Những 'ngôi nhà quỷ ám' ở Đồng Tháp (1)

Những 'ngôi nhà quỷ ám' ở Đồng Tháp (1)

Thứ 6, 26/07/2013 15:34

Người dân ở ấp Tân Thuận B, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp hễ nhắc đến một ngôi nhà ở đây là lại nổi da gà và không giấu nổi nỗi sợ hãi. Họ cho biết, ngôi nhà này đã bị ma ám ngót trăm năm.

Những lời đồn thổi về ngôi nhà ma ám ở Đồng Tháp

Về ấp Tân Thuận B, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, hỏi ngôi nhà ma ám ai thì ai cũng biết. Ngôi nhà mang lời nguyền ma ám rộng chừng 200 m2, dựng bằng ván gỗ trên nền đất cao. Qua nhiều năm không ai ở nên phần ván gỗ bị mục nát, hư hỏng nhiều chỗ, cỏ cây mọc um tùm che kín lối đi đã trang điểm cho ngôi nhà thêm phần huyền bí ma mị.

Bà Tám (sống cạnh ngôi nhà) cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ kể chuyện về ngôi nhà đó. Bà cấm chúng tôi không được bén mảng tới vì sợ bị ma nhập hồn, hút máu. Tôi còn nhớ, họ kể con ma trong nhà đó là ma nữ, hễ thấy ai lang thang ngoài đường giữa đêm khuya là nó bay tới hút máu".

"Có mấy người từng bị nó hút máu nằm xỉu giữa đường, đến sáng hôm sau khi người dân đi làm, phát hiện đưa vào bệnh viện thì trên cổ người đó vẫn còn dấu vết bị cắn. Người nào bị nó hút máu sau này đều bị tâm thần, hoang tưởng, nửa đêm thường la hét. Không biết những chuyện đó có thật không nhưng có điều lạ là đến nay, tôi vẫn không thấy ai từng ở nhà đó. Nếu thật sự không có ma sao không ai dám ở đó chứ?”.

Những người hàng xóm khác sống gần nhà ma này cho biết, ngôi nhà xây dựng từ rất lâu, chừng 100 năm về trước và thuộc về một gia đình có một người con gái độ tuổi 20. Đêm nọ, ba mẹ cô về nhà ông bà nội để lo việc đám tang của một người cậu vừa qua đời. Đêm khuya, nghe tiếng gõ cửa, tưởng ba mẹ trở về,  cô mở cửa thì bị một nhóm thanh niên người Pháp cưỡng bức.

Xã hội - Những 'ngôi nhà quỷ ám' ở Đồng Tháp (1)

Ảnh minh họa.

Tủi nhục, cô gái sống khép kín, luôn hoảng sợ khi gặp người lạ. Nửa đêm cô thường la hét thất thanh khiến hàng xóm không ai ngủ được. Ba tháng sau, cô gái treo cổ tự tử trong nhà với cái thai đang mang trong bụng. Đau khổ vì mất con, ba mẹ cô dợn đi nơi khác sống. Từ đó, hằng đêm người ta vẫn thường thấy cô gái hiện về, ẵm một đứa con nít trên tay đi lại trong nhà.

Cách đây hơn 20 năm, có một ông lão tên Ba sinh sống gần ngôi nhà hoang này, mỗi ngày ông vẫn thường qua nhà chặt cây, đốn củi đem về. Lần nọ, không hiểu vì sẩy chân hay bị ma đẩy mà ông ngã lăn xuống một ao nước phía sau nhà chết ngạt nước. Từ khi ông Ba chết, người dân quanh vùng càng thêm hoang mang về sự linh thiêng của ngôi nhà. Người dân lại có dịp thổi phồng những câu chuyện mang màu sắc huyền bí, ghê sợ của căn nhà hoang.

Mọi người đều cho rằng, do ông Ba đốn trộm cây khô mà không xin phép cô gái nên bị đẩy xuống ao, dìm chết. Sau cái chết của ông Ba, không đứa trẻ con nào dám lại gần ngôi nhà chơi đùa. Đêm xuống, không ai dám đi ngang qua ngôi nhà dù có việc gấp mà phải đợi trời sáng.

Để mục sở thị oan hồn cô gái trẻ theo lời đồn, chúng tôi tìm đến căn nhà trong một buổi chiều mưa rả rích. Từng cơn gió lạnh buốt thổi tạt vào người, luồn qua vách gỗ tạo nên không gian rờn rợn. Gia nhà chính có đặt bàn thờ tổ tiên, phía trong phòng có một cái giường bằng gỗ đặt ngổn ngang thau, rổ, thúng… Sau nhà có một bộ ván nằm và nhà vệ sinh. Do bị bỏ hoang nhiều năm nên bụi bám đầy vật dụng sinh hoạt trong nhà.

