Bất chấp những khó khăn gian khổ của cuộc sống thường ngày những chiến sĩ ấy vẫn làm trọn nhiệm vụ là canh giữ đảo và ngọn Hải đăng lịch sử. Nơi xa xôi ấy chính là đảo Kê Gà (thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), hoang đảo này được xem như là "người vợ thứ hai" đối với những chiến sĩ đã từng gắn bó hàng mấy chục năm trên đảo.
Đảo Kê Gà hiện ra với những nét hoang sơ, huyền bí
Hòn đảo với những điều huyền bí
Trong dịp công tác tại tỉnh Bình Thuận, chúng tôi đã có dịp ghé thăm đảo Kê Gà thuộc xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Hòn đảo này được mệnh danh là ốc đảo với nhiều điều huyền bí về những chuyện liên quan đến việc tàu bè đi lại quanh khu vực này thường hay bị đắm chìm do không xác định được tọa độ, vị trí trên biển.
Đảo Kê Gà hay còn gọi là Khê Gà, là hòn đảo nằm ở cực Nam của tỉnh Bình Thuận, đây là nơi có ngọn hải đăng ngày đêm được canh giữ bởi những người lính. Đảo nằm cách bờ chừng vài trăm km nhưng để ra tới được thì quả là khó khăn. Chúng tôi ghé thăm đảo vào những ngày thời tiết có báo bão nên sức gió và sóng mạnh hơn những ngày bình thường. Để ra đảo, chúng tôi phải nhờ ngư dân sống trên đất liền chở bằng thuyền thúng, những cơn sóng dập dình cứ nhấp nhô khiến chúng tôi choáng váng. Ghê sợ hơn là chiếc thuyền thúng cứ nghiêng qua nghiêng lại như muốn lật trước những đợt gió mạnh thổi tới. Chúng tôi phải ngồi im và giữ thật vững thành thuyền mới có thể đi tiếp.
Bước chân lên tới đảo, chúng tôi phải ngồi xuống và định thần một lát mới có thể tiếp tục lên đường. Đảo Kê Gà hiện ra với những nét hoang sơ, kỳ bí bởi những vách đá lởm chởm, cây cối mọc um tùm, dọc hai bên đường là những hàng cây sứ cổ thụ nở hoa rực rỡ. Lên tới nơi có ngọn hải đăng nổi tiếng, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi cảnh vật thật hùng vĩ nơi đây. Từ cao của ngọn tháp có thể nhìn được tổng quát những ngôi nhà trên đất liền và cả vùng biển rộng lớn, những chiếc thuyền đánh cá ngoài xa trông giống như những chấm nhỏ trên biển. Cảnh vật trên đảo tuyệt đẹp, không khí lại thoáng mát. Thế nhưng nếu kéo dài những tháng ngày trên hòn đảo này thì thực là khốn khó vô cùng. Bốn phía đều cách biệt với đất liền, mọi thứ trên đảo đều phải tự lo, từ ăn uống cho tới sinh hoạt hằng ngày đều thiếu thốn đủ thứ.
Vậy mà trên hòn đảo hoang sơ ấy vẫn có những con người tình nguyện gắn bó đến mấy chục năm, họ xem việc canh giữ và bảo vệ hòn đảo như một nghĩa vụ cao cả. Chẳng phải là những anh hùng, họ là những người con yêu dân tộc, yêu từng mảnh đất trên quê hương, xứ sở của mình. Tiếp xúc với những chiến sĩ trên đảo, chúng tôi được nghe kể về cuộc sống bình dị nhưng đầy niềm đam mê và tâm huyết của những người lính dám hy sinh cuộc sống riêng để bảo vệ những giá trị của dân tộc.
Giải thích về hiện tượng trước đây có nhiều tàu bè bị đắm, người lính đảo Lương Hữu Phúc cho biết: "Khu vực xung quanh đảo hằng ngày có rất nhiều tàu thuyền qua lại, chuyện trước đây có nhiều tàu thuyền bị đắm là bởi xung quanh đảo có rất nhiều đá ngầm, hơn nữa lại không có đèn báo nên ban đêm tàu thuyền không xác định được tọa độ, đi vào sẽ bị va vào đá. Từ khi có ngọn đèn hải đăng thắp sáng suốt đêm thì hiện tượng chìm tàu thuyền không còn xảy ra tại khu vực này.
