 3 năm liền (từ 2020 đến 2022) đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Mỗi năm, các ngành này chỉ tuyển được khoảng 40-60% so với chỉ tiêu đề ra.

Bộ GD&ĐT nhận định hầu hết các ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Theo Bộ GD&ĐT, do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Việc một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng dễ thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Tháo gỡ vấn đề bằng cách nào?

Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Phân tích một số nguyên nhân của việc tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín, yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.

Bên cạnh đó, một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được cơ sở đào tạo gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, giành thị phần của trường khác. Một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng.

Ngoài ra, do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ, dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, đặc biệt chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên.

Thông tin trên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết với những ngành khoa học cơ bản, Bộ GD&ĐT đang có định hướng tiếp tục thúc đẩy một số chương trình về khoa học công nghệ liên quan đến khoa học cơ bản. Đồng thời bộ cũng sẽ hoàn thiện xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao; trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao. Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...)

"Riêng lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT nên bộ này phải đứng ra chủ trì xây dựng đề án và kế hoạch triển khai cụ thể trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Các trường có đào tạo lĩnh vực này cần có đề xuất với Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT, nếu cần báo cáo Thủ tướng để xây dựng cơ chế đặc thù thu hút người học", ông Sơn nói.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Thanh Niên, Tuổi Trẻ)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.