Điều đặc biệt, ngôi nhà còn có một tầng hầm phía dưới. Chúng tôi đánh liều bước xuống thì nghe những tiếng động lạ đến rợn người trong căn hầm tối om. Khi chúng tôi rọi đèn pin vào, một bầy dơi túa ra, bay hoảng loạn. Căn hầm lâu không có người lui tới đã trở thành thánh địa lý tưởng cho lũ dơi trú ngụ và sinh sống. Rảo quanh căn nhà, ngoài những đồ đạc đã cũ rích, chúng tôi thấy ngôi nhà này cũng như những ngôi nhà hoang khác chứ chẳng có gì đặc biệt, cũng cáu bẩn, bám đầy bụi, vách nhà hư hỏng nhiều nơi…

Sự thật về ngôi nhà ma

“Thỉnh thoảng, lại có một nhóm người lạ lẻn vào ngôi nhà đó lúc nửa đêm hoặc giữa trưa, ra ngôi mộ phía sau nhà xì xụp lạy lục, thắp nhang xin số đề để mong một bước lên tiên, giàu có nhanh chóng. Không biết có ai trúng được số đề hay không mà lâu lâu lại có một nhóm khác đến khiến bà con ngủ không yên với những người này nữa”, ông Huỳnh Văn Chất (80 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Thanh Bình) bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà được dòng họ Dương xây dựng vào năm 1919. Thời gian này, thực dân Pháp xâm lược, đánh chiếm ác liệt. Vì không chịu nổi bom đạn chiến tranh, cả dòng họ đó đã dọn đi nơi khác sinh sống. Từ đó, ngôi nhà không ai quản lý đã trở thành nhà hoang.

Ông Lê Văn Dầy (90 tuổi, là dân địa phương) nhớ lại: “Nghe mọi người đồn thổi nhà này có ma quỷ, nằm trong đây ngủ sẽ bị ma nhát nhưng hồi đó tôi ngủ ở đây hoài mà có thấy bóng dáng ma quỷ nào đâu. Thời chiến tranh, tôi tham gia chống giặc, cứu nước, từng cư trú tại nhà này một thời gian dài. Đêm nào tôi cũng ngủ lại nhà cùng các anh em đồng đội khác. Lúc đó, người dân sống quanh đây đã đồn thỏi nhà này có ma mà tất cả anh em ngủ ở đây, chẳng ai thấy điều gì bất thường cả”.

Nhiều bậc cao niên sống tại vùng đất này cho biết, vào khoảng năm 1945, ngôi nhà là nơi các chiến sĩ cách mạng sinh sống và hoạt động chống Pháp. Để bảo đảm an toàn, nhiều cán bộ liền nghĩ ra cách thêu dệt chuyện ma quỷ nhằm hạn chế người tới lui ngôi nhà. Ngôi nhà đã cưu mang rất nhiều cán bộ công an hoạt động một thời gian dài. Tiếp sau đó, ban chỉ huy quân sự tỉnh cũng về đây an cư để hoạt động cách mạng. Tầng hầm trong ngôi nhà chính là căn cứ quân sự bí mật của quân ta trong một thời gian ngắn, góp phần chống trả nhiều trận đánh ác liệt của giặc.

Nhiều năm đã trôi qua, những cán bộ chiến sĩ thời xưa từng đóng quân tại ngôi nhà này có một số đã chết, số còn lại đã lưu lạc đi nơi khác sinh sống, vì vậy những lời đồn về ma quỷ vẫn chưa được giải oan. Qua nhiều năm, căn nhà được một cán bộ huyện Thanh Bình sở hữu nhưng vì những lý do cá nhân mà ngôi nhà vẫn bị bỏ hoang, không có người ở. Chính vì vậy, chuyện ngôi nhà có ma vẫn được tiếp tục đồn thổi và thêu dệt thêm nhiều điều kì bí, ma mị.

“Ngôi nhà này một thời từng nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng, góp phần thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt để lập lại hòa bình cho đất nước, dân tộc. Những trận đánh tại chợ Thanh Bình, trận Cột Dây Thép tại chợ Mới, An Giang… thành công vẻ vang và nhiều chiến công lẫy lừng khác của quân ta đều có sự góp mặt không nhỏ của căn nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng này. Nơi đây phục vụ nhiều trận đánh chứ không phải một trận, thế mà lại bị chìm vào quên  lãng” – ông Phạm Chí Mỹ - chủ tịch Hội khoa học lịch sử xã ấp Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết.

BTV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.