Những người lính trên hòn đảo xa
Những Robinson trên hoang đảo
Cuộc sống trên hoang đảo lúc nào cũng khó khăn trăm bề, những người lính sống trên đảo Kê Gà phải luôn vật lộn với khó khăn thường ngày. Chúng tôi may mắn được gặp hai trong số bảy chiến sĩ sống trên hòn đảo huyền thoại này. Kể về những người lính đảo anh Trương Đại Phước cho biết: "Tất cả gồm bảy anh em gắn bó, bảo vệ và canh giữ trên hòn đảo này, cuộc sống tuy khó khăn nhưng cũng không buồn tẻ. Mỗi ngày, sau giờ làm nhiệm vụ, anh em đều tạo tác và cải tạo tu bổ cho phong cảnh trên đảo ngày một đẹp hơn. Bằng việc chế tác nên những dụng cụ để sinh hoạt hằng ngày hay những sinh cảnh để tạo nên cái hồn cho cuộc sống trên đảo thêm tươi mới hơn, từ đó cuộc sống trên đảo của anh em cũng thêm phần vui thích".
Anh Lương Hữu Phúc (37 tuổi) cho biết: "Công việc chính thường ngày của anh em trên đảo là đi tuần tra, canh giữ ngọn hải đăng và ghi chép lại tình hình cũng như thời tiết trên đảo hằng ngày. Tuy công việc không mấy vất vả nhưng lại hết sức quan trọng bởi nếu ngọn đèn đột nhiên tắt thì phải lập tức khắc phục sự cố cho tàu bè nhận biết đảo mà tránh, nếu không sẽ rất nguy hiểm".
Những ngày chúng tôi ghé thăm những người lính trên đảo bận công tác nên chỉ được tiếp xúc nói chuyện với hai chiến sĩ. Anh Phúc, người lính có thâm niên khá lâu trên đảo kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của các anh. Anh cho biết: "Thường ngày, điện dùng cho sinh hoạt hằng ngày và để thắp sáng cho ngọn đèn hải đăng trên đảo là dùng ắc-qui được nạp điện bằng pin năng lượng mặt trời. Do thời tiết tỉnh Bình Thuận quanh năm có nhiều nắng nên nguồn điện cung cấp cũng tạm đủ, những ngày mưa nhiều ắc-qui hết điện thì phải dùng máy phát điện.
Những người lính trên đảo hiện đều đã có gia đình, nhưng thời gian họp mặt với gia đình chỉ trông chờ vào những ngày nghỉ phép hằng năm hoặc những dịp đặc biệt. Được biết, anh Lương Hữu Phúc vốn quê ở TP.HCM, nhưng do công tác ở đảo nên vợ con anh cũng phải theo anh về Bình Thuận định cư để tiện đi lại.
Cuộc sống của những người lính trên đảo là vậy, họ chấp nhận và luôn vui vẻ vì mình đã góp phần vào bảo vệ quê hương, đất nước.
Không chỉ có nhiệm vụ là bảo vệ và canh giữ hòn đảo biệt lập, những người lính trên đảo phải tự phân công nhau đi chợ mua thức ăn, nấu nướng... Việc chu cấp lương thực, thực phẩm trên đảo quả là một việc hết sức vất vả đối với những người lính nơi đây bởi từ đảo đi vào đất liền quả là chặng đường gian nan. Không những thế, nguồn nước ngọt để dùng trên đảo là một vấn đề nan giải hơn. Mặc dù đã có một bể chứa nước mưa khá lớn nhưng do thời tiết quanh năm rất ít mưa nên lượng nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày thường xuyên thiếu. Thiếu thực phẩm thì có thể sống tạm qua ngày được chứ thiếu nước thì rất nan giải. "Những ngày thiếu nước, anh em phải vào đất liền mua nước rồi vận chuyển ra đảo, riêng chặng đường vận chuyển đã mất rất nhiều thời gian và kinh phí. Mỗi lần như thế rất cực nhưng đã sống ở đảo thì phải chấp nhận mọi khó khăn" - anh Phúc chia sẻ.
Thường ngày, do chưa được trang bị những kỹ thuật và công nghệ để dự báo thời tiết nên những chiến sĩ trên đảo chủ yếu là dùng mắt thường để quan sát và dự báo tình hình mỗi ngày. Những phương tiện để dự báo thời tiết đã thiếu, cơ sở vật chất ngoài hải đảo xa xôi càng thiếu thốn hơn nhiều. Mọi phương tiện truyền thông chỉ được tìm hiểu thông qua những kênh trên FM hoặc vài tờ báo mua được lúc ghé vào đất liền.
Những chiến sĩ trên hòn đảo này vẫn ngày đêm canh giữ và bảo vệ vững chắc trên vùng đất hoàn toàn cách biệt với đất liền mặc dù cuộc sống còn nhiều gian nan, khó khăn. Rời đảo, chúng tôi không khỏi vương vấn bởi có không ít suy tư về những người lính trên đảo xa…
Mai Phong