Bài hát Việt ở Alcazar
Cuối tháng 6/2013, nam thanh niên tên Bảo dẫn chúng tôi đi xem chương trình ca của người chuyển giới chuyên phục vụ khách du lịch, tại Nhà hát Alcazar, thành phố biển Pattaya (Thái Lan). Cha Bảo người Việt, mẹ người Thái. Gia đình Bảo sống ở Bangkok. Bảo nói, ở thành phố Pattaya có hai nhà hát của người chuyển giới. Alcazar nổi tiếng hơn.
Nhà hát Alcazar rực rỡ khi đêm xuống. Mua một vé 450 - 550bath, khách được miễn phí đồ uống. Hằng đêm, Nhà hát có 3 show (mỗi show một tiếng rưỡi). Mùa du lịch, đêm nào Nhà hát cũng sáng đèn. Đây là điểm đến không thể thiếu của các tour du lịch đến Thái Lan.
|
Chúng tôi xem biểu diễn ca nhạc lúc 18h30. Nhà hát kín chỗ, đều là khách du lịch đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… Chương trình biểu diễn là các tiết mục ca nhạc dàn dựng công phu, từ đầu đến cuối giống như chuyến du lịch văn hóa qua các quốc gia khác nhau.
Khoảng giữa chương trình, khán giả Việt Nam bất ngờ khi sân khấu chuyển phông, Nhà hát Lớn hiện lên, liền sau đó là các cô gái mặc áo dài thướt tha lướt ra sân khấu. Khán giả Việt Nam chiếm gần nửa khán phòng ồ lên đồng thanh. Một cô gái mặc áo dài đỏ bước ra cất lời bài “Chuyện thường tình thế thôi” (hát nhép giọng ca sỹ Hồng Ngọc). Khán giả Việt Nam vỗ tay theo nhịp rất phấn khích.
Trong các trang phục biểu diễn mang sắc màu của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga…, những người chuyển giới trở nên gần gũi với khán giả - khách du lịch. Mỗi bài hát, khán giả được sống trong không khí ở quê nhà, khi nghe giai điệu, nhìn màu sắc đặc trưng của quốc gia mình.
Kết thúc chương trình, các người đẹp đứng ở sảnh Nhà hát chụp ảnh cùng khán giả, mỗi bức 40 bath. Không khí rộn ràng như ở một lễ trao giải của giới showbiz.
Tác giả với người đẹp chuyển giới.Chẳng ai sinh ra lại muốn mình như thế!
Với quốc gia có 95% dân số theo Đạo Phật như Thái Lan thì chuyện chuyển giới được nhìn dưới ánh mắt bao dung hơn!
Tuy nhiên cũng có một số người coi việc này là “cãi ý trời”. Họ quan niệm: giàu - nghèo, đẹp - xấu của mỗi người được chia tỷ lệ cố định theo số phận. Trong phần được sửa đổi, nâng cấp (đẹp hơn, giàu hơn mức cho phép) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Nếu quá mức cho phép thì trái với quy luật, chống lại số phận. “Muốn đẹp hơn, ít thì dùng son phấn, nhiều thì phẫu thuật. Muốn giàu hơn, ít thì chăm chỉ làm ăn, nhiều thì buôn gian, bán lậu... Cái gì quá đều không hay. Nhưng chuyện chuyển giới không thể suy luận theo cách này được”, Bảo nói.
Bảo kể, ở Thái, khi muốn chuyển từ nam sang nữ, họ sẽ đến gặp bác sỹ. Ban đầu bác sỹ tư vấn, tìm cách phát triển nam tính, tránh phải phẫu thuật đau đớn (tất nhiên là các trung tâm phẫu thuật, các bác sỹ làm ăn đàng hoàng).
Chụp ảnh với khách du lịch.
Nếu không còn cách nào, bác sỹ yêu cầu người chuyển giới nghĩ kỹ trước quyết định can thiệp bằng dao kéo. Khi hạ quyết tâm chuyển giới hoàn toàn, người đó phải trải qua khoảng một năm tiêm hormone (tùy thể trạng mỗi người) để làm mềm xương, khớp.
Từ người sức dài vai rộng để thành yểu điệu thục nữ, ngoài sự trợ giúp của hormone, có thể phải chấp nhận sự can thiệp cực kỳ đau đớn (có khi phải mài xương cho vai thon nhỏ). Từ một người 70 - 80 kg trở thành mảnh mai 50kg - 40kg phải ép giảm cân bằng nhiều cách khắc nghiệt.
Sau khi phẫu thuật tạo hình, để có bầu ngực thực sự, họ phải tiêm hormone, silicon liên tục. Mỗi lần tiêm là một lần tính mạng bị đe dọa, nếu không may kim đâm vào phổi, vào tim… Phức tạp nhất là phẫu thuật bộ phận sinh dục. Tổng chi phí phẫu thuật mỗi ca chuyển giới khoảng 20.000 - 40.000 USD.
Sau khi chuyển giới, muốn giữ được vóc dáng, nhan sắc phải sống chung với hormone, các loại kem đặc biệt đắt tiền. Cũng từ đây trở đi, đẹp đồng nghĩa với đau đớn thể xác và tốn kém.
Trên phố Pattaya và Bangkok, thi thoảng chúng tôi gặp những cô gái còn đậm nét đàn ông. “Đó là những người có thể chưa đủ tiền phẫu thuật hết, hoặc không muốn phẫu thuật tiếp. Trông thế thôi, chứ phần trên là nữ, dưới vẫn là nam. Ngay cả những người biểu diễn ở Alcazar, ngoài các cô gái xinh đẹp, còn có các diễn viên nam. Những diễn viên ấy có thể đang ở thời kỳ tiêm hormone trước phẫu thuật, hoặc có thể không muốn phẫu thuật”, Bảo giải thích.
Trong hành trình tìm lại chính mình của người chuyển giới, cái mà họ trả giá lớn nhất là tuổi thọ. “Khoảng 50 tuổi, sức khỏe người chuyển giới bắt đầu sa sút. Những vết thương từ dao kéo, từ khớp, xương, từ hậu quả của hormone bắt đầu hành hạ. Các chị chỉ ngồi ở nhà chịu đau đớn cho đến khi chết. Trên thế giới cũng có những người chuyển giới sống thọ, tuy nhiên số đó không nhiều”, Bảo dẫn ý kiến một bác sỹ Thái Lan.
Theo Tiền phong